Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Nhận diện khung chính sách sản xuất và tiêu dùng bền vững thúc đẩy đổi mới sinh thái trong doanh nghiệp

08/02/2017

   Chiến lược phát triển của Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề tăng trưởng kinh tế, BVMT, giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tăng trưởng xanh (TTX) đã trở thành chiến lược phát triển tất yếu của Việt Nam, trong đó đã chỉ rõ 4 hành động được ưu tiên bao gồm: Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch TTX tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí, nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; thực hiện xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững. Những hành động này đã khẳng định sự cam kết của Chính phủ cho một nền kinh tế TTX, trong đó sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) đóng vai trò quan trọng và động lực chính cho sự thay đổi, chuyển dịch cách thức sản xuất và tiêu dùng hiện tại.

Hình 1. Vòng tròn sản xuất
và tiêu dùng bền vững
Hình 2. ĐMST DN theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm

   Khái niệm về vòng tròn SCP và đổi mới sinh thái

   Vòng tròn SCP là sáng kiến của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Vòng tròn SCP, bao gồm: Quản lý tài nguyên bền vững; Thiết kế và phát triển sản phẩm bền vững; Sản xuất sạch hơn (SXSH) và sử dụng hiệu quả tài nguyên; Giao thông bền vững; Nhãn sinh thái và chứng nhận sản phẩm bền vững; Mua sắm bền vững; Tiếp thị bền vững, Tiêu dùng bền vững; Quản lý hiệu quả phát thải. SCP là một vòng tròn khép kín, theo đó việc quản lý được thực hiện theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm. Tác động môi trường, tác động xã hội và tăng trưởng kinh tế được quản lý ở tất cả các khâu theo chuỗi giá trị sản phẩm, mang đến mô hình tăng trưởng bền vững.

   Đổi mới sinh thái (ĐMST) là công cụ giúp doanh nghiệp (DN) đóng góp tích cực cho sự thành công của SCP. ĐMST được xem là một hướng tiếp cận kinh doanh chiến lược, theo đó DN coi yếu tố bền vững là một trong những chiến lược kinh doanh của mình, thực hiện những can thiệp từ xây dựng chiến lược kinh doanh cốt lõi đến những thay đổi trong mô hình kinh doanh và hoạt động sản xuất của DN. Tư duy theo hướng tiếp cận vòng đời và yếu tố hợp tác giữa các bên liên quan trên toàn chuỗi giá trị của DN là mấu chốt trong ĐMST.

   ĐMST sẽ giúp DN khai thác, gia nhập thị trường mới và mở rộng thị trường, bao gồm các thị phần mới, các thị trường chưa khai thác cho các giải pháp đổi mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mua bán sản phẩm xanh. Đồng thời, làm tăng lợi nhuận cho chuỗi giá trị thông qua sử dụng hiệu quả tài nguyên và nguồn lực, tối ưu hóa các quy trình, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, các sản phẩm và bao bì thân thiện môi trường; Đón trước các quy định, tiêu chuẩn về môi trường; Thu hút các nguồn tài chính xanh; Tăng năng suất và năng lực kỹ thuật thông qua nâng cao kiến thức, kỹ năng và gắn kết người lao động. Khung chính sách SCP là điều kiện tiên quyết thúc đẩy ĐMST trong DN và ngược lại ĐMST DN sẽ đóng góp đáng kể cho thành công của SCP.

   Các chính sách hỗ trợ SCP

   BVMT đã được đề cập đến trong khung chính sách của Việt Nam từ luật, chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia… Hầu hết, các chính sách đều trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy SCP, nhưng tập trung chính vào các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và nông nghiệp.

Tiết kiệm năng lượng được xem là giải pháp tối ưu để giảm thiểu chi phí cho DN nhằm tăng lợi nhuận

   Năng lượng: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ban hành năm 2010) và Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành năm 2007) là cơ sở cho sự ra đời các chương trình, sáng kiến khác nhau như: Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015; Dự án quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường năng lượng tại Việt Nam và tác động tích cực đến kết quả hoạt động của các DN theo hướng bền vững. Các DN được khuyến khích tiết kiệm và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả bằng cách được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho hoạt động kiểm toán năng lượng, thay thế các công nghệ lạc hậu, áp dụng các giải pháp cải tiến tiêu thụ năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

   Công nghiệp: Chiến lược quốc gia về SXSH (năm 2009) là cơ sở phát triển các chính sách khuyến công tiếp theo, tác động tích cực đến sản xuất và kinh doanh của nhiều DN theo hướng tiếp cận SCP bằng cách áp dụng SXSH. Các chính sách này hỗ trợ ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đổi mới và chuyển giao công nghệ trong các DN theo hướng bền vững.

   Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (năm 2014), tiếp đến là Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (năm 2014) đã nhấn mạnh sản xuất bền vững và mối liên kết chặt chẽ với tiêu dùng bền vững là động lực phát triển cho nền công nghiệp xanh. Chương trình nghị sự của các chính sách này tập trung vào việc chuyển đổi các mô hình sản xuất công nghiệp theo hướng ứng dụng năng lượng sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, mô hình quản lý môi trường, SXSH, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển ngành công nghiệp môi trường.

   Kế hoạch hành động quốc gia về SCP 2010-2020 được ban hành vào năm 2016 là bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung chính sách và phát triển các công cụ thúc đẩy ĐMST tại DN.

   Nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên, góp phần đáng kể vào TTX của Việt Nam. Dự án quốc gia về "Tái cấu trúc của ngành nông nghiệp" (năm 2013) đã thúc đẩy hình thành một ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Kế hoạch tổng thể về phát triển khu công nghệ cao cho nông nghiệp đến năm 2020 (năm 2015) đã nêu rõ sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các nhà đầu tư chuỗi giá trị bền vững; Chính sách tín dụng cho nông nghiệp và phát triển nông thôn (năm 2015) đã khuyến khích sản xuất nông nghiệp áp dụng mô hình liên minh và các công nghệ cao trong chuỗi giá trị kinh doanh. Có thể nhận thấy, từ những năm 2008, các chính sách về nông nghiệp đã được xây dựng, tạo môi trường pháp lý, hỗ trợ SCP trong ngành nông nghiệp.

   Nhìn chung, các chính sách liên quan đến SCP hiện hành đã cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện ĐMST, tuy nhiên, tiến trình ĐMST tại DN vẫn còn rất chậm. Phần lớn, các chính sách liên quan SCP còn rời rạc, tập trung “cục bộ”, chủ yếu vào một ngành cụ thể như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ liên ngành như mua sắm, sản phẩm và dịch vụ, hiệu quả tài nguyên và SXSH vẫn còn rất ít.

   Một số chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy SCP và khuyến khích các DN hướng tới kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, hầu hết các chính sách và quy định đang tập trung phần đầu nguồn (nửa vòng tròn SCP liên quan đến sản xuất) trong khi các chính sách/công cụ thúc đẩy phần cuối nguồn (nửa vòng tròn SCP còn lại liên quan đến tiêu dùng bền vững và thải bỏ) vẫn còn hạn chế.

   Thiết kế và cải tiến sản phẩm được xem là khâu quan trọng trong vòng tròn SCP nhằm tạo ra sản phẩm bền vững. Tuy nhiên, các chính sách/chương trình liên quan đến thiết kế và cải tiến sản phẩm theo hướng phát triển bền vững vẫn còn hạn chế. Các chính sách thúc đẩy phân phối và tiếp thị bền vững chưa được ban hành, ngoại trừ một số chính sách hỗ trợ tham gia triển lãm và hội chợ thương mại. Hiện tại, chương trình hạn chế sử dụng túi nhựa không phân hủy và thay thế bằng bao gói thân thiện môi trường đã được triển khai, nhưng kết quả còn khiêm tốn. Chương trình mua sắm công bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hành vi tiêu dùng bền vững. Đây cũng được coi là một công cụ hiệu quả kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường, tuy nhiên công cụ này chưa được ban hành.

   Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích DN chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh bền vững bằng những hỗ trợ đầu tư và giảm thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng và các khoản tín dụng khác từ các quỹ phát triển hay viện trợ không hoàn lại (ODA) hoặc từ các tổ chức tài chính quốc tế, bảo lãnh vay vốn, tuy nhiên các quỹ này còn rất hạn chế.

   Một số Khuyến nghị hoàn thiện khung chính sách SCP hỗ trợ ĐMST

   Rà soát và hoàn thiện các chính sách đã ban hành liên quan đến SCP ở cấp Trung ương và địa phương như sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu, phát triển; SXSH; Chương trình Nhãn sinh thái và Quản lý chất thải…

   Đẩy mạnh việc áp dụng các công cụ kinh tế nhằm thúc đẩy SCP và ĐMST như các chính sách khuyến khích đầu tư vào kinh doanh bền vững, công cụ thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư; thương mại quốc tế, thuế xuất nhập khẩu áp dụng cho các sản phẩm bền vững và các ưu đãi khác.

   Lồng ghép Chương trình hành động quốc gia về SCP vào các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh và cấp ngành.

   Thành lập Quỹ ĐMST, hoặc lồng ghép với các quỹ hỗ trợ hiện có (Quỹ SXSH, Quỹ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Đổi mới sáng tạo, Quỹ BVMT, Quỹ Hỗ trợ SME cấp Trung ương và cấp tỉnh) và huy động các nguồn tài chính khác từ các cá nhân, tổ chức tư nhân và quốc tế, công ty lớn, các nhà tài trợ và khối DN tư nhân đóng góp cho ĐMST.

Nguyễn Thị Bích Hòa

Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn