Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Ngành Giao thông vận tải nỗ lực nghiên cứu các phương án kỹ thuật giảm phát thải khí CO2 đối với các phương tiện vận tải thủy nội địa và tàu biển

15/12/2016

     BVMT, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) gây biến đổi khí hậu (BĐKH) và thực hiện tăng trưởng xanh (TTX) đã trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu của nhiều nước trên thế giới. Đây là một trong những nội dung quan trọng đã được khẳng định tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Chiến lược quốc gia về TTX, Chiến lược quốc gia về BĐKH; Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững (SDGs 2030); Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về BĐKH (COP21) diễn ra tại Pari năm 2015 với mục tiêu giảm 8% lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường và 25% nếu nhận được sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030.

     Giao thông vận tải (GTVT) nói chung và ngành vận tải biển nói riêng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng lớn. Theo thống kê hàng năm, đội tàu trên thế giới tiêu thụ khoảng 300 triệu tấn nhiên liệu, thải ra khoảng 960 triệu tấn khí CO2 và 9 triệu tấn khí SO2... Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) và các tổ chức BVMT luôn kêu gọi tìm kiếm các giải pháp, công nghệ mới để ứng dụng cho tàu biển nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

     Nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia kỹ thuật, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực hàng hải, đóng tàu, các đơn vị quản lý phương tiện, ngày 30/11/2016, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ GTVT tổ chức Hội thảo Tham vấn Báo cáo nghiên cứu “Rà soát các giải pháp công nghệ giảm phát thải CO2 cho phương tiện thủy nội địa ở Việt Nam” và “Đánh giá các phương án hiệu quả, chi phí hợp lý sử dụng phụ gia nhiên liệu để giảm phát thải CO2 đối với tàu biển” trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ tăng cường năng lực, đổi mới thể chế thực hiện TTX và phát triển bền vững ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đồng tài trợ. Đây là hoạt động thực sự có ý nghĩa nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu, khả thi về mặt kỹ thuật, công nghệ và quản lý góp phần giảm phát thải CO2 trong lĩnh vực vận tải thủy.

 

Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT Nguyễn Hữu Tiến phát biểu khai mạc Hội thảo
 

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT Nguyễn Hữu Tiến cho biết, giao thông thủy (bao gồm cả đường sông, đường biển) là nhân tố quan trọng trong nền kinh tế biển của Việt Nam, góp phần hiện thực hóa Chiến lược biển của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, lượng phát thải ô nhiễm môi trường từ lĩnh vực này cũng rất nghiêm trọng, đặc biệt là phát thải gây hiệu ứng nhà kính từ động cơ lắp trên tàu, tạo ra những thách thức cho Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực tham gia Công ước về giảm phát thải ô nhiễm từ tàu, cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Phó Vụ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để Báo cáo nghiên cứu hoàn chỉnh hơn, trở thành tài liệu tư vấn, tham khảo cho Bộ GTVT trong việc đưa ra các kế hoạch hành động, hướng đến mục tiêu quốc gia về cắt giảm KNK.

     Tại Hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã trình bày kết quả chính từ hoạt động “Rà soát nghiên cứu các giải pháp công nghệ giảm thiểu CO2 cho phương tiện thủy nội địa ở Việt Nam” và đề xuất 5 giải pháp phù hợp nhất cho các phương tiện vận tải thủy nội địa trong điều kiện Việt Nam hiện nay như: Công nghệ hòa trộn khí HHO với nhiên liệu trước khi cấp tới động cơ; Sử dụng động cơ công nghệ mới; Lựa chọn nhiên liệu thay thế: Trước mắt là khí thiên nhiên, trong tương lai là diesel sinh học; Quản lý và sử dụng hiệu quả nhiên liệu; Đảm bảo cân bằng năng lượng giữa động cơ chính với chân vịt và vỏ tàu.

     Các chuyên gia tư vấn cũng trình bày phân tích các loại nhiên liệu sử dụng cho động diesel đang được sử dụng nhiều và có mặt trên thị trường Việt Nam như phụ gia bột nhôm nano, Nano Cerium Oxide, NiFe2O4 nanomet, Ferrox C12H24FeO4, Licithin, Maz200, DFE, phụ gia nhiên liệu Nano... Trên cơ sở các phân tích, nhóm tư vấn đã lựa chọn phụ gia nhiên liệu Nano (gọi tắt là phụ gia Nano) để làm phụ gia thử nghiệm trong Dự án ”Đánh giá kỹ thuật khả thi của phụ gia nhiên liệu để giảm phát thải CO2 đối với tàu biển”.

 

Chuyên gia tư vấn trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo

 

     Trong phần thảo luận, các đại biểu tham dự đã nêu một số ý kiến đóng góp như cần có các giải pháp giảm phát thải CO2, giảm tải cho đường bộ và đẩy mạnh phát triển đường thuỷ nội địa; 5 nhóm giải pháp đề xuất là khả thi và phù hợp với năng lực quản lý & công nghệ của các doanh nghiệp, do vậy cần nghiên cứu sâu hơn và có thêm yêu cầu đối với các cơ quan quản lý cũng nhhuw các doanh nghiệp về trách nhiệm thực hiện. Đồng thời đề nghị tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của nghiên cứu và cần thực hiện các thử nghiệm trong thực tế…

 

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu

 

     Thay mặt Đơn vị tư vấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Phạm Xuân Dương cho biết, do thử nghiệm trên thực tế với đặc thù của ngành hàng hải phụ thuộc rất lớn vào thời tiết nên việc thực hiện nghiên cứu đặt ra nhiều thách thức cho nhóm nghiên cứu. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của các đơn vị nghiên cứu và các công ty vận tải đường thuỷ trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Ngoài ra, cần tăng cường mối liên hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực đường thuỷ để thực hiện hiệu quả các giải pháp.

 

TS. Phạm Xuân Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải phát biểu tại Hội thảo

 

     Kết thúc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT Nguyễn Hữu Tiếnyêu cầu cần phải thúc đẩy nhanh việc đưa các công nghệ vào áp dụng trong thực tế để đạt được các mục tiêu về kinh tế và giảm phát thải.

 

Phạm Tuyên

Ý kiến của bạn