Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Một số kết quả bước đầu của Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch

13/05/2019

   Vừa qua, TP Hồ Chí Minh (HCM) đã tổ chức Sơ kết 6 tháng cuộc vận động (CVĐ) “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Qua 6 tháng thực hiện bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên cần phải chuyển biến thành chế tài, xử phạt tiền đối với hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng và kênh rạch…

Kết quả bước đầu

    Hiện nay, việc xả rác ra kênh rạch được phát hiện thông qua phản ánh ở khu dân cư và từ camera quan sát. Xuất phát từ hiện trạng thực tế đó, lãnh đạo thành phố TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo sâu sát đối với các cấp ủy, chính quyền trong việc thúc đẩy quá trình xử lý, xử phạt thật nghiêm khắc và cũng tạo được sự đồng thuận rất cao của người dân. Ý thức thiếu trách nhiệm trong cộng đồng bắt đầu xuất hiện.

    Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp - Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP HCM cho biết, các đoàn kiểm tra thường xuyên đã phá nhiều “điểm đen” về rác thải, ao tù nước đọng được người dân phản ánh. Đến nay, thành phố xử lý dứt điểm được 277/369 điểm đen về rác thải, sau đó biến các bãi rác thành công viên và thành không gian xanh đô thị. “Nhiều quận/huyện cam kết với thành phố sẽ ký kết thỏa thuận thời gian thu gom rác, giữ gìn vệ sinh môi trường tuyến đường, khu dân cư; thực hiện phân loại rác tại nguồn tốt hơn”. Hiện nay ven các kênh rạch đã giảm đáng kể hành vi vứt rác, đổ xà bần bừa bãi.

    Tuy nhiên, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP HCM vẫn lo lắng vì tình trạng ô nhiễm bụi, chất thải rơi vãi từ các phương tiên lưu thông trên đường vẫn còn là vấn đề nan giải. Nhiều hộ dân vẫn có thói quen cũ khi để rác không đúng nơi quy định gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, chủ yếu mới thu hút các đoàn viên, hội viên, cán bộ công chức và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia, chứ chưa lan tỏa, giúp thay đổi ý thức chung của cộng đồng. Đây sẽ là một quá trình rất lâu dài, tác động bằng từng chương trình, hoạt động cụ thể, mới mong nâng cao được ý thức chung của một đô thị đã vượt 13 triệu dân như TP HCM.

    Nhiều cán bộ ở cơ sở cũng thừa nhận rằng, việc ngăn các hộ sống ở trên và ven kênh rạch xả rác trực tiếp xuống kênh rạch là điều rất nan giải, chỉ có thể được điều chỉnh hiệu quả nhất bằng phạt tiền, phạt hành chính thật nặng. Thế nhưng, chế tài này vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, hay tổ chức tập huấn cho chính quyền ở cơ sở.

    Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, nhận thức về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của người đứng đầu các cấp chính quyền cũng chưa đầy đủ, toàn diện, chưa thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của CVĐ mà thành phố rất kỳ vọng nêu trên. Công tác triển khai thực hiện CVĐ tại một số địa phương, đơn vị chưa được thường xuyên liên tục hoặc có thực hiện nhưng mang nặng hình thức, chưa thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.

 

 Một điểm đen rác thải tại TP Hồ Chí Minh

 

Quyết tâm xóa điểm đen rác thải

    Khi lắng nghe báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, CVĐ chỉ có thể đạt được hiệu quả cao nhất khi gắn với trách nhiệm của mỗi hộ gia đình, mỗi khu phố, mỗi đoàn thể. Và, quyết tâm của thành phố là phải thay đổi cho kỳ được hành vi xả rác - hành vi ai cũng thấy cần thay đổi, mà làm mãi chưa được. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tâm tư, trong lúc thành phố còn rất nhiều việc phải làm, từ những việc tốn hàng ngàn tỷ đồng, đến những việc ít tiền hơn nhưng mục tiêu chung là phải kiên quyết, dứt điểm, mang lại lợi ích cho người dân qua mỗi đợt vận động. Mục tiêu là phải làm cho thành phố sạch hơn. Kết quả phải được người dân công nhận và chính người dân tham gia để làm điều đó.

    Người đứng đầu Đảng bộ TP HCM cũng nêu quyết tâm trong thời gian tới thực hiện CVĐ cần khuyến khích việc phát hiện hành vi xả rác qua chụp ảnh bằng thiết bị ĐTDĐ. Ngoài ra, trách nhiệm và sự giám sát của HĐND TP và MTTQ về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn phải được đẩy cao hơn nữa. Ngoài ra, việc nhân rộng các điển hình, mô hình tốt thì MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải phát huy, thực hiện cho tốt.

    Nhiều ý kiến cũng góp giải pháp cho TP HCM trong việc xử lý đối với 92 điểm đen về xả rác còn lại trên địa bàn. Bởi hiện tại thành phố mới chỉ xóa được 277 điểm trong tổng số 369 điểm đen về rác thải. Và, ngay cả đối với các điểm xả rác đã được xóa vẫn phải cần quá trình giám sát của MTTQ, các đoàn thể để ngăn chặn việc tái xả rác xuống kênh rạch. Về lâu dài khi xây dựng đô thị thông minh, hành vi xả rác sẽ là một trong những hành vi bị cấm, các cơ quan, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định cụ thể, trong khi các hành vi này cũng sẽ bị phê phán mạnh mẽ trên truyền thông, báo chí.      

 

Thu Hà (Theo Báo Đại đoàn kết)

Ý kiến của bạn