Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Mai vàng ở làng nghề Phước Ðịnh, Vĩnh Long

08/02/2017

   Mai vàng là loại cây đặc trưng cho mùa Xuân của người dân Nam bộ, hoa thường nở rộ vào dịp Tết Nguyên đán, góp phần tô thêm vẻ đẹp trong những ngày Xuân.

   Làng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là ấp miệt vườn nổi tiếng, quanh năm cây trái xanh tươi bao phủ. Ở đây, nghề chơi kiểng cổ, đặc biệt là chơi kiểng mai vàng chưng Tết đã có trên 55 năm và được truyền qua nhiều thế hệ. Tháng 8/2009, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công nhận Phước Định là làng nghề truyền thống “hoa kiểng - cây giống”. Làng có khoảng 360 hộ thì đến 330 hộ trồng mai. Riêng tổ làng nghề, trên 160 hộ thành viên, có số lượng kiểng bình quân mỗi hộ từ 400 - 1.000 cây mai các loại, trong đó có 20.000 cây mai tiểu (từ 10 - 50 năm tuổi), 10.800 cây mai trung (từ 50 - 100 năm tuổi) và hơn 550 cây mai đại (trên 100 năm tuổi). Mai mini thì không đếm xuể. Những gốc mai “cao niên” trên hàng trăm năm tuổi, giá trị mỗi gốc lên đến hàng trăm triệu, thậm chí có cây giá trị lên đến hàng tỷ đồng.

Người dân làng mai vàng Phước Định 2 chăm sóc hoa phục vụ Tết

   Với những người dân làng mai Phước Định, hễ còn Tết truyền thống thì người trồng mai còn sống được với nghề, vì cây mai ngày Tết là một nét văn hóa đặc sắc, lâu đời mà người Việt Nam luôn gìn giữ. Nối tiếp truyền thống gần 60 năm qua, nhiều thanh niên trong làng cũng rất tâm huyết với nghề trồng mai, tìm tòi, học hỏi tạo dáng mai thêm đẹp, lạ. Theo các nghệ nhân trồng mai, cây mai được đánh giá có giá trị căn cứ vào các yếu tố rễ, thân, cành, tán, hoa, tuổi thọ của cây… Cây mai đẹp thì rễ phải được uốn và tạo ra hình thù đẹp, gốc có bề hoành lớn, thân có chiều cao cân đối, hài hòa, các chi nhánh phải cân xứng với thân... Hiện nay, cây mai có các loại lá dài, lá ngắn, lá bầu tròn, lá rất dài… và mỗi loại có những nét đẹp, hoặc những hạn chế riêng như mai lá dài thì hoa ít, thưa nhưng hoa lại to; mai lá bầu tròn thì hoa nhiều nhưng mỗi hoa chỉ 5, 6 cánh…

   Ngoài bán mai, bà con làng mai Phước Định còn nhận ký gửi mai (sau Tết đem về chăm sóc, xử lý ra bông đến Tết năm sau giao lại cho khách hàng), giá chăm sóc mỗi cây từ vài trăm đến vài triệu đồng. Để phục vụ nhu cầu khách hàng vào dịp Tết, làng nghề Phước Định luôn chuẩn bị lượng mai khá dồi dào.

   Những ngày giáp Tết, làng mai vàng Phước Định nhộn nhịp với cảnh hàng trăm người tước lá mai, sau đó nhà vườn nhìn vào từng cây để điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp cho cây mai đơm nụ đảm bảo nở đúng dịp Tết. Thời gian bẻ lá mai từ ngày 13 - 18/12 âm lịch tùy theo nụ của cây mai nhỏ hay lớn. Nếu ngày 23 tháng Chạp mà cây mai ra nụ có vỏ áo lụa thì mai sẽ nở vàng rực đúng Tết.

   Theo chia sẻ từ các nhà vườn, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, nhiều thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang… đã tìm đến Vĩnh Long để khảo sát thị trường và đặt mua mai Tết, dù giá mai tăng hơn trước. Ông Tiêu Hùng Minh, Phó Ban Đại diện làng mai vàng Phước Định cho biết, mỗi năm, các nhà vườn cung ứng cho thị trường Tết trên 3.000 chậu mai vàng với trên 10.000 sản phẩm mai kiểng. Giá các chậu mai rất đa dạng, loại cây mai gốc lớn (thân cây từ 7 tấc trở lên) - mai đại từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/cây, mai trung từ 100 - 120 triệu đồng/cây; các cây mai tiểu, giá vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây; loại mai mini, mai siêu mini… giá vài trăm nghìn đồng/chậu.

   Đối với những du khách yêu hương sắc Tết phương Nam, còn gì thú vị hơn khi được bước chân vào những vườn mai, ngắm nhìn những cây mai đang tạo dáng, những bông mai đang hé nụ và khoe sắc trong nắng mới. Màu vàng của mai, hương hoa thơm ngát hòa cùng làn gió thoang thoảng sẽ làm tan biến đi những ưu phiền, mệt mỏi. Bởi thế mà giờ đây, làng nghề trồng mai vàng Phước Định đã trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường cây cảnh, một địa chỉ lý thú dành cho khách du Xuân!

   Theo nhận định của các nhà vườn, năm nay do thời tiết không thuận lợi, cây mai ra hoa sớm nên những cây mai ra hoa đúng dịp Tết sẽ rất hút hàng.

Lê Thị Thanh Yến - Xuân Thắng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn