Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Sừng tê giác và câu chuyện đánh thức lương tri

10/03/2016

     Tiền bạc có thể mang lại nhiều thứ, hạnh phúc hoặc khổ đau tùy theo mục đích sử dụng. Lương tâm mới là điều quan trọng. Chia sẻ quan điểm về đạo đức khi sử dụng sừng tê giác, nhà báo tự do người Úc Mic Smitth đã mô tả “sự xung đột lương tâm” ở những người tiêu thụ tại Việt Nam, đồng thời khẳng định việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, thức tỉnh lương tri của họ mới là giải pháp bền vững cho vấn nạn săn bắt tê giác. Xin giới thiệu tới độc giả bài bình luận này.

 

Tê giác trắng phương Nam (Ảnh: Rhett Butler)

 

     Sự kiện gia nhập WTO của Việt Nam vào năm 2007 đã giúp nhiều người dân cải thiện cuộc sống. Thế nhưng sự thịnh vượng mới đã không may kéo theo nỗi đau khổ cho loài tê giác Nam Phi và những người coi sóc chúng. Lượng tiêu thụ sừng tê giác hiện tỉ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Bởi lẽ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh tại Việt Nam càng làm dày thêm túi tiền của giới trung lưu - đối tượng tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất trên toàn thế giới.

     Người Việt Nam vốn rất trân trọng và có ý thức bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên. Tuy nhiên, những mong muốn vị lợi từ tự nhiên dần dà xuất hiện khiến con người đòi hỏi quá mức. Từ xa xưa, người dân đã truyền tụng tác dụng của sừng tê giác như một dược phẩm có tác dụng hạ sốt và giải độc, còn ngày nay chúng lại được sử dụng như một loại thuốc tăng lực, giải rượu, trưng bày địa vị hay một loại quà tặng xa xỉ.

     Nói chung, các chính phủ thường ưu tiên phát triển kinh tế hơn bảo vệ môi trường. Dân số tăng và xã hội phát triển, ngày càng nhiều đất đai bị lấn chiếm, khiến các loài động vật hoang dã bị đẩy vào những khoảng không chật chội. Việt Nam là ví dụ điển hình.

     Chiến tranh và cấm vận đã kìm hãm phát triển kinh tế tại Việt Nam giai đoạn những năm 1980-1990. Một trong những người bạn của tôi kể lại, gia đình của cô thời đó rất nghèo, đến nỗi không có đủ tiền chữa bệnh cho anh chị của cô, chỉ có thể dùng phương thuốc dân gian. Cuối cùng, cả hai đều không thể qua khỏi. Ba mươi năm sau, cô bạn tôi đã có thể tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn với mức lương khá cao. Khi bị ốm, cô ấy có thể tới gặp bác sĩ đông - tây y và hoàn toàn đủ khả năng chi trả. Rõ ràng, kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển.

 

Sừng tê giác thường được bổ sung giúp giảm sốt và trị độc. (Ảnh: Mic Smith)

 

     Một người bạn khác của tôi kể rằng, ông bà của anh sở hữu một chiếc sừng tê giác trong 50 năm. Họ thường sử dụng theo cách truyền thống, nghiền nhỏ thành bột và pha vào nước cùng những loại thảo dược khác để chữa cảm sốt. Khi họ mất, chiếc sừng chỉ còn dài 5 cm. Dựa vào thời gian họ mua chiếc sừng vào khoảng giữa những năm 1960, rất có thể đó là sừng của một con tê giác Java còn sống ở Việt Nam khi đó, hoặc đến từ Châu Phi thông qua những tay buôn Trung Quốc. Vào thời đó, số lượng tê giác ở Châu Phi nhiều hơn bây giờ, khoảng một trăm nghìn cá thể, chủ yếu là tê giác đen. Thế nhưng, trong khoảng giữa những năm 1960-1990, hàng chục nghìn con tê giác đen đã bị giết hại ở nhiều nước châu Phi để thỏa mãn nhu cầu sử dụng sừng tê giác làm thành phần cho những bài thuốc Đông Y ở Trung Hoa. Tê giác trắng phương nam chỉ còn khoảng 50 cá thể vào cuối thế kỉ 19 do nạn săn trộm tràn lan, nay đã tăng lên 20.000 cá thể. Tê giác đen còn lại khoảng 5.000 cá thể trên khắp lục địa, còn các loài tê giác trắng khác như tê giác trắng phương bắc xem như đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

