Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Cấm khai thác cua đá ở đảo Cù Lao Chàm

09/03/2017

     Vừa qua, chính quyền xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, Quảng Nam đã phối hợp với Ban Quản lí khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm triển khai đề án với nội dung cấm khai thác cua đá ở Hòn Dài đến tháng 9/2019 nhằm mục đích tạo điều kiện sinh sôi, phát triển cho cua đá.

 

 Cua đá ở Hòn Dài sẽ bị cấm khai thác đến thời điểm tháng 9/2019 (Ảnh: Nam Dương)

 

     Trước sự khai thác hủy diệt loài cua đá, từ năm 2010, địa phương đã thực hiện đề án “Bảo vệ và khai thác bền vững cua đá” nhằm mục đích ngăn chặn việc khai thác trái phép. Để thực hiện hiệu quả đề án trên, những cán bộ môi trường và Hội Nông dân của xã đã thành lập Tổ bảo vệ và khai thác cua đá. Tổ chức gồm 38 thành viên, chịu trách nhiệm quản lí việc khai thác bền vững cua đá với những quy định chặt chẽ như: Các thành viên chỉ được khai thác cua đá sau mùa sinh sản (mùa sinh sản của cua đá kéo dài từ tháng 8 đến hết tháng 3 năm sau); Cua đá muốn khai thác phải đảm bảo đủ kích thước (chiều ngang lớn hơn hoặc bằng 7cm); mỗi người chỉ khai thác tối đa 2kg cua/ ngày; cua đá sau khi khai thác phải được đưa đến khu bảo tồn để dán nhãn sinh thái, nếu không có nhãn, cua đá xuất hiện trên thị trường sẽ bị thu hồi và trả về biển… Nếu vi phạm một trong những qui định trên, người khai thác cua đá sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng. Việc dán nhãn sinh thái cho cua đá trước khi xuất bán ra thị trường thể hiện sự cố gắng rất lớn của cộng đồng trong việc khai thác bền vững và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

     Cua đá là loài sinh vật quý hiếm trên đảo, có giá trị về mặt kinh tế cao nên việc bảo vệ, khai thác cua đá đúng cách sẽ góp phần phát triển bền vững hệ sinh thái cua đá. Mô hình quản lí hiệu quả về việc khai thác hợp lí cua đá trong những năm gần đây đã giúp bảo vệ được hơn 75% số lượng cua đá, qua đó cải thiện cuộc sống người dân.

 

Hoàng Tố Uyên

Ý kiến của bạn