Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Khu kinh tế Phú Quốc đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

02/04/2020

     Khu kinh tế (KKT) Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là KKT ven biển, với diện tích tự nhiên 58.923 ha. Ranh giới bao gồm toàn bộ huyện đảo Phú Quốc với các đô thị: Thị trấn Dương Đông, An Thới và 8 xã Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu, Hòn Thơn (toàn bộ cụm đảo phía Nam An Thới). Với mục tiêu tạo bước phát triển nhanh về tiềm lực kinh tế; từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành Trung tâm du lịch (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và sinh thái biển) tầm cỡ khu vực và quốc tế, những năm qua, Ban Quản lý (BQL) KKT Phú Quốc luôn chủ động triển khai các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn liền với công tác BVMT.

     BQL KKT Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được thành lập trên cơ sở tổ chức lại BQL đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Kiên Giang, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT Phú Quốc, quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong KKT Phú Quốc theo quy định của pháp luật. Năm 2019, cùng với sự điều hành, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, địa phương, BQL KKT Phú Quốc đã chủ động triển khai tập trung rà soát thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức được thực hiện tốt; Các nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết, thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định phê duyệt thiết kế cơ sở, giao đất và thuê đất để triển khai xây dựng... Từ đó, nhiều dự án, hạng mục dự án lần lượt được các nhà đầu tư đưa vào họat động như: Khu nghỉ dưỡng Pullman, công viên nước của khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm…  Nhìn chung, tình hình đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại KKT Phú Quốc năm 2019 đạt được những kết quả tích cực như trình cấp chủ trương đầu tư cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án (trong đó có 1 trường hợp mở rộng dự án) với diện tích khoảng 447,77 ha, tổng vốn đầu tư là 16.142 tỷ đồng; BQL KKT thực hiện Quyết định chủ trương đầu tư cho 26 dự án, với diện tích khoảng 857 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 23.918 tỷ đồng; Cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án (trong đó có 3 dự án FDI) với diện tích khoảng 23,71 ha, tổng vốn đầu tư 2.690 tỷ đồng; Điều chỉnh 37 Quyết định chủ trương đầu tư và 110 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); thu hồi 1 chủ trương đầu tư dự án với diện tích khoảng 0,66 ha.

 

KKT Phú Quốc, Kiên Giang

 

     Thời gian qua, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường trong KKT, BQL KKT Phú Quốc đã ban hành các văn bản pháp luật về BVMT, hướng dẫn thực hiện đối với các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh. BQL cũng đã chỉ đạo các đoàn thể tổ chức hoạt động ra quân làm vệ sinh môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT… Nhờ đó, nhận thức về công tác BVMT của các DN, cơ sở sản xuất trong KKT ngày càng được nâng cao. Hàng năm, BQL KKT đều tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT theo kế hoạch chung của tỉnh; phối hợp với các đơn vị tư vấn có chức năng thực hiện quan trắc giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo kết quả giám sát chất lượng môi trường.

     Trong quá trình phát triển, vấn đề môi trường luôn được BQL KKT Phú Quốc quan tâm, nhất là công tác quản lý việc xả nước thải của các DN. Hàng năm, BQL đều tổ chức hội nghị hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và yêu cầu các DN ký cam kết BVMT. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền BVMT nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân, DN được thực hiện thường xuyên, liên tục. Mặt khác, Phòng Quản lý TN&MT của BQL KKT Phú Quốc được giao trách nhiệm định kỳ giám sát, nếu phát hiện các DN có dấu hiệu xả thải không đúng quy định, hay nước thải chưa qua xử lý, sẽ báo cáo Sở TN&MT để cùng phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý. Những DN xả thải lớn hơn 10 m3 nước/ngày đêm đều được BQL KKT Phú Quốc, Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép xả thải theo đúng quy trình và các quy định.

     Cùng với đó, công tác thu gom rác có vai trò quan trọng trong việc BVMT cho KKT. Hiện nay, mỗi ngày có hàng chục tấn rác tại KKT Phú Quốc được thu gom, với 3 xe chuyên dụng, mỗi xe đều hoạt động từ 4 - 5 chuyến mỗi ngày để thu gom và đưa rác về đúng nơi xử lý theo quy định. Lượng rác thải lớn nên phương châm của BQL là không để rác tồn đọng, trừ trường hợp bất khả kháng như mưa bão lớn. Với những rác thải có nguy cơ gây nguy hại, DN phải có hợp đồng với các đơn vị thu gom, xử lý chất thải công nghiệp theo quy định. Hiện tại, BQL KKT Phú Quốc đã được UBND tỉnh Kiên Giang giao nhiệm vụ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu xử lý chất thải sinh hoạt tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc với tổng diện tích sử dụng đất 14,9 ha, chi phí thực hiện 1.100 tỷ đồng nhằm xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Phú Quốc.

     Thời gian tới, BQL KKT tiếp tục tham mưu có hiệu quả hơn nữa cho tỉnh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; tăng cường công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ các dự án đầu tư; tập trung công tác quản lý các quy hoạch xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện; quản lý kiến trúc cảnh quan; nâng cao chất lượng thẩm định quy hoạch chi tiết; kịp thời chấn chỉnh những vi phạm trong công tác giao đất, xây dựng, môi trường; quan tâm công tác xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, nước thải, rác thải để xác định rõ thứ tự ưu tiên; hướng dẫn, kiểm tra các DN trong thực hiện đầy đủ chế độ đối với người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; hoàn thành việc kiện toàn sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của BQL KKT Phú Quốc, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ quyền hạn của BQL. Đối với lĩnh vực môi trường, BQL sẽ tăng cường đầu tư xe phun nước giảm bụi tại các công trình hạ tầng đang xây dựng; quản lý chặt chẽ việc xả thải của các DN; thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa BQL KKT với các Sở, ngành của tỉnh và UBND huyện, nhất là trong công tác BVMT, góp phần hạn chế việc vi phạm môi trường, hướng tới phát triển kinh tế xanh.

 

Phạm Duyên Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)

 

Ý kiến của bạn