Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Chương trình Thành phố Xanh quốc tế - hướng đến hành tinh thân thiện với môi trường

15/05/2017

   Chương trình Thành phố Xanh (TPX) được khởi xướng bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), nhằm mục đích kêu gọi hành động và sự hưởng ứng từ các đô thị cho chiến dịch toàn cầu vì tương lai “một hành tinh”, thân thiện với môi trường, đồng thời thúc đẩy những biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là Chương trình được tổ chức định kỳ 2 năm/lần với quy mô ngày càng mở rộng, tạo cơ hội cho các TP trình bày những kế hoạch toàn diện về chủ đề tăng trưởng các-bon thấp, cũng như tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới.

Đại diện WWF trao Chứng nhận TPX cho đại diện TP. Huế năm 2016

   Chương trình TPX quốc tế tập trung vào giải pháp và thách thức mà các TP ở khắp nơi trên thế giới gặp phải, đồng thời tăng khả năng hợp tác và liên kết giữa các TP. Chương trình khuyến khích các TP chuyển đổi theo mô hình phát triển đô thị bền vững thông qua các giải pháp về khí hậu sáng tạo, đổi mới và tham vọng. Các giải pháp và chính sách khí hậu tiến bộ có thể giảm đáng kể tác động trong các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, năng lượng và công nghiệp, qua đó tạo nên những TPX, bền vững hơn.

   Năm 2010 - 2011, Chương trình được tổ chức thí điểm tại các TP của Thụy Điển. Sau đó, số lượng các quốc gia tham gia ngày càng tăng, đến nay đã có hơn 320 TP của 25 quốc gia tham gia, trong đó có 55 TP (gồm TP. Huế của Việt Nam) được lựa chọn là TPX quốc gia và 4 TPX quốc tế gồm Vancouver, Cape Town, Seoul và Pari. Các cam kết giảm nhẹ BĐKH của các TP tham gia TPX đạt tổng mức 358 triệu tấn các-bon quy đổi (tất cả các loại khí gây hiệu ứng nhà kính được quy đổi sang các-bon một cách tương đối) vào năm 2020; 450 triệu tấn các-bon quy đổi vào năm 2030; 537 triệu tấn các-bon quy đổi vào năm 2050.

   Chương trình TPX 2017-2018 được khởi động ngày 15/3/2017, với sự tham gia của các TP đến từ 25 nước (Braxin, Canađa, Trung Quốc, Côlômbia, Ecuađo, Phần Lan, Pháp, Guatemala, Ấn Độ, Malaixia, Mêhicô, Na Uy, Pakistan, Pêru, Philippin, Rwanda, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Tanzania, Thái Lan, Uganda, Mỹ, Việt Nam và Zambia).

Hoạt động hưởng ứng Chiến dịch TPX năm 2017 - 2018 

   Đây là “sân chơi” cho các TP có tham vọng lớn, tinh thần trách nhiệm cao, uy tín và chứng minh được vai trò quan trọng trong những nỗ lực toàn cầu về ứng phó với BĐKH; chủ động xây dựng, triển khai các hành động về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Chương trình là nơi các TP trao đổi kinh nghiệm, giao lưu và tiếp cận nguồn tài trợ để xây dựng và quản lý TP theo hướng bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cũng như các mục đề ra trong Thỏa thuận Pari về ứng phó với BĐKH. Đồng thời, là cơ hội để các TP quảng bá hình ảnh phát triển thân thiện, hài hòa với thiên nhiên và môi trường trong mắt bạn bè quốc tế.

   Dưới sự ủy thác của WWF, Hội đồng chuyên gia quốc tế độc lập trong nhiều lĩnh vực quy hoạch đô thị, giao thông, năng lượng bền vững, tiêu dùng…và đại diện các tổ chức có uy tín quốc tế về môi trường và BĐKH như Ủy ban quốc tế về các Sáng kiến môi trường địa phương (ICLEI), nhóm 40 TP lớn toàn cầu ứng phó với BĐKH (C40), Chương trình Liên hợp quốc về BĐKH, Ngân hàng Phát triển châu Á… sẽ đánh giá cam kết và hành động của mỗi TP. Ban Tổ chức sẽ dựa trên cơ sở các tiêu chí của Chương trình để đánh giá gồm: Mức độ và khả năng thực hiện các cam kết và hành động; Tích hợp các lĩnh vực hoạt động khác nhau vào kế hoạch hành động về khí hậu của TP; Xác định rõ ràng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính dựa trên cơ sở minh bạch và tính toán khoa học; Nỗ lực trong giao thông bền vững: Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông đô thị; Phương pháp tiếp cận sáng tạo, phù hợp với bối cảnh địa phương (nguồn lực tài chính và con người).         

   Chương trình TPX gồm 5 bước: Đăng ký và xây dựng hồ sơ (Báo cáo khí hậu và các-bon, đệ trình cho Ban Tổ chức); Sàng lọc hồ sơ và sơ loại; Đánh giá của Hội đồng chuyên gia quốc tế; Chiến dịch truyền thông cộng đồng cho TP được vào vòng chung kết; Ghi danh và trao giải cho các TPX quốc gia và TPX quốc tế. Để trở thành một ứng cử viên/thành viên của Chương trình TPX, TP cần đáp ứng ít nhất 3 trong số 4 yêu cầu sau: Đặt ra mục tiêu và cam kết về BĐKH; Xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động; Kiểm kê phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP; Hành động/sáng kiến về giao thông bền vững.

   Đại diện duy nhất và đầu tiên của Việt Nam tham gia Chương trình TPX 2015 - 2016, TP. Huế đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của Chương trình để lọt vào danh sách các TPX trên thế giới với cam kết đến năm 2020, TP sẽ giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 2011 với 6 cam kết: Tăng cường xanh hóa đô thị thông qua việc đẩy mạnh trồng thêm nhiều diện tích cây xanh; Xây dựng và cải thiện mạnh mẽ công tác giám sát, xử lý nước thải và chất thải rắn của TP; Xây dựng, hoàn chỉnh và áp dụng hệ thống chiếu sáng thông minh hiệu suất năng lượng cao; Thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho TP, trong đó chú trọng vào việc tổ chức xây dựng các tuyến thăm quan nhà vườn; Các công trình di tích, hệ thống sông hồ... Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động du lịch và dịch vụ của TP; Sử dụng vật liêu tự nhiên, vật liệu xây dựng không nung để xây dựng các công trình, cơ sở công cộng và tư nhân/hộ gia đình.

   Ngoài Huế, hiện tại đã có 3 TP cam kết tham gia Chương trình TPX 2017 - 2018 gồm Đông Hà (Quảng Trị), Hội An (Quảng Nam) và Đà Nẵng. Từ những kết quả nêu trên, hy vọng, nhiều TP của Việt Nam sẽ tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình TPX trong các năm tiếp theo

Phạm Cẩm Nhung

WWF - Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số/ 4/2017

Ý kiến của bạn