Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hiệu quả từ mô hình giáo dục và truyền thông về VPA-FLEGT ở khu vực miền Trung

10/05/2016

   Mô hình giáo dục - truyền thông đồng bộ từ cộng đồng tới các cấp quản lý về Tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT ) đang được triển khai hiệu quả tại các tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam), góp phần hiện thực hóa những chính sách, mục tiêu về quản trị rừng và thương mại lâm sản hợp pháp ở các địa phương, hướng tới thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA-FLEGT trong tương lai.

   Một số hoạt động chính của truyền thông về FLEGT

   Các hoạt động truyền thông về FLEGT do Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ thực hiện thí điểm tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. Đây là một mô hình được triển khai đồng bộ, tiếp cận từ cộng đồng, tổ chức xã hội, doanh nghiệp chế biến gỗ tới các cơ quan quản lý có liên quan, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các nhóm đối tượng về gỗ hợp pháp và các vấn đề liên quan đến VPA-FLEGT. Mô hình được thiết kế gồm các hoạt động tập huấn cho cán bộ, chương trình giáo dục cho học sinh, truyền thông trực tiếp tại địa bàn lựa chọn ở 4 tỉnh, trên các kênh thông tin, công cụ truyền thông và đã được cộng đồng và chính quyền địa phương ủng hộ, tham gia nhiệt tình, đánh giá cao về hiệu quả, tính thực tiễn. Trong đó, đào tạo cán bộ truyền thông nòng cốt về FLEGT là chương trình đầu tiên của mô hình, thu hút sự tham gia của 33 học viên từ các tổ chức xã hội, cán bộ kiểm lâm, chính quyền địa phương và cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào rừng của 4 tỉnh. Những người tham gia chương trình được cung cấp thông tin về VPA-FLEGT, gỗ hợp pháp... cũng như các kiến thức cơ bản về truyền thông cộng đồng, truyền thông thay đổi hành vi về FLEGT; phương pháp, kỹ năng giảng dạy và thiết kế các sản phẩm truyền thông tại địa phương.

   Đặc biệt, mô hình đã tổ chức truyền thông trực tiếp tới cộng đồng và doanh nghiệp tại các huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế), Đắc Rông (Quảng Trị), Lệ Thủy (Quảng Bình), Đông Giang (Quảng Nam) thông qua các hoạt động thiết thực, trò chơi thích hợp với người dân địa phương. Nội dung và hình thức truyền thông được điều chỉnh phù hợp với thực tế, sinh động, phát huy những giá trị văn hóa bản địa như đi xe đạp, ô tô cổ động, hát múa theo bản sắc dân tộc của người Pa Cô, Cơ Tu, thi tìm hiểu về VPA-FLEGT. Chương trình thu hút gần 200 người tham gia từ cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương, cơ sở chế biến gỗ và người dân tại các địa phương triển khai mô hình.

   Mặt khác, mô hình còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Rừng xanh ước mơ”, là sáng kiến tuyên truyền và quảng bá thông tin về FLEGT tới các cơ quan chính quyền địa phương, quản lý lâm nghiệp, kiểm lâm và cộng đồng. Chương trình được triển khai tại các tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế thu hút sự tham gia của 300 em thiếu nhi với 150 tác phẩm tham dự... Các thông điệp về ý thức quản lý và bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái bền vững được lồng ghép trong tranh của các em học sinh tham dự.

Trao giải thưởng “Rừng xanh ước mơ” cho các học sinh có thành tích xuất sắc

   Hiệu quả của các hoạt động truyền thông về FLEGT

   Đối với các cơ quan ban ngành liên quan: Cán bộ của các cơ quan quản lý ngành lâm nghiệp, cán bộ chính quyền địa phương, tổ chức xã hội đoàn thể đã được tiếp cận và hiểu rõ hơn về nội dung của Kế hoạch hành động FLEGT, Hiệp định Đối tác Tự nguyện VPA-FLEGT, định nghĩa gỗ hợp pháp, hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp... Đồng thời, được trang bị kỹ năng để xây dựng các chương trình giáo dục- truyền thông phù hợp với cộng đồng, doanh nghiệp.

   Đối với các tổ chức xã hội: Nâng cao hiểu biết, phát triển kỹ năng truyền thông về FLEGT, từ đó tuyên truyền đến từng cộng đồng địa phương về VPA-FLEGT, thúc đẩy cộng đồng tham gia thực hiện FLEGT.

   Đối với nhóm cộng đồng: Người dân được tuyên truyền để thay đổi hành vi trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, hạn chế khai thác gỗ trái phép, sử dụng các sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Từ đó, góp phần tăng cường tiếng nói của cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ trong tiến trình VPA- FLEGT.

