Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Hạn chế sử dụng túi ni lông, bảo vệ môi trường và sức khỏe

18/07/2019

     Không chỉ thường xuyên mang làn đi chợ, thu gom phế liệu bán lấy tiền gây quỹ mà còn vận động gia đình, người thân cùng "nói không" với rác thải nhựa... Các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông đang nỗ lực tiên phong trong phong trào này.

     Đã thành thói quen, mỗi khi đi chợ, phụ nữ ở tổ dân phố 12, phường Quang Trung (quận Hà Đông) đều mang theo làn, hộp... để đựng đồ thay vì túi ni lông. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Quang Trung Nguyễn Thị Mai Anh, mô hình điểm ở tổ dân phố 12 đã được nhân rộng trong toàn phường. Để khuyến khích chị em, từ năm 2012 đến nay, Hội đã tặng hơn 1.700 làn cho hội viên và khoảng 90% số hội viên được tặng làn đã thường xuyên sử dụng khi đi chợ.

     Từ điểm sáng đó, hiện nay, phụ nữ ở các phường khác trong quận Hà Đông cũng dùng làn đi chợ. Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố 7, phường Phúc La Trần Thị Tường Vy chia sẻ: “Nếu dùng làn, hộp đựng thực phẩm, mỗi ngày, một người đi chợ giảm được khoảng 10 túi ni lông. Chỉ cần mỗi người, mỗi nhà hạn chế sử dụng túi ni lông, chắc chắn lượng rác ni lông, rác nhựa sẽ giảm đáng kể”.

 

Phụ nữ phường Phúc La (quận Hà Đông) thu gom phế liệu

 

     Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương, thông thường, phụ nữ là những người đảm nhận việc mua sắm cho cả gia đình nên Quận hội đã xây dựng mô hình chống rác thải nhựa tại 100% cơ sở Hội. Bên cạnh đó, Hội tập trung tuyên truyền đến hội viên tác hại cùng giải pháp cụ thể nhằm hạn chế rác thải nhựa, như: Không sử dụng túi ni lông, ống hút, chai nước, hộp cơm, bát, đĩa, cốc, thìa nhựa... khi không cần thiết. Ngoài ra, các cơ sở Hội huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa mua gần 3.000 làn nhựa tặng hội viên để đi chợ…

     Thời gian đầu mới triển khai, phong trào khó khăn nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, sức lan tỏa rất nhanh. Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông đã lồng ghép công tác tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và cuộc sống; yêu cầu cán bộ hội gương mẫu thực hiện, sau đó vận động hội viên cùng làm... Nhờ cách này, đến nay, việc xách làn đi chợ đã trở thành thói quen của nhiều người ở quận Hà Đông.

     Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông còn thực hiện phong trào: “Thu gom phế liệu, đổi lấy màu xanh”. Theo đó, hội viên đã chủ động gom phế liệu, rác nhựa trong gia đình rồi mang đến điểm thu gom của Chi hội phụ nữ tổ dân phố tập kết để bán gây quỹ. Từ đầu năm 2019 đến nay, Chi hội phụ nữ tổ dân phố 7 đã tổ chức 4 đợt thu gom và bán được 5,6 triệu đồng”.

     Tương tự, với phong xách làn đi chợ, lúc mới phát động, nhiều hội viên chưa nhiệt tình tham gia vì cho rằng “nhếch nhác, tiền bán phế liệu không đáng là bao”. Để thuyết phục, các cơ sở Hội đã mượn điểm tập kết phế liệu là các quỹ đất công, nhà dân có mặt bằng rộng, tiến hành thu gom hằng tuần. Đến nay, việc này đã trở thành nếp, trung bình một cơ sở hội thu được từ 20 - 70 triệu đồng tiền bán phế liệu/năm. Số tiền này được chi cho các hoạt động của các chi hội cơ sở, làm từ thiện...

     Có thể nói, những việc làm này của phụ nữ quận Hà Đông, dù nhỏ nhưng đang có sức lan tỏa lớn, góp phần tích cực trong giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư. Đặc biệt, đã đóng góp một phần cho phong trào chống rác thải nhựa của TP và cả nước.

 

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn