Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng

12/04/2017

   Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các - bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (Chương trình REDD+) đến năm 2030.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng rừng cho mục đích lâm nghiệp 

   Mục tiêu của Chương trình là góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn và lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh; thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ các - bon; nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững đất nước.

   Chương trình này được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2017 - 2030, ưu tiên vào các khu vực là điểm nóng về mất rừng và suy thoái rừng, vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và có tiềm năng trữ lượng các - bon rừng. Theo đó, đến năm 2020, Chương trình sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động REDD+, nâng cao độ che phủ rừng toàn quốc lên 42% và diện tích các loại rừng đạt 14,4 triệu ha.

   Trong giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình giúp ổn định diện tích rừng tự nhiên đến 2030 ít nhất bằng diện tích đã đạt được tại năm 2020 và tăng độ che phủ rừng toàn quốc lên 45%, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về BĐKH, mức đóng góp có thể tăng lên 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế.

   Cùng với đó, để giảm mất rừng và suy thoái rừng, Chương trình sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng rừng và đất rừng đảm bảo mục tiêu 16,24 triệu ha đất sử dụng cho mục đích lâm nghiệp vào năm 2020; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp bền vững và không gây mất rừng, suy thoái rừng; cải thiện quản trị rừng và cải thiện sinh kế cho người dân sống trong và gần rừng; tăng cường thực thi pháp luật lâm nghiệp.

   Ngoài ra, Chương trình sẽ đánh giá và nhân rộng các mô hình kinh doanh rừng năng suất cao và rừng gỗ lớn; thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình quản lý rừng tự nhiên bền vững; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi rừng; cải thiện môi trường kinh tế và tài chính cho lâm nghiệp.

   Để ứng phó với những hậu quả của BĐKH, cùng với cộng đồng quốc tế và Việt Nam chung tay bảo vệ và phát triển rừng, Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp thực hiện nhiều hoạt động nằm trong nhóm hoạt động nhằm hạn chế mất rừng, suy thoái rừng và nhóm hoàn thiện các yếu tố sẵn sàng thực hiện REDD+ đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Cụ thể, Bộ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT tích hợp số liệu về tiến trình và kết quả thực hiện REDD+ vào báo cáo Thông báo quốc gia và báo cáo cập nhật (2 năm một lần) trình Ban Thư ký UNTCCC; phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng, hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và kiểm chứng (MRV), mức phát thải tham chiếu rừng/mức tham chiếu rừng (FRELs/FRLs), đánh giá kết quả giảm phát thải của Chương trình REDD+; chủ trì về quy hoạch và quản lỷ đất đai, trong đó có đất rừng và phối hợp lồng ghép REDD+ vào quy hoạch sừ dụng đất các cấp.

   Cùng với đó, là chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh rà soát và hoàn thành việc giao đất gắn với giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách về giao, cho thuê đất rừng liên quan đến thực hiện Chương trình REDD+.

 PHƯƠNG LINH

Ý kiến của bạn