   Đối với các doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ: Hiểu rõ hơn về lợi ích khi tham gia vào tiến trình VPA-FLEGT. Doanh nghiệp nhận thức và tuân thủ các quy định, thủ tục chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp; thay đổi tư duy và định hướng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sản phẩm gỗ hợp pháp, đáp ứng theo yêu cầu FLEGT.

   Đối với Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VNGO-FLEGT) và các dự án làm việc liên quan đến FLEGT: Tạo cơ hội trao đổi, giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động truyền thông của các thành viên Mạng lưới VNGO-FLEGT; kết nối 6 thành viên chủ chốt của mạng lưới cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng tham gia vào mạng lưới VNGO-FLEGT.

Hoạt động truyền thông về FLEGT thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia

   Bài học kinh nghiệm-khuyến nghị

   Thông qua việc triển khai truyền thông tại một số địa phương cho thấy, việc thực hiện truyền thông cần được triển khai đồng bộ từ cộng đồng tới các cấp quản lý về FLEGT. Hình thức truyền thông cần được thiết kế đa dạng, sinh động để thu hút sự tham gia của các đối tượng khác nhau. Nội dung truyền thông phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương và trình độ nhận thức của từng nhóm đối tượng. Nên sử dụng các phương tiện truyền thông gây chú ý đối với cộng đồng, thu hút sự quan tâm của chính quyền các cấp; Thu hút sự tham gia của các em học sinh, phát huy những giá trị văn hóa bản địa trong quá trình tuyên truyền, truyền thông.

   Tóm lại, mô hình truyền thông về FLEGT được triển khai tại các tỉnh nói trên đã giúp các nhóm hưởng lợi nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích khi tham gia vào tiến trình FLEGT, góp phần thay đổi nhận thức trong việc sử dụng gỗ hợp pháp, hạn chế khai thác gỗ trái phép, tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả tại các địa phương.

   Tuy nhiên, hiện quy mô truyền thông chỉ dừng ở mô hình thí điểm tại 4 huyện thuộc 4 tỉnh, chưa được thực hiện rộng ở nhiều địa phương. Mô hình này cần được triển khai trên địa bàn rộng hơn. Bên cạnh đó, đối với từng nhóm đối tượng cụ thể cần có các hình thức và nội dung truyền thông thiết thực hơn như: Nhóm cộng đồng cần được truyền thông bằng các biện pháp tại chỗ, thường xuyên (như sử dụng các tuyên truyền viên, kiểm lâm viên địa bàn...) để giải thích cụ thể về nguồn gốc gỗ hợp pháp, những tác động đến sinh kế của người dân khi áp dụng VPA-FLEGT...; Nhóm các cơ quan chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cần được tập huấn, hội thảo, cung cấp thông tin cập nhật và tầm quan trọng của VPA-FLEGT đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng; Nhóm cơ sở chế biến gỗ và doanh nghiệp cần được tuyên truyền trực tiếp, cập nhật thông tin thường xuyên về các quy định có liên quan đến VPA-FLEGT khi tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ sang thị trường EU.

   Một số ý kiến của cộng đồng, doanh nghiệp và cán bộ quản lý

   Ông Hồ Văn Đẻo, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế: “Qua các hoạt động truyền thông về FLEGT, tôi đã hiểu về tầm quan trọng của việc quản lý bảo vệ rừng và sẽ tuyên truyền tới cộng đồng”.

   Ông Lê Duy Trinh, Doanh nghiệp tư nhân Nguyên Phong, Quảng Trị: “Sau khi được truyền thông về FLEGT, chúng tôi đã nhận thức được sự cần thiết phải tuân thủ các quy định của pháp luật về gỗ hợp pháp, trong đó có các quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Nếu muốn phát triển thị trường doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của Nhà nước và VPA-FLEGT”.

   ThS. Mai Quang Huy - Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế: “Hoạt động nâng cao năng lực được Dự án FLEGT - Khu vực miền Trung triển khai đã đáp ứng mong đợi của các cơ quan quản lý ngành lâm nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng, thành viên mạng lưới VNGO-FLEGT, doanh nghiệp chế biến gỗ... Thông qua đó, các nhóm hưởng lợi đều nắm được các vấn đề cơ bản liên quan đến VPA-FLEGT”.

Đặng Thị Thanh Thủy

Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực TN&MT

Trương Sĩ Hoài Nhân, Nguyễn Văn Nam

Chuyên gia FLEGT miền Trung

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn