Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Hồ chứa nhân tạo là nguồn phát thải khí nhà kính lớn

14/03/2017

     Các quốc gia trên thế giới đã có những cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu của Mỹ, Canađa, Trung Quốc, Braxin và Đan Mạnh chỉ ra rằng, các quốc gia sẽ phải cắt giảm nhiều hơn vì nhiều nguồn phát thải vẫn chưa được tính toán đầy đủ. Theo các nhà khoa học, các hồ chứa nhân tạo trên thế giới sản sinh ra khoảng 1,3 % tổng lượng khí nhà kính.

 

Hồ chứa đập Grimsel, Thụy Sĩ

 

     Các nhà khoa học cho rằng, khí phát thải từ các hồ chứa chủ yếu là khí methane (CH4), loại khí này có thời gian tồn tại trong không khí tương đối ngắn. nhưng lại gây ra hiệu ứng nóng lên ngắn hạn rất mạnh. Mặc dù, chúng ta đã có các giải pháp hạn chế CO2 nhưng vẫn gặp khó khăn với khí CH4 (loại khí này có nguồn phát sinh rất đa dạng từ dầu mỏ, khí đốt, thậm chí là từ chất thải gia súc). Các nhà khoa học cho biết, khí CH4 chiếm 79% khí phát thải từ các hồ chứa, trong khi CO2 là 17% và NO2là 4%.

     Các nhà khoa học đã tổng hợp tất cả các ước tính trước đó về khí thải các hồ chứa trên toàn cầu và thấy rằng, các ước lượng về phát thải khí methane của các hồ chứa cao hơn khoảng 25% so với dự đoán, lý do là do có quá nhiều đập chứa nước trên toàn cầu. Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã khảo sát trên 267 hồ chứa nước nhân tạo; từ đó ngoại suy ra kết quả cho toàn bộ các hồ chứa trên toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng của các hồ chứa nước nhân tạo là một ví dụ điển hình về những hệ quả không mong muốn việc thay đổi cảnh quan tự nhiên của con người. Ngập lụt trên diện rộng có thể dẫn đến các phản ứng hóa học mới vì các vi sinh vật nhỏ bé sẽ làm phân hủy các chất hữu cơ trong nước. Quá trình phân hủy chất hữu cơ trong nước và thiếu oxy sẽ phát thải khí methane. Một phần nguyên nhân của việc này là do khu vực ban đầu khi chưa bị ngập có chứa nhiều sinh vật (cây cỏ, động vật nhỏ không biết bơi). Trong khi đó, các hồ chứa cũng là thường xuyên tiếp nhận nước thải mang nhiều Nito và Photpho từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của con người. Nguồn nước chứa nhiều chất dinh dưỡng này chính là tác nhân thúc đẩy sự tăng trưởng của tảo trong các hồ chứa, cung cấp nhiều hơn nguyên liệu cho vi sinh vật phân hủy. Vì những nguyên nhân này, hồ chứa là nơi phát thải nhiều khí methane hơn so với ao, hồ, sông hay các vùng ngập nước tự nhiên.

 

An Vi

 

Ý kiến của bạn