Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Cần nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường của cộng đồng người Cơ Tu

23/12/2019

     Tây Giang là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm tỉnh lỵ TP. Tam Kỳ 180 km về phía Tây Bắc và cách trung tâm TP. Đà Nẵng 125 km về phía Tây. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 91.368,31 ha; diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 77.786,6 ha, chiếm 85,14%, trong đó diện tích đất có rừng 65.817,37 ha, chiếm 72,04% tổng diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng luôn được duy trì trên 72,03%. Toàn huyện có 4.911 hộ/18.736 người, có 6 dân tộc đang sinh sống, trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm trên 95%. Đối với dân tộc Cơ Tu, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học luôn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống cộng đồng, nên từ bao đời nay, cộng đồng người Cơ Tu luôn nỗ lực và quyết tâm bảo vệ rừng nói riêng và BVMT nói chung.

     Cộng đồng người Cơ Tu quyết tâm giữ rừng

     Vào cuối năm 2011, tại đồi núi Zi’liêng (thuộc địa phận xã Axan), ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, cộng đồng người Cơ Tu đã phát hiện một “vương quốc pơ mu”. Quần thể pơ mu phân bố trên diện tích gần 4.500 ha, với hơn 2.011 cây, trong đó có 1.146 cây đã được công nhận Cây Di sản. Hầu hết, những cây pơ mu này có tuổi thọ từ 300 – 1.000 năm tuổi, cây có tuổi thọ cao nhất được các nhà khoa học xác định 1.328 năm. Không chỉ có mỗi cây pơ mu mà còn có cây rồng, cây ngũ hổ, cây bạch tuộc, cây hang Alibaba; cây gấu voi, cây dỗi đá… Ngoài ra, theo số liệu điều tra mới nhất, rừng pơ mu còn là một khu vực có tính đa dạng sinh học cao với 495 loài thực vật, 40 loài thú, 137 loài chim, 50 loài bò sát, 44 loài lưỡng cư và 120 loài côn trùng. Trong đó, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và danh mục IUCN. Hiện rừng pơ mu được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt và gần như còn nguyên vẹn, không bị phá vỡ. Đây được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

 

                          Cây pơ mu  có tuổi thọ từ 300 - 1.000 năm tuổi

 

     Với cộng đồng người Cơ Tu, những cây rừng cổ thụ là nơi trú ngụ của thần linh. Những cây rừng to lớn trở thành biểu tượng cho sự khỏe mạnh, cường tráng, dẻo dai của những người con sống giữa đại ngàn. Cây pơ mu cũng không nằm ngoài tín ngưỡng đó và được coi là cây thiêng, nên mỗi lần dân làng muốn chặt hạ một cây pơ mu thì phải cúng tế, xin phép thần linh rồi mới được phép chặt. Từ khi phát hiện cánh rừng, dân làng họp nhau, bàn bạc đi đến thống nhất sẽ cùng chính quyền bảo vệ đến cùng những gốc cây pơ mu quý giá. Dân làng huy động mọi người cùng mở đường mòn, đến từng gốc cây pơ mu để việc tuần tra, bảo vệ được thuận tiện. Mỗi cây pơ mu được đánh số, xác định toạ độ và lập hồ sơ lý lịch cho cây để theo dõi, bảo vệ. Mô hình đồng quản lý rừng pơ mu Tây Giang đã khẳng định quyền sở hữu và sử dụng tài nguyên rừng của cộng đồng, qua đó góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, cũng như đảm bảo an ninh, sinh kế địa phương. Đây là những nét đặc sắc nhất của mô hình đồng quản lý rừng pơ mu Tây Giang.

     Đặc biệt, năm 2017 huyện Tây Giang cũng đã phát hiện được quần thể cây đỗ quyên cổ trên địa bàn xã Lăng và Tr’hy với diện tích trên 251 ha/174.690 cây. Ngay sau đó, huyện đã lập các thủ tục và được công nhận 435 cây đỗ quyên là Cây Di sản Việt Nam. Qua đó, huyện cũng đã tổ chức quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt theo mô hình nhà nước và cộng đồng cùng quản lý.  Qua 2 lần lập hồ sơ và đề xuất huyện Tây Giang trở thành huyện có số lượng Cây Di sản lớn nhất Việt Nam với 1.587 cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong đó: 1.146 cây pơ mu, 435 cây đỗ quyên, 5 cây đa sộp và 1 cây dỗi.

     Nhờ bảo tồn tốt tài nguyên rừng, hiện nay Tây Giang đang phát triển mạnh các cây dược liệu dưới tán rừng như: Diện tích cây táo mèo hiện đạt 127.906 cây/58 ha, đảng sâm là 272,66 ha, ba kích 245,56 ha, thảo quả 10 ha, tre điền trúc 31 ha, sả chanh 34,35 ha, gừng 26 ha. Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư phát triển bảo tồn 1 vườn ba kích với diện tích 25 ha. Về sản lượng khai thác, cây Đảng sâm thu hoạch đạt 7 tạ/ha/năm, bình quân 1 năm người dân thu hoạch được 50 ha; cây táo mèo đạt 5 tạ/ha/năm, diện tích thu hoạch khoảng 20 ha, đem lại thu nhập và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

 

Tuyên truyền cho hội viên sử dụng gói thực phẩm bằng lá chuối, lá dong thay thế túi ni lông

 

     Từ thành công của mô hình cộng đồng đồng quản lý rừng cùng với nhu cầu tham quan của du khách tăng cao, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của huyện Tây Giang ngày càng phát triển; hiện nay huyện đã quy hoạch 18 khu dân cư theo hướng du lịch cộng đồng dựa vào tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và văn hóa làng Cơ Tu. Theo thống kê của huyện Tây Giang, những năm qua, số lượng du khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện bắt đầu tăng mạnh, trong đó có cả khách nước ngoài. Qua mỗi năm, trung bình gần 7.000 du khách ghé thăm. Riêng sáu tháng đầu năm 2019, số lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện khoảng hơn 7.600 khách. Đây thực sự là những con số ấn tượng, mở ra cơ hội giúp Tây Giang đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch trong tương lai, tạo nguồn thu cho đồng bào miền núi. Bên cạnh đó, để các cơ sở hạ tầng được thuận lợi để phát triển du lịch, huyện Tây Giang còn huy động các nguồn lực mở 7 km đường đi vào khu rừng pơ mu và đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nghỉ chân, lưu trú tại làng sinh thái Pơ mu. Song song với đó, các điểm dừng chân Aliêng và Azứt (xã Bhalêê); Làng du lịch cộng đồng Tàlàng (xã Bhalêê) cũng được hình thành, đón du khách.

     Nhiều mô hình BVMT được triển khai có hiệu quả

     Nhận thức được tầm quan trọng của rác thải nhựa trong vấn đề BVMT, UBND huyện Tây Giang đã ban hành Kế hoạch số 51-KH-UBND ngày 6/6/2019 về thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn huyện. Qua đó, Hội Phụ nữ Cơ Tu, huyện Tây Giang tổ chức lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm nhựa, tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái, quản lý tổng hợp chất thải trong đó có chất thải nhựa, tiến tới thay đổi từ nhận thức đến hành động trong chống rác thải nhựa phù hợp tại cơ quan, đơn vị và cộng đồng.

     Thông qua Lễ phát động, các chị em phụ nữ Cơ Tu của huyện kêu gọi cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị gương mẫu hạn chế sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần, tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, bạn bè cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”. Đồng thời không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (ống hút, chai nước suối, hộp cơm, bát, đĩa, cốc thìa…) trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị; sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ hoặc bình/chai nước uống dùng nhiều lần khi hội họp, tiếp khách… Song song với hoạt động tuyên truyền, các chị em phụ nữ Cơ Tu của huyện chủ động và kêu gọi xây dựng mô hình BVMT, hạn chế sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong đó, tại xã Lăng với mô hình trồng lá dong, xã Dang trồng lá lớ, chuối rừng; xã A Vương mô hình đan các túi, giỏ bằng mây tre..., và nhân rộng các mô hình trên địa bàn.

     Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Tây Giang đã phát động động phong trào “Toàn dân bảo đảm vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư”. Đến nay, trên 80% hộ đã xây hố rác gia đình. Hàng ngày, vào cuối mỗi buổi chiều, các hộ gia đình quét dọn đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, thu gom rác thải đưa vào thùng chứa để xử lý. Các gia đình ngày càng tích cực tình nguyện tham gia dọn đường giao thông nông thôn, khơi thông kênh mương, cống rãnh, thủy lợi nội đồng… tạo môi trường nông thôn sạch sẽ. Nhiều mô hình BVMT nông thôn đang hoạt động có hiệu quả như: Mô hình thu gom rác thải sinh hoạt tại gia đình, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm có chuồng trại, trồng rau sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

     Trong những năm qua, Tây Giang đã trở thành một điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ rừng. Tây Giang đã có tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững, thể hiện rõ nhất là những hành động kịp thời và mạnh mẽ của địa phương trong lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan môi trường, giữ gìn truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc.

 

Trần Thị Thành

Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn