Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Ngành dệt may Việt Nam: Từng bước chuyển đổi phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển bền vững

13/06/2019

    Xanh, sạch là xu hướng tất yếu của ngành dệt may. Đó chính là thông tin được đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết tại Lễ khai mạc Triển lãm Denimsandjean lần thứ 4 diễn ra  tại TP. Hồ Chí Minh (HCM) vào ngày 12/6/2019.  

 

 

    Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với hơn 6.000 doanh nghiệp và 2,8 triệu lao động, ngành dệt may Việt Nam hiện đang thuộc top 2 các ngành sản xuất trong nước và top 3 xuất khẩu dệt may toàn cầu. Trong năm 2019, ngành phấn đấu xuất khẩu 40 tỷ USD. Trước xu thế toàn cầu ngày càng hướng tới sự phát triển bền vững, người tiêu dùng dần dần quan tâm đến chuỗi cung ứng hàng hóa xanh, các thành phần của sản phẩm, quy trình sản xuất trước khi mua hàng…

   Việc sử dụng công nghệ xanh, sạch, năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng tất yếu. Những thay đổi này buộc các doanh nghiệp may phải thay đổi phương thức quản lý trong đó đặc biệt nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội; tuân thủ những cam kết về môi trường trong các FTAs thế hệ mới, đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng tiến bộ trên thế giới.

   Hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang từng bước chuyển đổi cho phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển bền vững. Doanh nghiệp dệt may đã có những bước chủ động hơn trong việc đầu tư công nghệ, sử dụng nguyên liệu sạch sao cho vừa đáp ứng được quy tắc xuất xứ của các FTAs, vừa tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngành dệt may Việt Nam đang đầu tư và kêu gọi đầu tư vào khâu dệt - nhuộm - hoàn tất vải để từng bước cung ứng nội khối của ngành may.

    Liên quan đến vấn đề này, Đại diện Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM cho biết, với một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, ngành dệt may Ấn Độ được trang bị hiện đại và tuân thủ theo những nguyên lý sản xuất không tạo ảnh hưởng đến môi trường. Đây là các cam kết trong tuân thủ không có chất thải, không ô nhiễm môi trường và không có phát thải trong sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên.

   Đây cũng là ý tưởng chính của triển lãm Denimsandjean lần thứ 4 với mục đích kêu gọi sự phát triển bền vững trong quy trình sản xuất trong quy mô toàn cầu để thúc đẩy thời trang, sự sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đặc biệt là giải quyết các vấn đề của môi trường liên quan đến nước, năng lượng và hóa chất. Các doanh nghiệp Ấn Độ tham gia triển lãm lần này đều là các nhà cung cấp nguyên liệu chất lượng cao mong muốn tạo liên kết kinh doanh hiệu quả.

   Về phía Việt Nam, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, với việc tham gia hàng loạt các FTAs, đáng chú ý là 2 FTAs thế hệ mới là CPTPP đã có hiệu lực từ đầu năm 2019 và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong 2019 ngành dệt may sẽ có động lực để phát triển mạnh mẽ. Bối cảnh này cũng sẽ tạo nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng denim đầy tiềm năng.

    Ngoài ra, trong khuôn khổ triễn lãm còn có 4 buổi Hội thảo do các chuyên gia quốc tế về Denim sẽ thuyết trình và trao đổi về các chủ đề như: Sản xuất bền vững ngành Denim – So sánh giữa Trung Quốc và Việt Nam; Xu hướng hiện tại về bán lẻ và tầm quan trọng của sự phát triển bền vững cho người sử dụng, nhà thiết kế và các nhà sản xuất; Phát triển thông qua sản xuất Denim bền vững. Triển lãm sẽ diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/6/2019.

 

Nhật Minh 

Ý kiến của bạn