Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Phát triển điện mặt trời trên mái tại TP. Hồ Chí Minh không ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải

26/08/2019

     Hiện công suất điện mặt trời trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn rất thấp so với tiềm năng và công suất hệ thống, do đó việc phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian tới sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải.

     Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đang thúc đẩy lắp đặt điện mặt trời nối lưới nhằm khai thác thế mạnh về lượng bức xạ trên địa bàn, tăng nguồn cung điện.

     Theo EVNHCMC, từ khi Quyết định số11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực, nhất là từ đầu năm 2019 đến nay công suất lắp đặt điện mặt trời tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng nhanh. Tính đến tháng 7/2019 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có 3.138 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới, với tổng công suất gần 38 MWp, tăng hơn 8,9 lần số khách hàng và trên 8,1 lần công suất lắp đặt so với cùng kỳ. Trong đó có 2.818 đăng ký bán điện dư cho ngành điện.

     Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Quốc Bảo - Tổng giám đốc EVNHCMC - cho biết, trong năm 2019 EVNHCMC tích cực vận động các hộ gia đình, đơn vị và doanh nghiệp (DN) lắp đặt điện mặt trời nối lưới, phấn đấu toàn thành phố lắp đặt 80 MWp. Trong khi năng lực truyền tải của lưới điện tại TP. Hồ Chí Minh lên đến 7.000 - 8.000M, chưa đến 2% công suất của hệ thống. Để đạt mục tiệu này, EVNHCMC đang xúc tiến với trên 15.450 khách hàng có tiềm năng lắp đặt điện mặt trời như các DN, khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, các khách hàng lớn… có tiềm năng trên địa bàn để đầu tư điện mặt trời.

 

Một công trình điện mặt trời trên mái nhà tại TP. Hồ Chí Minh

 

     Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng đã sớm triển khai ký hợp đồng mua bán điện mặt trời và tổng công ty là đơn vị đầu tiên trong cả nước trả tiền điện cho người dân trên địa bàn đầu tư điện mặt trời nối lưới. Tính đến tháng 8/2019, EVNHCMC đã thanh toán cho khách hàng trên 3,2 tỷ đồng tiền điện.

     Để khuyến khích khách hàng, EVNHCMC tích cực thực hiện và đi đầu trong lắp đặt, sử dụng điện mặt trời nối lưới. Hiện đã có 20 đơn vị trực thuộc EVNHCMC hoàn tất lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại trụ sở đơn vị, với tổng công suất gần 1,3 MWp; các đơn vị còn lại đang triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành trong năm 2019 với công suất 4,3 MWp.

     Cũng theo ông Bảo, TP. Hồ Chí Minh có lợi thế lớn về phát triển điện mặt trời do có nguồn bức xạ mặt trời mạnh trong khu vực các tỉnh Nam bộ. Trên địa bàn lại có lượng khách hàng tiềm năng rất lớn là các đơn vị, DN, người dân có mặt bằng, có khả năng đầu tư, cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ về giá bán điện cũng như hỗ trợ của EVNHCMC như lắp đặt miễn phí điện kế 2 chiều cho khách hàng, nhất là chi phí lắp đặt điện mặt trời áp mái đã giảm trên 30% so với trước nên công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

     “Đặc biệt, sản lượng điện mặt trời áp mái trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phần lớn là tiêu thụ tại chỗ, không phải truyền tải đi nơi khác. Trong khi năng lực truyền tải của lưới điện thành phố hiện đạt 8.000 MW, nên công suất lắp đặt điện mặt trời nối lưới dù có tăng rất cao so với hiện nay thì hệ thống điện trên địa bàn vẫn đảm bảo an toàn” - Tổng giám đốc EVNHCMC cho hay.

 

Phạm Văn Ngọc (Theo Báo Công thương)

 

     Đối với chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn, cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án ĐMTMN có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng áp dụng tỷ lệ thuế GTGT trên doanh thu quy định đối với hoạt động sản xuất theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Cụ thể, tỷ lệ thuế GTGT áp dụng là 2%. Cuối năm, EVNHCMC sẽ thực hiện quyết toán, kê khai thuế. Cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án ĐMTMN có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì doanh thu bán điện thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

 

 

Ý kiến của bạn