Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Phát huy vai trò cộng đồng làng trong giữ rừng

19/08/2016

     Từ bao đời nay, cộng đồng làng ở Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng chính là biểu tượng của sức mạnh, sự đoàn kết và tính kỷ luật. Những năm trở lại đây, công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Kon Tum đã biết dựa vào sức mạnh của cộng đồng làng.

     Người dân hưởng lợi từ rừng

     Huyện Kon Plông là địa phương còn nhiều rừng nhất của tỉnh Kon Tum. Nhiều năm qua, diện tích rừng tự nhiên nơi đây vẫn được giữ vững trước sự “càn quét ác liệt của lâm tặc”, của nạn phá rừng làm nương rẫy.

     Là đơn vị quản lí rừng với diện tích lớn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông trực tiếp quản lý, bảo vệ hơn 56.000 ha. Với diện tích rừng lớn nhưng số cán bộ quản lý bảo vệ rừng chỉ có 45 người nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên 5 năm qua, từ nguồn quỹ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đơn vị đã có kinh phí tiến hành giao khoán rừng cho các hộ dân, cộng đồng thôn, làng trên địa bàn các xã Đăk Long, Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút với diện tích gần 21.000 ha. Nhờ sự bảo vệ tích cực của hơn 660 hộ gia đình, cá nhân; 7 cộng đồng dân cư thôn, nhóm hộ (269 hộ) nên những cánh rừng nơi đây luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.

 

Hiện trường của các vụ phá rừng tại tiểu khu 474 xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Những cây gỗ lớn đã bị lâm tặc đốn hạ (Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN)

 

     Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông Vũ Văn Bắc cho biết, đơn vị được giao quản lý diện tích rừng rất lớn trong khi cán bộ làm công tác quản lý rừng mỏng, nếu không có sự đóng góp của các cộng đồng thôn, làng trong việc giữ rừng thì rất khó để quản lý và bảo vệ. Từ khi giao rừng cho cộng đồng thôn, làng quản lý thì tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản giảm rõ rệt. Người trong làng đều ý thức được việc giữ rừng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Có thể khẳng định những diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đều được bảo vệ rất tốt, còn những diện tích nào chưa giao khoán thì đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ.

     Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng để quản lý và bảo vệ năm sau cao hơn năm trước. Diện tích ừng do Nhà nước giao khoán cho Kon Tum đến năm 2015 là 45.204,43 ha với hơn 3.642 hộ, 22 cộng đồng, dân cư thôn. Nhờ nhận khoán và bảo vệ rừng mà nhiều gia đình đã có mức thu nhập trên 4 triệu đồng/hộ/năm, 18 triệu đồng/cộng đồng/năm. Đây được xem là nguồn thu tương đối lớn so với thu nhập của các hộ gia đình sống trong rừng và gần rừng.

     Số hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng từ các chủ rừng là tổ chức cũng tăng cao theo từng năm. Từ năm 2011 – 2015, đã có gần 157.400 ha rừng được giao cho hơn 5.000, 73 cộng đồng, dân cư thôn và 30 nhóm hộ nhận khoán. Từ nguồn quỹ chi trả DVMTR, nhiều gia đình đã có mức thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 143 triệu đồng/cộng đồng/năm; nhóm hộ khoảng 21 triệu đồng/nhóm hộ/năm.

     Tích cực giữ rừng

     Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà đang quản lý và bảo vệ hơn 21.000 ha rừng, nhưng có tới hơn một nửa diện tích này được giao khoán cho 449 hộ gia đình. Vì khi xảy ra cháy rừng, hay truy quét “lâm tặc” việc huy động lực lượng tham gia giữ rừng lại rất khó khăn nên từ năm 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà chuyển sang giao khoán cho cộng đồng.

     Trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà Nguyễn Xuân Linh nhấn mạnh, giao rừng cho cộng đồng quản lý có lợi thế là khi huy động lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng sẽ dễ dàng, mạnh hơn. Cụ thể, trong một khu rừng, sẽ có nhiều thôn, làng cùng sinh sống, khi xảy ra cháy rừng hay truy bắt các đối tượng phá rừng có thể huy động được nhiều thôn, làng cùng tham gia, dù các thôn, làng đó không được giao khoán. Vì tính cộng đồng trong đời sống người đồng bào rất khăng khít, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau rất cao. Khi giao rừng cho cộng đồng, trách nhiệm giữ rừng là của toàn dân.

     Có thể thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại Kon Tum, từ nguồn quỹ này đã có hàng ngàn người dân, cộng đồng làng, các công ty lâm nghiệp, tổ chức được hưởng lợi. Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các chủ rừng được giao quản lý bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, giám sát bảo vệ và phát triển rừng, số vụ vi phạm lâm luật đã giảm rõ rệt. Số vụ phá rừng trái phép từ 528 vụ (năm 2014) giảm còn 33 vụ (năm 2015); diện tích rừng bị phá từ 84,30 ha (năm 2014) giảm còn 8,8 ha (năm 2015, giảm 75,50 ha); số vụ khai thác rừng trái phép giảm từ 153 vụ còn 46 vụ (giảm 107 vụ so với năm 2014).

 

Theo Tintuc

 

Ý kiến của bạn