Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Chung tay bảo vệ Sao la khỏi sự tuyệt chủng

05/05/2016

     Nhằm khơi dậy niềm tự hào và tình yêu của con người đối với Sao la - loài thú thời cổ đại duy nhất chỉ tìm thấy tại dãy Trường Sơn đang bên bờ vực tuyệt chủng, từ  ngày 30/4 - 2/5/2016, tại công viên Tứ Tượng, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế phối hợp với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức Triển lãm kêu gọi chung tay bảo vệ Sao la khỏi sự tuyệt chủng. Đây là triển lãm đầu tiên về Sao la và là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Sao la quốc tế đầu tiên được tổ chức vào ngày 9/7/2016.

     Sao la đã tồn tại từ lâu đời và sinh sống chủ yếu tại vùng rừng núi hẻo lánh thuộc Trung Trường Sơn Việt Nam và Nam Lào, khu vực rừng đầu nguồn các con sông với ghềnh đá nhiều hang hốc nhưng mãi đến năm 1992 mới được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên tại Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh. Loài vật này được coi là báu vật thiên nhiên còn sót lại cùng thời với các loài thú khác trong quá trình tiến hóa của mình tại vùng rừng núi hẻo lánh của dãy Trường Sơn. Chúng có cặp sừng thon dài với những sọc trắng nổi bật trên mặt. Thức ăn chính của Sao la là môn thục, thiên niên kiện.

 

Loài Sao la đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

 

     Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn cho biết, dải rừng nguyên sinh nằm ở phía Tây Thừa Thiên - Huế với những giá trị đa dạng sinh học đặc biệt, Sao la và các loài động thực vật khác được xem như báu vật của vùng đất này, là di sản thiên nhiên làm tăng thêm giá trị cho Huế - Di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, chúng đang chịu rất nhiều áp lực, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng do sinh cảnh sống bị chia cắt hoặc thu hẹp, nguy cơ bị mắc bẫy, kích thước quần thể nhỏ khiến cho việc giao phối khó khăn hoặc dẫn đến giao phối cận huyết... Vì thế Triển lãm kêu gọi chung tay bảo vệ Sao la khỏi sự tuyệt chủng nhằm tăng cường nhận thức để “kích hoạt” nỗ lực mạnh mẽ cho công tác bảo tồn các giá trị di sản thiên nhiên này của địa phương.
     Triển lãm được đặt trong một không gian rộng giữa thiên nhiên với nhiều thông tin thú vị về Sao la và sự đa dạng sinh học của Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, người xem sẽ được nhìn thấy hình ảnh mô phỏng thực của Sao la, tìm hiểu những mối đe doạ và các biện pháp khoa học WWF và Chi cục Kiểm lâm thực hiện nhằm bảo tồn loài này.

     “Không nhiều quốc gia trên thế giới may mắn sở hữu một sự giàu có về đa dạng sinh học như Việt Nam. Nhưng mối liên kết giữa con người và thiên nhiên dường như rất mỏng manh. Chúng ta thường nhìn thiên nhiên như một nguồn cung ứng cho nhu cầu hàng ngày chứ không phải là một người bạn không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Qua Triển lãm, chúng tôi muốn khơi dậy niềm tự hào và tình yêu của mọi người với thiên nhiên để từ đó chúng ta có một cái nhìn, một cách ứng xử khác trong việc yêu thương và có trách nhiệm hơn với thiên nhiên, Quản lý cảnh quan Trung Trường Sơn, WWF - Việt Nam Nguyễn Anh Quốc, chia sẻ.

 

     Những phát hiện về Sao la ở Việt Nam

     Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên ở Việt Nam vào năm 1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh. Đây là một trong những phát hiện quan trọng toàn cầu về động vật trong thế kỷ 20, mang ý nghĩa lịch sử khoa học vì chỉ có 5 loài thú lớn được phát hiện trong suốt 100 năm trước đó. 

     Sau đó, Sao la lần lượt được phát hiện 3 lần tại Huế vào những năm 1998 và 1999:

     Lần 1 (năm 1998): một cá thể đực, nặng 52kg, tại thôn Hộ, Dương Hoà, Hương Thuỷ, tình trạng đã chết và được lưu giữ dưới dạng mẫu vật tại Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế;

     Lần 2 (năm 1998): một cá thể cái đang mang thai, nặng 80kg, tại tiểu khu 1097 (Hương Nguyên, A Lưới), được Kiểm lâm và người dân địa phương cứu hộ và thả lại rừng ngay sau đó.

     Lần 3 (năm 1999): một cá thể con, nặng 10kg, tại bản Bụt, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, chết sau 8 ngày cứu hộ tại Vườn quốc gia Bạch Mã.

     Sau 15 năm kể từ lần cuối cùng loài này được nhìn thấy trong tự nhiên tại Việt Nam, ngày 9/7/2013, hệ thống máy bẫy ảnh cảm biến do WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam lắp đặt trong rừng tự nhiên đã ghi lại được hình ảnh một cá thể Sao la.

 

Lưu Trang

Ý kiến của bạn