Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Nguy cơ ô nhiễm và giải pháp bảo tồn các loài chim quý, hiếm ở vườn chim Cà Mau

12/05/2020

Nguy cơ ô nhiễm vườn chim

    Vườn chim được hình thành vào khoảng thời gian từ 1995-1996, là nơi trú ngụ và sinh sống của hàng ngàn cá thể chim trong tự nhiên. Theo kết quả nghiên cứu của Viện TN&MT (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Điểu học Hoàng gia Nhật Bản,  hiện Vườn có khoảng 6.603 cá thể chim với khoảng 53 loài chim khác nhau. Tuy nhiên, số lượng chim có dao động theo từng mùa trong năm, vào thời kỳ cao điểm có hơn 12.000 cá thể chim đến làm tổ, sinh sản và định cư. Trong các thành phần loài, cồng cộc chiếm số lượng  lớn nhất trong Vườn (khoảng hơn 3.670 con). Trong thời gian khoảng từ tháng 6 đến cuối tháng 10 là mùa cao điểm loài chim này về để sinh sản, nên có thời điểm tăng lên từ 4 - 5 nghìn con. Tiếp theo là chim cò, gồm các loài: Cò trắng (khoảng 1.675 con), cò bợ (423 con), cò ngàng lớn (234 con), cò ngàng nhỏ (dưới 252 con)… Các loài cò thường về Vườn chim từ tháng 11 - 4 năm sau để sinh sản, vào cuối tháng 4 một số loài cò lại di cư đến nơi khác để sinh sống. Ngoài ra, còn có các loài chim quý, hiếm khác sống quanh năm trong Vườn như cổ hạc, điêng điển, diệc xám…, loài này thường có số lượng ổn định khoảng hơn 1 nghìn con…

 

Các loài cò bay về kết đôi và sinh sản ở Vườn chim Cà Mau vào tháng 11 đến tháng 4 hàng năm

 

   Từ khi hình thành đến nay, Vườn chim đã được nhiều thế hệ gìn giữ, duy trì, bảo tồn. Do nằm tiếp giáp khu dân cư nên để bảo vệ Vườn chim, toàn bộ diện tích khu đất đã được xây hàng rào bao quanh có chiều dài 249 m, chiều rộng 127,7m, tổng diện tích là 31.551,4 m2. Những năm gần đây, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh bị thu hẹp, diện tích cây xanh giảm đáng kể. Mặt khác, mặc dù tỉnh có diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản khá lớn là nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cho nhiều loài chim. Tuy nhiên, việc chuyển đổi thành những ao nuôi tôm nhân tạo đã làm giảm lượng thức ăn, đồng thời việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa dược kiểm soát chặt chẽ, cũng làm cho môi trường sống các loài chim bị suy giảm. Vì vậy, Vườn chim đã và đang có sự báo động về sự suy thoái cả về chất lượng và số lượng thành phần loài.

    Bên cạnh đó, sự gia tăng của  biến đổi khí hậu cũng gây những tác động tiêu cực đến đàn chim. Cà Mau là tỉnh đồng bằng ven biển, nằm trong khu vực nội chí tuyến Bắc bán cầu, cận xích đạo, đồng thời nằm trong khu vực gió mùa châu Á nên khí hậu có 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Hàng năm, có 2 mùa gió chủ yếu: gió mùa Đông Bắc, bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau và gió mùa Tây Nam, bắt đầu từ tháng 5 - 10. Vào mùa mưa, thường có dông hay lốc xoáy tới cấp 7, cấp 8, làm nhiều cây xanh gẫy, đổ gây nhiều thiệt hại cho vườn chim. Ngoài ra, trong vườn chim, việc cung cấp nước cho các loài chủ yếu bằng hệ thống mương nhân tạo nên vào mùa khô, mực nước trong hệ thống mương xuống thấp. Nước trong Vườn chim không tự luân chuyển do không có hệ thống bơm hỗ trợ. Trong khi mật độ chim khá cao, phát thải khối lượng lớn phân chim làm môi trường nước mặt bị ô nhiễm hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho tảo độc phát triển, gây nhiều dịch bệnh cho các loài chim.

    Việc che bóng mát khi nhiệt độ mùa hè tăng cao cũng rất cần thiết cho các loài chim trong Vườn. Theo thống kê, Vườn chim có nhiều loài cây với chiều cao và tầng tán khá đa dạng như: Gừa, Sộp (80 cây, cao từ 2-10 m); Trúc (55 bụi, cao từ 2-5 m); Tre vàng (20 bụi, chỉ cao khoảng 2 m do mới trồng); cây Sanh (9 cây, cao từ 6-8 m); Tràm bông vàng (40 cây, cao từ 8-14 m); Bình bát (220 bụi, cao từ dưới 1 m đến 5 m); Tràm (30 cây, cao từ 8-10 m); Tre gai (30 bụi, cao từ 8-10 m) và nhiều cây bụi rậm khác. Ngoài ra, còn một số cây như dừa, đủng đỉnh, nhàu, cách và một số loại cây tạp khác… Tuy nhiên, các loài cây xanh phân bố với mật độ tương đối thấp và không đồng đều. Mặc dù, các cây khá đa dạng về tầng tán, nhưng hệ thống cây xanh trong Vườn chim đang có xu hướng tiếp tục bị suy giảm cả về chất lượng và số lượng do vào mùa khô hạn, thiếu nước nên cây bị chết, làm không gian sinh sống của các loài chim bị hạn chế. Đồng thời, do một số loài chim có đặc tính bẻ cành, nhánh cây làm tổ nên dẫn đến cây không phục hồi kịp, chất lượng cây xanh ngày càng suy giảm.

