Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông môi trường

16/03/2017

     Ngày 15/3/2017, tại Hà Nội, Liên minh Nước sạch tổ chức Tọa đàm “Cơ sở khoa học trong truyền thông môi trường”.

     Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công tác BVMT, trong đó báo chí là phương tiện chủ lực mang tính định hướng dư luận, tạo sự ổn định, đồng thuận xã hội. Truyền thông môi trường đóng góp tích cực vào việc nâng cao nhận thức, ý chức chấp hành pháp luật về BVMT cho cộng đồng, qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có những cơ chế, chính sách phù hợp và kịp thời đối với công tác BVMT, phát triển bền vững.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo về: Hoạt động truyền thông môi trường qua các sự kiện môi trường nổi bật tại Việt Nam trong năm 2016; Truyền thông nguy cơ về sức khỏe môi trường, một vài khuyến nghị; Vai trò và trách nhiệm của truyền thông trong tăng cường nhận thức của công chúng về các vấn đề môi trường…

 

Toàn cảnh Tọa đàm

 

     Theo bà Lê Thanh Thủy - Trưởng Phòng Quản lý Dự án và Truyền thông (Chi Cục BVMT Hà Nội), gần đây, hoạt động truyền thông ngày càng thể hiện sự phong phú, đa dạng về thông tin, giúp các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng thấy rõ tầm quan trọng của việc quản lý, BVMT đối với việc bảo vệ quyền lợi của mình cũng như các thế hệ tương lai tránh khỏi những rủi ro về môi trường. Nhờ truyền thông môi trường, cộng đồng ngày càng phát huy vai trò, chung tay giúp các nhà lãnh đạo đưa ra những hành động, giải pháp kịp thời trong việc phát hiện, xử lý và khắc phục các sự cố về môi trường.

     Thời gian qua, TP.Hà Nội đã thực hiện tương đối bài bản công tác truyền thông về môi trường, không chỉ sử dụng những kênh truyền thống như báo chí, truyền hình mà còn sử dụng nhiều kênh thông tin khác. Năm 2016, TP đã thực hiện một số mô hình xanh hiệu quả và phấn đấu trong năm 2017 sẽ thực hiện ở toàn bộ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Chi cục BVMT là đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng về mặt truyền thông, đồng thời, phối hợp với nhiều tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… để triển khai nhiều mô hình khác nhau.

     Ông Nguyễn Văn Phấn - Trung tâm Đào tạo truyền thông và môi trường (Tổng Cục Môi trường) nhận định, hiện nay, hoạt động truyền thông môi trường đã đổi mới cả về lượng và chất, hầu hết các chương trình, chuyên mục, chuyên đề, phóng sự, tin, bài đều phản ánh khách quan, chân thực, chính xác, kịp thời, nội dung phong phú, hấp dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn một số thông tin đăng tải chưa khách quan, thiếu chính xác, gây hoang mang dư luận, thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và cộng đồng, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, thành quả của nhân dân… Vì vậy, thời gian tới, hoạt động truyền thông môi trường cần bám sát các vấn đề tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT; Các thành tựu, sự kiện, hoạt động nổi bật về môi trường trong nước và quốc tế; Phát hiện, lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, mất đa dạng sinh học…; Giới thiệu các mô hình điển hình tiên tiến về BVMT, công nghệ hiện đại trong phòng ngừa, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, hướng đến phát triển bền vững.

     Đồng quan điểm, ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, để hoạt động truyền thông môi trường ngày càng hiệu quả, có sức lan tỏa, người làm công tác truyền cần bám sát các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để có thông tin chính xác, kịp thời. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan truyền thông, phóng viên báo chí trong quá trình tác nghiệp.

 

Các đại biểu tham quan thực địa tại Nhà máy XLNT Yên Sở

 

     Nhân dịp này, các đại biểu đã có chuyến tham quan thực địa Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) Yên Sở, thuộc Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền. Nhà máy đi vào vận hành từ tháng 10/2013, có công suất 200.000 m3/ngày, được thiết kế để XLNT cho lưu vực S1 với diện tích 3.033 ha, bao gồm các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần quận Thanh Xuân, nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn Việt Nam. Đây là công trình đầu tiên trong lĩnh vực XLNT được xã hội hóa công tác quản lý vận hành, giúp TP tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng/năm, là mô hình mẫu cho nhiều địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm.

 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn