Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Những giá trị đa dạng sinh học tại 4 Vườn Di sản ASEAN mới được công nhận tại Việt Nam

16/12/2019

     Từ ngày 21 - 24/10/2019, tại Hội nghị các Vườn Di sản ASEAN lần 6 diễn ra tại TP. Pakse, Lào,Việt Nam được trao 4 danh hiệu Vườn di sản ASEAN (AHP) cho Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), nâng tổng số Vườn di sản tại Việt Nam lên 10 và trở thành quốc gia có nhiều AHP nhất trong khu vực. Điều này đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua, góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực.

     Vườn Di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN. Việc công nhận danh hiệu AHP góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực, đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

     Các tiêu chí để xét công nhận danh hiệu AHP bao gồm: Tính toàn vẹn về hệ sinh thái; tính đại diện; tính tự nhiên; tầm quan trọng cho bảo tồn; tính độc đáo, các sinh cảnh đặc trưng và các loài quý hiếm; tính hợp pháp và pháp lý; kế hoạch quản lý; tính xuyên biên giới. Dưới đây là một vài nét chấm phá về 4 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên mới được công nhận tại Việt Nam.

     Vườn quốc gia Vũ Quang

     Vườn quốc gia Vũ Quang có diện tích tự nhiên 52.860 ha được coi là rừng đặc dụng lớn ở Việt Nam, có hệ sinh thái rừng núi đất, địa hình với những dãy núi cao bị chia cắt mạnh đã tạo nên những dải rừng hẹp chạy dọc theo hướng Bắc – Nam, sinh cảnh chủ yếu là rừng thường xanh lá rộng, các đai cao có xen kẽ cây lá kim. Với sinh cảnh như trên đã tạo tính toàn vẹn về sinh thái có một hệ động thực vật rất đa dạng và phong phú, với gần 1.800 loài thực vật bậc cao, 94 loài thú, 315 loài chim, 90 loài bò sát ếch nhái, 88 loài cá, hơn 316 loài bướm, 118 loài kiến, 28 loài nhện và côn trùng khác.

     Vườn quốc gia Vũ Quang còn là nơi phát hiện 2 loài thú mới là sao la và mang lớn vào năm 1993 và 1994. Đây là một điểm nhấn và đại diện cho khu vực, là điểm sáng về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam trên “bản đồ thế giới”. Những năm tiếp theo, VQG Vũ Quang công bố thêm các loài mới cho thế giới như 5 loài cá tại khu vực, hay loài thực vật thân gỗ có tên chà ran tuyến công bố năm 2016, thể hiện sự tiềm ẩn và là “khu vực mỏ của loài mới”. Ngoài ra, Vườn quốc gia Vũ Quang là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm như hổ, bò tót, voi, thỏ vằn trường sơn và một số loài linh trưởng khác, một số loài cầy, dơi.

 

Loài mang lớn được phát hiện ở VQG Vũ Quang

 

     Vườn quốc gia Vũ Quang có địa hình núi non hùng vĩ, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đây còn là nơi lưu lại dấu tích của khởi nghĩa Hương Khê, cuộc khởi nghĩa lớn nhất và duy trì thời gian dài nhất trong phòng trào Cần Vương. Vườn quốc gia Vũ Quang là địa chỉ đỏ thu hút khách du lịch khám phá lịch sử và tham quan du lịch sinh thái.

     Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà

     Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, một trong 221 vùng chim đặc hữu quốc tế (EBA) với 3 vùng chim quan trọng (IBA); là khu địa lý sinh học của các loài cây hạt trần và cũng là khu vực ưu tiên bảo tồn số một trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học các dãy núi chính Nam Trường Sơn, vì đa dạng sinh học khu vực này vô cùng phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và quốc tế.

     Trong số các loài thực vật đã được ghi nhận tại VQG Bidoup Núi Bà, có tới 39 loài thực vật đặc hữu có phân bố hẹp tại khu vực Bidoup và được la tinh hóa như mẫu chuẩn theo tên Đà Lạt, Langbiang, Bidoup. Đây là vùng địa lý sinh học cây hạt trần Việt Nam với 14 loài trong tổng số 33 loài của Việt Nam và là vương quốc của lan với 305 loài trong đó có nhiều loài đặc hữu, quí hiếm, có giá trị thương mại. Khu hệ thú của VQG Bidoup Núi Bà hiện nay có 131 loài thuộc 30 họ và 11 bộ. Trong đó 70 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN như bò tót, trâu rừng, sơn dương, mang lớn… VQG Bidoup Núi Bà là khu vực có những mẫu chuẩn về cảnh quan địa phương còn gìn giữ được sự đa dạng cao của các loài chim, trong đó có những loài bản địa và loài hiếm và rất hiếm đó là sẻ thông họng vàng, mi langbian và khướu đầu đen má xám.

     Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà là đơn vị đầu tiên trong cả nước có ô định vị 25 ha để giám sát diễn thế và động thái rừng. Đồng thời còn là nơi gắn kết với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên kế cận (Phước Bình, Chư Yang Sin, Hòn Bà) để tạo thành vùng rừng nguyên sinh lớn nhất của Việt Nam, góp phần cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở cao nguyên Đà lạt, vùng Nam Tây nguyên và Nam Trung bộ. Bidoup Núi Bà bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của thành phố Đà lạt mở rộng, bảo tồn các đặc trưng văn hóa bản địa của dân tộc K’ Ho, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới, phát triển du lịch sinh thái.

     VQG Lò Gò - Xa Mát

     VQG Lò Gò - Xa Mát có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Tây Ninh, chiếm tới 26% tổng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh. Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có nét đặc trưng độc đáo với hệ sinh thái chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây rất đa dạng về sinh cảnh: Sinh cảnh rừng lá rụng thường xanh và nửa rụng lá với quần thể cây họ dầu đặc trưng của miền Đông Nam Bộ; sinh cảnh rừng khộp Tây Nguyên với ưu thế cây dầu trà beng và các hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Sinh cảnh rừng khộp ở VQG Lò Gò-Xa Mát

 

     VQG Lò Gò - Xa Mát có tính đa dạng sinh học cao, với 705 loài thực vật, 42 loài thú, 203 loài chim, 59 loài bò sát , 25 loài lưỡng cư và 88 loài cá. Trong đó, có nhiều loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng ở cấp độ quốc gia và toàn cầu như xoài rừng, vên vên, dầu con rái, dầu mít, cu li nhỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, chà vá chân đen. Khu hệ chim tại VQG rất đặc trưng, tại các sinh cảnh đất ngập nước có rừng đã ghi nhận nhiều loài chim nước quí hiếm như giang sen, già đẫy nhỏ và cò nhạn. Ngoài ra, Lò Gò - Xa Mát còn là nơi dừng chân bay qua của loài sếu đầu đỏ, trên tuyến di cư giữa đồng bằng sông Cửu Long về nơi sinh sản tại Campuchia.

     Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, địa bàn Vườn quốc gia còn là di tích lịch sử nơi đây còn ghi dấu nhiều chứng tích quan trọng của thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ như Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Ban tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng và Xưởng phim Giải phóng...Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát có nhiệm vụ bảo tồn một khu vực có tầm quan trọng về đa dạng sinh học, nơi lưu giữ mẫu chuẩn điển hình cho các hệ sinh thái tự nhiên của khu vực Đông Nam Á, nơi bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm và là hiện trường cho nghiên cứu khoa học, học tập, tham quan du lịch và nghỉ dưỡng.

      Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh

     Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là một trong những vùng sinh thái được ưu tiên toàn cầu về tính đa dạng cao của sinh học, là nơi lưu trữ bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng. Điểm nổi bật của Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là đỉnh Ngọc Linh cao 2.604 m (là nóc nhà Đông Dương); là nơi vực phân bố của Sâm Ngọc Linh là loài thực vật đặc hữu đặc biệt quý hiếm...

 

Loài khướu Ngọc Linh

 

     Khu hệ thực vật Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều luồng thực vật di cư đến nên hệ thực vật phong phú, đa dạng và có giá trị cao về khoa học. Kết quả khảo sát đã thống kê được 1.091 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 616 chi, 173 họ của 6 ngành thực vật, bổ sung 77 loài cho hệ thực vật Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Trong đó, có tới 40 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, 25 loài nằm trong danh lục đỏ Thế giới và 11 loài nằm trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Khu hệ Thú ghi nhận có 91 loài thuộc 28 họ, 11 bộ bổ sung 27 loài cho khu bảo tồn Ngọc Linh. Trong số các loài ghi nhận có 24 loài nằm trong đó thuộc Sách đỏ Việt Nam, 22 loài nằm trong Danh lục đỏ thế giới và có 21 loài và thuộc Nghị định số 32/2006/NĐ-CP như vượn, voọc, các loài chim quý như khướu Ngọc Linh, trĩ sao, hồng hoàng, đại bàng đất, công…; các loài thú quý hiếm như hổ, báo gấm, mang lớn, mang Trường sơn...

     Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có tiềm năng du lịch lớn, là cơ hội để du khách được đến thăm các buôn làng dân tộc thiểu số, làm quen với dân tộc Xê Đăng, HLăng, Giẻ Triêng, Tà rẻ hoặc dân tộc Châu -một trong những dân tộc có dân số ít nhất trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam. Du khách sẽ được nghỉ ngơi trong nhà rông hoặc nhà cộng đồng thoáng mát, tham gia các lễ hội như đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới..., thưởng thức món ăn Tây Nguyên như cơm lam, rượu cần, muối giã với rau thơm đặc sản của đồng bào thiểu số trong khu vực.Khách du lịch đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh sẽ có điều kiện thám hiểm rừng và khám phá các di tích lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Đèo Lò Xo, địa danh H 30, Ngục Đăk Glei, Làng kháng chiến Xốp Dùi, đặc biệt là du lịch sinh thái lên đỉnh Ngọc Linh.

 

Phạm Hạnh Nguyên

Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

           

 

Ý kiến của bạn