     Dưới những áp lực từ cộng đồng quốc tế, cùng mong muốn giữ gìn hình ảnh của Trung Quốc, Chính phủ nước này đã nỗ lực hạn chế nhu cầu sừng tê giác. Nam Phi cũng bắt đầu một chiến dịch bảo tồn đầy tham vọng khi phân bổ lại toàn bộ tê giác đen và tê giác trắng phương nam ra khắp cả đất nước. Các biện pháp bảo tồn mang tính đột phá cũng được Nam Phi chú trọng nhằm cứu loài tê giác phương nam khỏi nạn tuyệt chủng cận kề.

     Mặc dù vậy, quá trình toàn cầu hóa vô hình chung đã tạo nên đường dây liên kết giữa người giàu và kẻ nghèo. Tầng lớp trung lưu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam đã gián tiếp bóc lột những người dân nghèo nhất ở những bản làng Nam Phi và Mozambique, đẩy họ vào con đường săn bắn tê giác trái phép. Những con người bần cùng bị dụ dỗ bởi lời hứa tiền công cho vài ngày đi săn trộm bằng cả năm lao động, mạo hiểm chấp nhận án tù lâu năm hoặc thậm chí bị bắn chết.

     Cũng như Việt Nam, Nam Phi đang dần hồi phục sau thời gian dài thuộc địa hóa. Nền kinh tế của Nam Phi chủ yếu dựa vào dịch vụ du lịch hoang dã. Ngành kinh tế mũi nhọn này đang phải gánh chịu những ảnh hưởng tệ hại từ hoạt động buôn bán sừng tê giác trái phép. Để ngăn chặn vấn nạn này, Chính phủ Nam Phi đang phải chi trả một khoản ngân sách không hề nhỏ.

     Tổn thất lớn nhất có thể kể đến là tác động tới xã hội Nam Phi, bên trong vỏ bọc bình thường là một mạng lưới tham ô mục ruỗng. Từ người dân cho đến các quan chức Chính phủ không dám đứng ra vạch trần những kẻ nằm trong đường dây buôn bán sừng tê giác trái phép do sợ liên lụy đến gia đình, lòng tham và tiền bạc đã che mờ tất cả. Trong khi Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu có những nỗ lực ngăn chặn nạn nhập khẩu trái phép sừng tê giác qua bến cảng và các sân bay, thì giải pháp bền vững thực ra lại phải xuất phát từ ý thức của người dân.

     Bạn của tôi, người cháu của hai ông bà sở hữu chiếc sừng tê giác nọ, là một công dân hiện đại thuộc tầng lớp trung lưu, có cơ hội đi khắp thế giới. Anh vẫn tin tưởng vào công hiệu chữa bệnh của sừng tê giác, giống như ông bà anh. Anh ấy hỏi tôi: nếu phương thuốc đó thực sự hiệu nghiệm và có thể chữa khỏi bệnh cho ai đó thì liệu tôi có còn phản đối việc sử dụng sừng tê giác như một phương thuốc nữa không? Có, với tôi điều đó vẫn là trái lương tâm. Bởi vì loài tê giác đang bị đe dọa bởi những tổn thất mà những người dân và các động vật khác phải gánh chịu để đánh đổi lại phương thuốc đó.

     Lương tâm trong mỗi người là điều giúp chúng ta tránh gây nên tội ác. Sử dụng sừng tê giác, dù có đem lại lợi ích nào đi chăng nữa cũng không thể bù lấp những điều tệ hại mà nó mang lại.

 

Duy Bạch

Ý kiến của bạn