Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Dòng sông nắng đục, mưa trong nơi xứ Huế

25/06/2019

     Huế không chỉ trầm mặc bên những lăng tẩm, mảnh đất Cố đô còn mang trong mình vẻ đẹp dịu dàng của sông Hương thơ mộng, dòng An Cựu nắng đục, mưa trong.

     Đến với xứ Huế, du khách sẽ được ngắm nhìn dòng sông An Cựu thơ mộng, uốn lượn cùng đôi bờ xanh ngát. Dòng sông này nổi tiếng với hiện tượng “nắng đục, mưa trong” trái ngược với các dòng sông thông thường.

     An Cựu là tên một con sông nhỏ, nhánh của sông Hương tại phía Nam kinh thành Huế. Sông An Cựu có nhiều tên gọi như Lợi Nông, Phủ Cam, Đại Giang, Hà Tự, Cống Quan, nhưng tên phổ biến ở Huế là sông An Cựu.

     Sông An Cựu dài khoảng 30 km, bắt đầu lấy nước từ sông Hương (đoạn cồn Dã Viên), chảy qua địa phận TP Huế, thị xã Hương Thủy rồi đổ vào phá Hà Trung. Kể từ khi các chúa nhà Nguyễn chọn Kim Long, rồi Phú Xuân là thủ phủ, hai bên bờ sông An Cựu là nơi tập trung nhiều dinh thự, nhà vườn của quan lại, quý tộc. Tuy nhiên lúc này sông còn nhỏ, nhiều đoạn cạn hẹp.

 

Sông An Cựu

 

     Sông An Cựu nổi tiếng với hiện tượng “nắng đục, mưa trong” trái ngược với các dòng sông thông thường. Hiện tượng này gắn với một truyền thuyết nhuốm màu huyền bí của xứ Huế. Theo truyền thuyết, trong quá trình đào sông An Cựu, hang động của một con thuồng luồng khổng đã vô tình bị mở. Mỗi khi trời nắng, con thuồng luồng không chịu được thời tiết nóng trở nên vẫy vùng, khuấy đảo phù sa, làm đục ngầu cả dòng nước. Còn những ngày tiết trời mát mẻ, thuồng luồng nằm im trong hang động, dòng sông không bị khuấy đảo, nước sông An Cựu trở nên trong vắt.

     Trên lý giải khoa học, do sông An Cựu là dòng sông đào nhận nước từ sông Hương trong xanh chảy về phá Hà Trung và ra biển nên ngay cả những ngày mưa nước vẫn ít khi đục vì không có nước nguồn trên núi chảy về. Trái lại, mùa nắng hạn, nước sông cạn, có khi cạn gần đến đáy sông và lại có màu vàng đục của lớp phù sa dưới đáy.

     Năm Gia Long 13 (1814), sau khi khảo sát tình hình và hỏi ý kiến các vị bô lão ở xã Thanh Tuyền (nay là làng Thanh Thủy), nhà vua đã cho đào thêm sông An Cựu và cho đắp đập Thần Phủ ở phía dưới để lấy nước tưới tiêu, rửa mặn cho hàng vạn mẫu ruộng ở khu vực này. Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), sông An Cựu được đổi tên thành sông Lợi Nông. Bia đá khắc tên này vẫn còn. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835) khi đúc Cửu Đỉnh, hình ảnh và tên sông đã được khắc vào Chương Đỉnh.

     Hiện tại, dòng sông An Cựu đã và đang được chính quyền, người dân địa phương quan tâm, bảo vệ xây dựng chỉnh trang đô thị, tạo nên một dòng sông hiền hòa uốn lượn cùng với đôi bờ xanh ngát, góp phần để Thừa Thiên - Huế thêm Xanh - Sạch - Đẹp.

 

Mai Hương

Ý kiến của bạn