Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2020

13/10/2016

   Nhằm chủ động phát triển giao thông vận tải (GTVT) theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (KNK), ngày 11/5/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1456/QĐ-BGTVT về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và Tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2016 - 2020.

Nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống GTVT tiết kiệm nhiên liệu, có mức phát thải thấp 

   Với trọng tâm phát triển GTVT theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, giảm phát thải KNK, Kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu: Lồng ghép ứng phó với BĐKH và TTX trong cập nhật, xây dựng mới 100% chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT; Tích hợp thực hiện phù hợp các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu BĐKH trong dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT, đặc biệt tại khu vực miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và phương tiện, thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong GTVT. Đến năm 2020, có 5 - 20% số xe buýt và xe taxi sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG), khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và năng lượng mặt trời; nâng cao, mở rộng áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới; Xây dựng năng lực quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính từ các hoạt động GTVT.

   Để thực hiện mục tiêu đề ra, Kế hoạch hành động đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp:

   Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT theo hướng nâng cao tính chống chịu BĐKH và giảm ô nhiễm môi trường

   Rà soát đưa mục tiêu, giải pháp ứng phó với BĐKH và TTX trong cập nhật, xây dựng mới các chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT cấp ngành, lĩnh vực, vùng và cấp tỉnh/TP.

   Trong đó, tập trung phát triển hệ thống GTVT có trọng điểm, kết nối với các trung tâm kinh tế và các khu vực sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn, thông qua đầu tư vào hạ tầng giao thông với công nghệ, kỹ thuật hiện đại; tăng cường đầu tư hệ thống đường quốc lộ, đường bộ cao tốc, mạng lưới giao thông đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải và hàng không gắn với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế - môi trường cao, có khả năng chống chịu BĐKH, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

   Nâng cao hiệu quả công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông bằng việc đẩy mạnh tái chế, sử dụng vật liệu tại chỗ, tận thu vật liệu, giảm ô nhiễm môi trường trong duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng.

   Đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cạn (ICD) đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu; tăng cường năng lực thông qua cho các cảng biển; tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

   Quản lý hoạt động vận tải theo hướng phát thải thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

   Tổ chức triển khai 5 đề án tái cơ cấu cho 5 lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và tiết kiệm nhiên liệu, có mức phát thải thấp. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị; đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến xe buýt nhanh, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, đảm bảo kết nối với từng vùng, từng địa phương, nâng cao hiệu quả trong vận tải hành khách.

   Thực hiện đề án phát triển dịch vụ logistic nhằm tối ưu hóa thời gian và chi phí vận tải, giảm tiêu hao nhiên liệu; phát triển hoạt động của các sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối mạng lưới vận tải; tiếp cận, ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, công nghệ vận tải xanh, giảm phát thải KNK trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa.

   Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong lĩnh vực hàng không dân dụng; từng bước chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cơ chế thị trường phát thải KNK theo quy định của ICAO.

   Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường; khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong GTVT

   Nâng cao việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng, điều hành và khai thác vận tải góp phần tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảm phát thải KNK, TTX trong GTVT.

   Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chống chịu BĐKH, trong đó chú trọng sử dụng vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường. Xây dựng, ban hành và áp dụng mức tiêu thụ nhiên liệu cho một số loại phương tiện phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện dán nhãn năng lượng đối với phương tiện giao thông cơ giới theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

   Đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch (CNG, LPG...) đối với phương tiện giao thông cơ giới; rà soát, từng bước loại bỏ công nghệ, phương tiện, thiết bị kém hiệu quả, không thân thiện với khí hậu.

   Tổ chức thí điểm và triển khai nhân rộng ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ ít tiêu tốn năng lượng (pin năng lượng mặt trời, đèn led...) vào các hạng mục chiếu sáng, báo hiệu giao thông và các hạng mục tiêu tốn năng lượng khác thuộc dự án bảo trì, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT.

   Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới

   Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chất lượng phương tiện nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật phương tiện, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải của các loại phương tiện giao thông.

   Tổ chức triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3, 4, 5 đối với xe mô tô hai bánh, xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành, xe cơ giới đã qua sử dụng nhập khẩu; từng bước thực hiện kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn.

   Thực thi các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra đối với tàu biển hoạt động tuyến quốc tế và nghiên cứu áp dụng đối với tàu biển hoạt động tuyến nội địa.

   Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về BĐKH, TTX trong GTVT

   Xây dựng, thực hiện, đa dạng hóa các chương trình, các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về BĐKH, TTX và sử dụng phương tiện, thiết bị thân thiện với môi trường trong các hoạt động GTVT; tuyên truyền phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp vận tải, lái xe và người tham gia giao thông về các giải pháp giảm nhẹ BĐKH như: hạn chế phương tiện cá nhân, lái xe sinh thái, vận tải xanh...

   Mặt khác, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ quản lý về BĐKH, TTX trong GTVT.

   Tăng cường hợp tác quốc tế và đa dạng hóa nguồn lực để triển khai các hoạt động về BĐKH, TTX trong GTVT

   Ký kết, gia nhập, thực hiện các điều ước quốc tế, các chương trình hợp tác quốc tế về BĐKH, TTX, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong GTVT.

   Bên cạnh đó, tăng cường tham gia các các diễn đàn, hội nghị, hội thảo và phối hợp với các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực quản lý về BĐKH, TTX, xây dựng năng lực đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) và nghiên cứu, triển khai các hành động giảm nhẹ BĐKH phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) trong GTVT.

   Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước (sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp môi trường, vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và TTX...) trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên về BĐKH, TTX.

   Chủ động tiếp cận và tranh thủ tối đa các nguồn lực ưu đãi về BĐKH, TTX từ các tổ chức tài chính và nhà tài trợ quốc tế; Khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để thực hiện các nội dung của Kế hoạch hành động.

   Để tổ chức triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và TTX của Bộ GTVT giai đoạn 2016 - 2020 có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao các cơ quan, đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức triển khai phù hợp các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch hành động, trong đó Vụ Môi trường là đầu mối về công tác BĐKH, TTX, điều phối việc tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động và có trách nhiệm hướng dẫn, tham mưu và chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động.

Trần Ánh Dương

Bộ Giao thông vận tải

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn