Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Cần chung tay bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà

26/07/2016

     Năm 2016, voọc chà vá chân nâu được cộng đồng đề xuất chọn trở thành biểu tượng đa dạng sinh học của TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, tại bán đảo Sơn Trà - nơi sinh sống của 300 cá thể voọc, đã xảy ra 2 vụ chặt phá rừng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống, cũng như đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ, bảo tồn voọc chà vá chân nâu - báu vật của Sơn Trà.

   Rừng Sơn Trà bị xâm hại

     Khu bảo tồn Sơn Trà được thành lập năm 1989 trên cơ sở chuyển đổi khu rừng cấm bán đảo Sơn Trà. Năm 2014, Khu bảo tồn Sơn Trà được phê duyệt chuyển tiếp khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh và phân cấp cho thành phố quản lý đến năm 2030 với tổng diện tích quy hoạch là 3.871 ha. Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà được ví như viên ngọc quý của Đà Nẵng bởi hệ động, thực vật phong phú và đa dạng. Tổng số các loài thực vật được ghi nhận là 22 loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó voọc chà vá chân nâu là loài quý hiếm, đặc hữu Đông Dương có tính nguy cấp và đang được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 và Nghị định số 160/2013/ NĐ-CP ngày 12/11/2013.

 

 

     Thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm 2016, tại KBTTN Sơn Trà đã xảy ra 2 vụ chặt phá rừng, làm mất đi nơi cư trú các loài động vật. Cụ thể, tháng 2/2016, thông qua phản ánh của người dân, lực lượng chức năng đã phát hiện tại Tiểu khu 62 (thuộc khu vực suối Đá Đen, bán đảo Sơn Trà) có một mảng rừng trải dài gần 400 m bị phát trọc, nhiều cây cối bị chặt hạ. Bên cạnh đó, một con đường đất rộng khoảng 2 m đã bị đào để làm đường xuống lán trại gần bờ biển tại khu vực, diện tích dựng lán trại rộng gần 50 m2. Khu rừng này có tổng diện tích 7 ha, do Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn giao khoán trồng rừng và cây ăn quả cho ông Nguyễn Văn Tâm (trú phường Thọ Quang) hơn 15 năm nay. Sau đó, ông Tâm ủy quyền sử dụng đất cho 3 người khác cùng phường Thọ Quang. Sau khi bị phát giác, nhiều cơ quan ban, ngành và lãnh đạo TP đã vào cuộc, hai cán bộ chủ chốt của Hạt Kiểm lâm Sơn Trà bị cách chức.

     Vụ phá rừng Sơn Trà đầu tháng 2 chưa lắng, thì cơ quan chức năng lại tiếp tục phát hiện thêm vụ phá rừng nghiêm trọng vừa xảy ra vào tháng 6/2016 tại Tiểu khu 63 rừng Sơn Trà. Qua kiểm tra phát hiện tổng số có 16 cây gỗ rừng tự nhiên bị khai thác với đường kính gốc từ 15-143 cm, khối lượng khoảng 63,4 m3, thuộc gỗ thông thường nhóm V, VI, VII gồm các loại chò, nhội, dẻ, sồi, lim xẹt, lòng mang. Quá trình xác minh, ông Phạm Trường Mai (trú tổ 51, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) thừa nhận khai thác số gỗ nêu trên. Từ tài liệu, chứng cứ thu thập được, lãnh đạo Sở NN&PTNT khẳng định, ông Phạm Trường Mai đã có hành vi lấy lâm sản trong rừng không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Hiện Thanh tra TP. Đà Nẵng đã chính thức công bố quyết định thanh tra toàn diện các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ở Bán đảo Sơn Trà.

     Sự kêu cứu của loài voọc

     Voọc chà vá chân nâu phân bố chủ yếu ở tầng tán, tầng ưu thế và đôi khi xuất hiện ở tầng cây bụi. Do vậy, việc chặt phá cây rừng ở các khu vực có phân bố voọc đều tác động nghiêm trọng đến chúng. Về môi trường sống, khi chặt phá rừng, phạm vi phân bố của loài voọc bị thu hẹp, cùng với nguồn thức ăn cạn kiệt, làm tăng sự cạnh tranh về nhu cầu ăn, ở giữa các loài và nội loài. Cùng với đó là việc chia cắt sinh cảnh sống của loài voọc do các hoạt động phát triển ở phía Bãi Bắc và Bãi Nam bán đảo Sơn Trà. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tuyệt chủng trong tương lai do giao phối cận loài và các yếu tố tác động khác.

     Voọc chà vá chân nâu là loài linh trưởng đặc hữu của Đông Dương. Với bộ lông đặc trưng 5 màu nổi bật, loài vật này được gọi là voọc ngũ sắc và tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Trên thế giới, voọc là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao khi chỉ còn dưới 2.000 cá thể, trong đó Việt Nam chiếm 50%. Ở Việt Nam, voọc chà vá chân nâu sinh sống trong các khu rừng nguyên sinh từ Nghệ An đến Kon Tum. Thức ăn chính là lá của các loài thực vật: đa, chò, dẻ, trâm trắng… Do đó, việc xây dựng các khu du lịch và mở đường giao thông trong KBTTN đang làm cô lập chúng với chuỗi thức ăn theo tập tính.

     Bảo vệ báu vật Sơn Trà

     Ngay sau khi sự việc xảy ra vào tháng 2/2016, Sở TN&MT đã có kiến nghị khẩn cấp thực thi các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã và đảm bảo đa dạng sinh học tại KBTTN Sơn Trà. Theo đó, để ngăn chặn các hành vi tác động trực tiếp, nghiêm trọng đến môi trường sống của loài voọc và đảm bảo tính đa dạng ở bán đảo Sơn Trà, UBND TP giao Sở NN&PTNN chỉ đạo các đơn vị có liên quan xác định diện tích, phạm vi, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, công bố, cắm mốc và có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với KBTTN bán đảo Sơn Trà. Đối với vùng đệm KBTTN, các đơn vị chức năng cần tăng cường lực lượng tuần tra, ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng trái phép, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý, nhằm đảm bảo an toàn cho sinh vật.

     Năm 2016, Sở TN&MT đề xuất xây dựng hình ảnh cá thể voọc chà vá chân nâu là biểu tượng đa dạng sinh học của TP. Đà Nẵng, trong lộ trình xây dựng thành phố môi trường. Đây là điều kiện để thu hút sự quan tâm phát triển du lịch, cơ hội quảng bá cộng đồng về tính nguy cấp cũng như tăng cường giáo dục cộng đồng bảo vệ sinh vật đặc biệt ở Đà Nẵng.

     Sở TN&MT đề nghị UBND TP không cho phép các dự án phát triển trên khu vực phía Tây bán đảo Sơn Trà (trừ khu vực Tiên Sa đến hồ Sâu). Các hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ sinh thái gắn với sinh kế cộng đồng nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của cá thể voọc. Định hướng phát triển ở khu vực này trong tương lai cần chú trọng các loại hình du lịch sinh thái, phát triển các mô hình đồng quản lý có sự tham gia của nhiều bên, tăng cường giám sát đa dạng sinh học.

 

Tạ Kiều Anh

Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016)

Ý kiến của bạn