Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Cần đẩy lùi tiến tới ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã qua mạng internet

27/06/2016

     Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tối ngày 22/6/2016 cho biết, trong vài năm trở lại đây, hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) quý, hiếm trên internet đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.

     Trên các trang mạng xã hội, website, diễn đàn, nhiều loài ĐVHD từ sóc, nhím, trăn, rắn, kỳ đà, cá sấu, chuột đến những loài nguy cấp, quý, hiếm như hổ, cu li, rái cá… được rao bán ngày càng thường xuyên và công khai, thậm chí kèm theo đầy đủ thông tin của người bán.

     Trước thực trạng đáng báo động trên, từ năm 2008, ENV đã kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và cả cộng đồng tố giác tội phạm buôn bán ĐVHD thông qua đường dây nóng miễn phí 1800-1522 và qua các chiến dịch loại bỏ vi phạm về ĐVHD dã trên internet. Nhờ đó, tính đến tháng 6/2016, ENV đã hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý thành công 1.130/1.551 vụ vi phạm về buôn bán ĐVHD trái phép trực tuyến, gỡ bỏ nhiều đường link vi phạm cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng tịch thu nhiều cá thể ĐVHD còn sống. Cũng từ những thông tin được ENV chuyển giao cho cơ quan chức năng, nhiều đối tượng “sừng sỏ” về buôn bán ĐVHD đã sa lưới pháp luật.

 

Rao bán sản phẩm động vật hoang dã qua mạng Internet. (Ảnh: ENV cung cấp)

 

     Tháng 12/2015,  Lê Đức Minh ở Hà Nội đã bị cơ quan chức năng tuyên phạt 27 tháng tù giam, do hành vi rao bán 3 cá thể cu li trên mạng. Tháng 5/2016, sau khi nhân được thông tin về một đối tượng giao bán cá thể mèo rừng trên mạng, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt quả tang đối tượng Phạm Minh Hưng khi đang thực hiện hành vi buôn bán. Sau khi vụ án được xử lý, cá thể mèo rừng đã được thả về môi trường tự nhiên và đối tượng Hưng bị xử phạt 20 triệu đồng.
     Gần đây nhất, chiều 21/6/2016, Tòa án Nhân dân quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt đối tượng Phan Huỳnh Anh Khoa (sinh năm 1993, cư trú tại quận Gò Vấp) 5 năm tù giam và phạt bổ sung 50 triệu đồng do hành vi buôn bán trái phép ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm.

     Chia sẻ về việc tố giác tội phạm vi phạm buôn bán trái phép ĐVHD thông qua mạng Internet, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho rằng, đây là một loại tội phạm mới và rất nguy hiểm, cần ngăn chặn. Tuy nhiên, do bản chất mạng internet là một môi trường ảo, các đối tượng lại thường xuyên thay đổi tài khoản, thông tin đăng tải cũng có thể thay đổi, vì vậy việc xác định đối tượng và thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Với tốc độ lan truyền chóng mặt của internet, những thông tin rao bán các cá thể ĐVHD lại càng dễ đến với những người có nhu cầu. Vì vậy, vai trò của cộng đồng là rất quan trọng trong việc đẩy lùi loại tội phạm này.

 

An Vi

 

     Quy định xử phạt đối với hành vi quảng cáo kinh doanh ĐVHD:

     Theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 15 Nghị định 157/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 40/2015/NĐ-CP), hành vi quảng cáo, kinh doanh về động vật rừng trái quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.

     Đối với loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP; Loài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, do là mặt hàng cấm kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) nên việc quảng cáo các loài này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70 - 100 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 50, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP.

 

Ý kiến của bạn