Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh

27/04/2017

     Phát huy vai trò của các doanh nghiệp (DN) trong công tác BVMT là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay, đặc biệt, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách và chi tiêu ngân sách cho BVMT ngày càng hạn hẹp. Sự phát triển của DN gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác BVMT.

     1. Thực trạng DN với BVMT và tăng trưởng xanh ở Việt Nam

     Báo cáo “Kết quả sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam giai đoạn 2011 – 2014” của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011 – 2014, số lượng các DN của Việt Nam đã tăng lên đáng kể (từ hơn 279.000 DN năm 2011 lên đến hơn 400.000 DN năm 2014). Tuy nhiên, cơ cấu về quy mô của các DN (lao động, nguồn vốn) lại có sự chuyển dịch khá chậm. Hiện có gần 72% các DN thuộc nhóm quy mô siêu nhỏ về lao động và 76% DN thuộc nhóm có quy mô nhỏ về nguồn vốn. Như vậy, có thể thấy, phần lớn các DN thuộc quy mô nhỏ là một trong những thách thức cho việc đầu tư công tác BVMT, đầu tư cho đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, đồng thời giảm thiểu các tác động đến môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng.

     Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, trên phạm vi cả nước có 44/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg chưa hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài; 268/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg đang triển khai xử lý ô nhiễm triệt để, trong đó có 136 cơ sở chậm tiến độ. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường, năm 2011 là 45,9% và năm 2015 là 24,5%. Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng BVMT, gây ô nhiễm môi trường. Hiện cả nước có 283 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó mới chỉ có 212 khu công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 75%; 615 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng hơn 5% đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn lại tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến nước thải không đạt yêu cầu quy chuẩn Việt Nam...

     Những hệ quả về ô nhiễm môi trường đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức cho thực hiện định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam. Trên thực tế đã xảy ra các sự cố môi trường, các điểm nóng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong dư luận; nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý; rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường; diện tích các hệ sinh thái tự nhiên giảm mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái nhanh…

     Mặc dù, các vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng và diễn ra trên diện rộng ở nhiều lĩnh vực nhưng thực tiễn cho thấy các nguồn lực để giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách vẫn còn rất hạn chế. Hiện nay, các nguồn lực chính cho BVMT chủ yếu dựa vào các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước như  nguồn ngân sách cho sự nghiệp môi trường; nguồn đầu tư phát triển; nguồn đầu tư tài chính cho chương trình mục tiêu quốc gia và một số đề án lớn về BVMT. Việc tăng cường đầu tư của nhà nước cho BVMT đã có những chuyển biến, song vẫn còn hạn chế chưa thể giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc hiện nay. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong phân bổ và sử dụng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho BVMT như chưa có ràng buộc, ưu tiên, bố trí chi từ nguồn đầu tư phát triển; tình trạng sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp BVMT chưa đúng mục đích còn xảy ra ở cả trung ương và địa phương.

     Từ những thực trạng nêu trên đã và đang đặt ra thách thức lớn cho việc thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thực hiện xanh hóa sản xuất, thúc đẩy công nghệ xanh ở Việt Nam. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có các giải pháp nhằm thúc đẩy các DN đầu tư vào lĩnh vực BVMT.

     2. Trách nhiệm, lợi ích của DN khi đầu tư vào BVMT và tăng trưởng xanh

     Trước khi bàn luận về lợi ích của DN khi đầu tư vào BVMT và tăng trưởng xanh, cần phải xem xét khía cạnh “Trách nhiệm xã hội của DN”. Theo Hội đồng Kinh doanh Thế giới vì sự phát triển bền vững thì “Trách nhiệm xã hội của DN là cam kết của DN đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về BVMT, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm… theo cách có lợi cho cả DN cũng như phát triển chung của xã hội”.  Như vậy, trong định nghĩa về trách nhiệm xã hội của DN bao hàm cả trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển bền vững và việc tuân thủ các chuẩn mực về BVMT. Việc DN thực hiện trách nhiệm xã hội trong BVMT sẽ mang lại những lợi ích không chỉ cho DN mà còn với cả cấp độ quốc gia.

 

Các DN đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường sẽ làm giảm chi phí sản xuất

thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu và các chi phí khác

 

     Ở cấp độ DN: Khi tham gia vào quá trình thực thi các quy định về chuẩn mực BVMT hay thực hiện trách nhiệm xã hội thì DN sẽ đạt những lợi ích:

     Nâng cao hình ảnh và thương hiệu của DN: Cùng với sự nâng cao nhận thức của xã hội, người tiêu dùng về tầm quan trọng và ý nghĩa của BVMT, DN tham gia đầu tư vào BVMT sẽ góp phần tạo sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với chính DN và những sản phẩm của DN làm ra. Do vậy, hình ảnh và thương hiệu của DN sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững.

     Tạo cơ hội cho DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: Trong những năm qua, các điều khoản cam kết về môi trường trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã là một phần không thể thiếu trong các cam kết hội nhập. Do vậy, khi DN tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực BVMT sẽ góp phần tạo cơ hội cho các sản phẩm của DN đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

     Giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của DN: Các DN đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong thời gian đầu nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu và các chi phí liên quan đến pháp lý BVMT, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động. Mặt khác giúp DN cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong xu thế ngày càng có nhiều nước thúc đẩy và triển khai các chương trình quốc gia về mua sắm và tiêu dùng xanh như hiện nay.

     Ở cấp độ quốc gia

     Việc DN tăng cường đầu tư, tham gia vào thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ BVMT sẽ góp phần thực hiện thành công các định hướng lớn của Đảng và Chính phủ về “Tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT và phát triển bền vững”; “tái cấu trúc nền kinh tế”; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

     DN tăng cường BVMT sẽ góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế mới (kinh tế xanh), các khu vực DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp, sản xuất các hàng hóa và dịch vụ môi trường. Do đó, sẽ tạo ra cơ hội cho phát triển khu vực việc làm xanh và góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

     Giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cho BVMT. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp như hiện nay thì việc tham gia tích cực của các DN trong việc đầu tư các công trình, các giải pháp về BVMT sẽ thúc đẩy chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực BVMT, làm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước về BVMT.

      Thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Việc huy động các DN tham gia đầu tư cho BVMT sẽ là một trong những biện pháp quan trọng góp phần thực hiện được các giải pháp chủ đạo về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2020.

     Lợi ích lớn nhất mà quốc gia nhận được thông qua việc huy động các DN tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội của DN cho phát triển bền vững chính là góp phần nâng cao được lợi thế quốc gia, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

     Đảm bảo an ninh môi trường, ổn định xã hội và góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững, nhất là hiện nay chúng ta đang thực hiện 17 chỉ tiêu trong mục tiêu thiên niên kỷ toàn cầu về phát triển bền vững-SDGs từ nay đến năm 2030.

     3.  Kiến nghị các giải pháp nhằm khuyến khích DN tham gia BVMT gắn với tăng trưởng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước

     Để thúc đẩy DN tham gia BVMT gắn với tăng trưởng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xin đề xuất một số giải pháp:

     Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận  thức, trách nhiệm xã hội của DN trong công tác BVMT gắn với tăng trưởng xanh nhằm hướng đến phát triển bền vững cho chính DN và cao hơn là góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững-SDGs đến năm 2030.

     Trong nền kinh tế thị trường, DN và người dân là những chủ thể tạo ra sản phẩm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa quốc gia tới thịnh vượng, chính vì vậy cần phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, BVMT để tạo ra động lực khuyến khích DN chủ động tham gia BVMT gắn với tăng trưởng xanh dựa trên các nguyên tắc của thị trường.

     Nghiên cứu thiết lập các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính đột phá nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa cho BVMT. Muốn vậy cần phải vận dụng các nguyên tắc căn bản của thị trường trong quản lý môi trường như người “gây ô nhiễm phải trả tiền-PPP”, “người hưởng lợi từ môi trường phải trả tiền-BPP” , vận dụng linh hoạt các công cụ kinh tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam như các loại thuế, phí, đặt cọc hoàn trả, quyền phát thải và mua bán phát thải theo hạn ngạch cho BVMT để điều chỉnh hành vi của DN.

     Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương tới địa phương, tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường trong các DN, tăng vai trò giám sát và phối hợp của người dân và các cơ quan quản lý địa phương đối với DN trong công tác BVMT.

     Rà soát, chỉnh sửa và bổ sung nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả và tính thực thi của các quy định pháp luật về BVMT đối với DN kết nối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

 

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh

TS. Lại Văn Mạnh

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2017

 

Ý kiến của bạn