Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Hải Phòng

12/03/2020

     Hiện nay, Hải Phòng là địa phương có nhiều cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm, đó là cây gạo hơn 800 tuổi ở đền Mõ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy - cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam; cây đa 13 gốc hơn 300 tuổi ở xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền; 2 cây muồng ràng ràng hơn 200 tuổi ở đền Đống Kinh Điều, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng... Đặc biệt, có những địa điểm có nhiều cây cổ thụ quây quần như linh khí đất trời tụ lại, để che chở cho xóm làng được bình yên, trong đó phải kể đến đền Chợ Giá, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên với 5 cây cổ thụ: 1 cây đa 330 tuổi; 3 cây bồ đề hơn 300 tuổi; 1 cây thị hơn 200 tuổi.

     Theo Hội BVMT thành phố Hải Phòng, từ năm 2010, Chương trình bảo tồn Cây Di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, BVMT, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa… của địa phương. Thực hiện Chương trình này, tính đến nay, tỉnh đã có 108 cây, cụm cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, không chỉ cho bóng mát, có giá trị về cảnh quan mà còn có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa và nguồn gen. 108 cây, cụm cây này thuộc 13 loài, gồm bồ đề, đa, lộc vừng, đại, sanh, thị, me, gạo, trôm, muồng ngủ, muồng ràng ràng, nhãn, bàng; 2 cụm cây đã được vinh danh đều ở quận Đồ Sơn là quần thể đa búp đỏ trên đảo Hòn Dáu và rặng thị cổ với 17 cây ở Núi Ngọc, tất cả đều gắn với các địa điểm tâm linh, là di tích lịch sử cấp thành phố và cấp quốc gia. Mỗi cây cổ thụ như “nhân chứng sống”, chứng kiến bao biến cố, thăng trầm về cuộc sống của người dân địa phương qua nhiều thế hệ.

     Đến huyện An Dương sẽ được ngắm cây thị hùng vĩ trong khuôn viên dòng họ Trần Hữu (ngay sát đình Tri Yếu, xã Đặng Cương), tuổi đời hơn 800 năm, chu vi gốc gần 5 m, cao khoảng 25 - 30 m. Trong kháng chiến chống Pháp, cây thị là vọng gác quan sát địch của lực lượng kháng chiến xã Hồng Hưng và bộ đội Đặng Cương, huyện An Hải (nay là huyện An Dương) để kịp thời báo cho cán bộ, nhân dân chống trả những cuộc càn quét của địch từ bốt Rế, bốt Hy Tái vào xã. Bên gốc thị và trong khuôn viên từ đường có 3 hầm bí mật, là nơi ẩn náu của cán bộ trong kháng chiến. Thời kỳ chống Mỹ, từ đường này là nơi hội họp của lực lượng vũ trang dân quân tự vệ và năm 1966, khuôn viên từ đường là kho lưu giữ tài liệu bí mật của Công an thành phố Hải Phòng.

 

Cây đa 13 gốc ở xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền

 

     Về Tiên Lãng, nơi cây gạo chùa Thắng Phúc đứng chân hơn 500 năm nay chính là bến An Tháp xưa - bến cổ của huyện Tân Minh cũ. Cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Tháng 4/1527, vua Lê Cung Hoàng sai bọn dương hầu mang cờ quạt, mũ áo đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, tấn phong cho Mạc Đăng Dung là An Hưng Vương. Mạc Đăng Dung đón tiếp sứ thần nhà Lê tại bến An Tháp (nay là bến Sứa), khi đó đã có cây gạo này. Chùa Thắng Phúc trước là chùa Vọng Phúc, lớn hàng trăm gian, xây từ thời Lý, tính đến nay đã gần 1.000 năm. Năm 1947, chùa tiêu thổ kháng chiến, đến năm 2008, chùa được xây lại trên nền đất cũ và đổi tên thành chùa Thắng Phúc. Qua bao vật đổi sao dời, cây gạo vẫn uy nghi đứng đó, soi bóng bên dòng sông Văn Úc. Cụ cây cổ thụ này thâm nghiêm, cổ kính, có chu vi gốc gần 8 m, vỏ sần sùi với những khối u lớn, đường kính lên đến 30 cm.

     Ở Cát Hải có cây đa 300 tuổi được trồng vào thế kỷ 17, tại cụm di tích đình, chùa Văn Chấn. Năm 1946, chùa Văn Chấn là địa điểm của lớp bình dân học vụ, nơi huấn luyện, học tập và làm việc của lực lượng vũ trang địa phương. Năm 1947, thực dân Pháp chiếm Cát Hải, nơi đây trở thành địa điểm trú ẩn của lực lượng kháng chiến và nhân dân, trong chùa, ngoài vườn đều có hầm bí mật. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chùa là nơi đóng quân của đơn vị pháo phòng không bảo vệ bờ biển. Năm 1972, chuyên gia Trung Quốc ở chùa này để làm nhiệm vụ phá thủy lôi Mỹ.

     Tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền có cây đa 13 gốc ở xóm Trại, là cây đa cổ thụ lớn nhất Việt Nam, tuổi đời trên 300 năm, cao khoảng 10 m, gồm hàng chục cành lớn tạo thành tán rộng, đường kính khoảng 40 m. Cây có 13 gốc lớn, thẳng, gồm một gốc chính và 12 gốc phụ. Gốc chính có chu vi 8,2 m; 12 gốc còn lại mọc quanh gốc chính, chu vi từ 2 - 5m. Tổng chu vi của 13 gốc là trên 30 m. Các gốc được nối với nhau bằng những cành có đường kính gần 1 m. Theo truyền thuyết, trong trận đánh quân Nam Hán xâm lược, Hai Bà Trưng cưỡi voi đi ngang qua, thấy cây đa xanh tốt, rợp bóng nên dừng chân nghỉ ngơi. Voi của hai bà đã dùng vòi bẻ ngọn đa để ăn, từ đó cây chỉ phát triển về chiều ngang, hạn chế về chiều cao do mất ngọn. Nhưng cũng có truyền thuyết cho rằng, xưa kia có một vị tướng trên đường đi đánh giặc đã dừng chân bên gốc đa và buộc ngựa vào cây khiến ngọn cây bị gãy, từ đó cây không phát triển chiều cao mà phát triển theo bề ngang như ngày nay. Dưới gốc đa là miếu thờ đức thổ vượng - người có công giúp dân khai hoang, lập ấp, bên trong miếu có tấm bia đá khắc chữ Hán Nôm. Trải qua hàng trăm năm với nhiều thay đổi của lịch sử, nhưng cây vẫn xanh tốt và không ngừng vươn xa... Ban Quản lý Di tích cũng như chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để chăm sóc, bảo tồn, đến năm 2014, cây đa 13 gốc được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

     Cách trung tâm TP. Hải Phòng hơn 15 km về phía Bắc, rừng lim xanh trên núi Mả Sở, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên giờ chỉ còn sót lại hai cây lim, nằm phía sau nghè Hà Phú, nơi thờ danh tướng nhà Trần tên Cao Thế, là người con làng Hà Phú, giỏi võ nghệ, thông thạo sông nước, phò vua chống giặc ngoại xâm. Cây cao hơn 20 m, thân hai người ôm không xuể, tán rộng xum xuê. Theo truyền ngôn, thời kỳ chống giặc Nguyên Mông xâm lược, rừng lim Hà Phú là một trong những nguồn cung cấp gỗ cho quân dân nhà Trần làm cọc đóng xuống lòng sông, chống tàu thuyền của giặc. Năm 1958, khi Hải Phòng được giải phóng, núi Mả Sở vẫn còn nhiều cây lim cổ thụ, nhưng về sau do nhu cầu gỗ đóng đồ gia dụng, bàn ghế học sinh, đồ dùng công sở... chính quyền và người dân đốn hạ gần hết. Hai cây lim xanh còn đến ngày nay do mọc phía sau nghè cổ, được dân làng xem như báu vật. Theo thần phả cũng như văn bia cổ lưu giữ tại nghè, sau khi mất, Cao Thế được vua Trần Nhân Tông phong “Thượng đẳng phúc thần”, ban 300 trăm quan tiền để cúng tế, sai sứ thần về hành lễ, đồng thời cho nhân dân xây dựng nghè thờ. Thủ nghè cho hay, chưa có cơ quan chuyên môn nào về làng Hà Phú để xác định tuổi của hai cây lim, nhưng nhiều bậc cao niên trong làng nhận định, hai cụ cây lim có tuổi đời khoảng 500 - 600 tuổi. Hiện chính quyền địa phương đang tiến hành họp các ban, ngành để xác định niên đại, giá trị của cây cũng như bàn biện pháp bảo vệ.

     Giữa lòng thành phố là cây muồng ngủ hơn 100 tuổi trong khuôn viên trụ sở UBND, HĐND. Cây có hình dáng đẹp, hoa thơm, lá xanh quanh năm, dáng vẻ uy nghi, tạo cho khu nhà thêm vẻ thâm nghiêm, trang trọng. Cây có chu vi gốc gần 4 m, cao 20 - 25 m, tán lá xòe rộng trên diện tích khoảng 624 m2, có nhiều rễ lớn nổi một nửa trên mặt đất. Cây muồng ngủ này gắn liền với lịch sử của thành phố, chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng diễn ra tại trụ sở Tòa thị chính và Tòa đốc lý thành phố cũ. Trụ sở được xây dựng năm 1887 và từ năm 1955 đến nay, khi Hải Phòng giải phóng thì nơi đây trở thành trụ sở của HĐND, UBND thành phố.

     Ở Hải Phòng, khắp nơi đều tồn tại những cây cổ thụ như thế - những linh hồn sống, nơi dự trữ nguồn gen, điểm tựa tâm linh của con người. Tuy nhiên, các cụ cây này đều gần với giới hạn tuổi sinh học, khả năng chống chịu sâu bệnh ngày càng hạn chế, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày nay, vì thế, cần có biện pháp bảo vệ, chăm sóc đặc biệt, hiệu quả.

 

Lê Thị Ngọc - Bùi Hằng

 

Ý kiến của bạn