Triển khai các giải pháp bảo tồn

    Trước thực trạng trên, tỉnh Cà Mau đã có chủ trương thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển Vườn chim trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018-2020. Theo đó, Đề án đã đề ra mục tiêu: Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái vườn chim; giữ gìn và  BVMT tại Vườn chim không bị ô nhiễm; tôn tạo và duy trì nơi sống phù hợp cho quần xã chim nhằm bảo tồn loài, thông qua việc tạo chổ ở và sinh sản, nuôi dưỡng, chăm sóc, quy tập chim phù hợp về số lượng, thành phần loài chim đầm lầy đặc trưng của vùng Cà Mau; tạo được một cảnh quan sinh động của vườn chim ở trong lòng TP. Cà Mau, gần gũi với thiên nhiên, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần cho xã hội và nhân dân, đặc biệt là lòng yêu thiên nhiên, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật trong cộng đồng…

 

Vườn chim Cà Mau - Nơi trú ngụ và sinh sống của hàng ngàn cá thể chim trong tự nhiên

 

    Để thực hiện các mục tiêu trên, Ban quản lý Khu tưởng niệm đã triển khai các giải pháp cần thiết bảo vệ nơi sống cho các loài chim trong vườn, với nguyên tắc không làm xáo trộn và thay đổi đột ngột sinh cảnh của Vườn chim, bởi nếu thay đổi sinh cảnh đột ngột thì có thể dẫn đến sự di dời của quần xã chim. Theo đó, cần triển khai một số giải pháp như:

   Một là, cải tạo môi trường đất trong vườn chim để cây sinh trưởng tốt còn có tác dụng giữ môi trường sạch, giảm mùi hôi. Sử dụng chế phẩm sinh học rải đều hoặc phun đều trên mặt đất với tần suất mỗi tháng thực hiện một lần;

    Hai là, lấy mẫu nước để quan trắc môi trường nước. Tần suất quan trắc mỗi quí 1 lần, mỗi lần tại 2 vị trí: vị trí thuộc mương chính bên trong Vườn chim và mương thoát ra bên ngoài môi trường. Kết quả quan trắc được thống kê, đánh giá để làm cơ sở điều chỉnh các giải pháp trong các năm tiếp theo. Việc quan trắc, theo dõi diễn biến của môi trường nước mặt được thực hiện liên tục hàng năm.

    Ba là, tiến hành khơi thông mương và tăng cường luân chuyển dòng chảy ở các mương bên trong vườn chim nhằm điều tiết một phần nước ô nhiễm từ bên trong ra bên ngoài để xử lý ô nhiễm trước khi thải ra môi trường. Các mương thoát nước (cũng để chứa nước) dễ bị ô nhiễm do phân chim, do hữu cơ phân hủy (lá, cành nhánh cây…) nên cần phải được làm sạch chất lượng nước, tạo môi trường cho cá sinh trưởng và phát triển (làm thức ăn cho chim). Nạo vét, thu gom lá, cành, nhánh cây trong tất cả các mương với tần suất 6 tháng /1 lần, thực hiện liên tục hàng năm. Đồng thời, việc duy trì trồng thả các loại cây thủy sinh để đảm bảo cân bằng môi trường nước và lọc nước trước khi thải ra môi trường. Bơm nước ngầm ngọt sạch trực tiếp vào các mương bên trong vườn chim, ngoài mục đích cung cấp nước sạch còn nhằm tăng cường dòng chảy, đẩy một phần nước ô nhiễm ra các mương lắng, lọc ở bên ngoài vườn chim.

   Bốn là, khử mùi hôi trong không khí ở vườn chim, dùng thuốc khử mùi sinh học và thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến các chủng vi sinh đã được sử dụng để xử lý môi trường đất và nước. Công tác khử mùi được thực hiện liên tục hàng quí và hàng năm.

    Năm là, kiểm soát, ngăn ngừa thực vật, động vật ngoại lai như cây Mai Dương, cá Tỳ Bà… để không ảnh hưởng xấu đến môi trường và chim trong vườn. Ngoài ra, cần chăm sóc, duy trì, trồng mới cây xanh để duy trì không gian sinh sống, làm tổ cho nhiều loài chim.

    Sáu là, phòng chống bệnh cho đàn chim, kiểm soát dịch bệnh trên bầy chim là rất cần thiết và quan trọng, nhằm ngăn ngừa lây bệnh trong bầy chim và quan trọng nhất là ngăn ngừa lây bệnh từ bầy chim sang người.

    Bảy là, tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, giáo dục để nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là dân cư ở vùng tiếp giáp vườn chim hiểu, ý thức được lợi ích của việc bảo vệ, duy trì quần xã chim hoang dã ở Cà Mau và chung sức giữ gìn Vườn chim.

 

Nguyễn Minh Hạnh

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Ý kiến của bạn