Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại Quảng Ninh

26/12/2016

   Quảng Ninh có bờ biển dài hơn 250 km nên diện tích rừng ngập mặn (RNM) khá lớn, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn. RNM của Quảng Ninh giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ đê điều, đồng thời là nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản, phục vụ đời sống của người dân.

Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh tổ chức trồng rừng ngập mặn tại vịnh Hạ Long

   Theo thống kê của Sở NN&PTNT, diện tích đất bãi ngập mặn toàn tỉnh khoảng 36.037 ha, trong đó diện tích đất có RNM hơn 21.140 ha, còn lại là đất bãi ngập mặn không có rừng. Loài cây trong RNM chủ yếu là mắm, sú, vẹt biển với chiều cao trung bình dưới 1m, nên khả năng chắn sóng khi có bão còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều diện tích RNM của tỉnh đang bị suy giảm đáng kể do người dân lấn đất để nuôi trồng thủy sản cùng với quá trình mở rộng các khu đô thị mới và nạn chặt phá cây ngập mặn để lấy củi đốt...

   Nhận thức được tầm quan trọng của RNM, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ và khôi phục RNM. Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2015, tỉnh đã triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện trồng mới được hơn 1.700 ha với tổng kinh phí hơn 22,4 tỷ đồng. Cùng với đó, các Tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… cũng tích cực hỗ trợ, giúp đỡ Quảng Ninh triển khai các dự án trồng RNM. Điển hình như Dự án trồng RNM - phòng ngừa thảm họa do Hội chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam thực hiện với nguồn tài trợ của Hội CTĐ Nhật Bản thông qua Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Dự án được thực hiện tại 10 tỉnh, TP trong nước có RNM, trong đó có Quảng Ninh. Tại Quảng Ninh, Dự án được triển khai từ năm 1997 đến nay, kết quả đã trồng được 1.670 ha RNM, nâng diện tích trồng mới RNM toàn tỉnh lên gần 2.400 ha. Cùng với đó, Dự án còn tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc trồng RNM.

   Ngoài ra, tỉnh đang triển khai 3 dự án bằng kinh phí của chương trình hỗ trợ, ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) gồm: Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn tại thôn 1, xã Hải Đông (TP. Móng Cái), tổng kinh phí 27 tỷ đồng; Dự án nâng cấp đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn) và trồng RNM, kinh phí 18 tỷ đồng; Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, tổng mức đầu tư 92 tỷ đồng. Bên cạnh việc thực hiện các Dự án trồng mới RNM, tỉnh còn tăng cường bảo vệ các diện tích RNM hiện có. Nhờ bảo vệ tốt RNM nên hệ thống đê điều của địa phương được đảm bảo an toàn, hệ sinh thái ven biển hồi sinh và phát triển nhiều loài thủy sản như tôm, cua, cá, ghẹ… Tuy nhiên, trong quá trình trồng mới RNM, tỉnh gặp không ít khó khăn như lượng chất thải rắn, nước thải của các mỏ than đang khai thác chưa được xử lý thải trực tiếp ra biển làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái; kinh phí cho việc quản lý và bảo vệ RNM còn thiếu; môi trường sống của RNM bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật cải tạo các đầm nuôi thủy sản; chưa có cơ chế chính sách khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển RNM...

   Trong thời gian tới, để tăng cường bảo vệ và phát triển RNM, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015-2020. Theo đó, các giải pháp thực hiện gồm: Quy hoạch bảo vệ và phát triển RNM ven biển gắn với quy hoạch sử dụng đất đai đến năm 2020, bảo đảm ổn định lâu dài, xác định rõ trên bản đồ và ngoài thực địa; Quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất RNM ven biển sang mục đích khác; Xây dựng chính sách đầu tư và cơ chế hưởng lợi đối với RNM ven biển, nhằm khuyến khích mọi thành phần trong xã hội tham gia bảo vệ và phát triển RNM ven biển; Đẩy mạnh việc giao, khoán bảo vệ rừng cho các thành phần kinh tế, cộng đồng và các hộ gia đình để bảo vệ và phát triển rừng; Khuyến khích phát triển du lịch sinh thái; Xác định loài cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trồng rừng, phục hồi rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và các giải pháp chống xói lở cửa sông, ven biển; Xây dựng hệ thống giám sát và định lượng các bon, dịch vụ hệ sinh thái rừng ven biển nhằm huy động nguồn thu phục vụ cho quản lý rừng bền vững; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong nhân dân về vai trò, chức năng của RNM ven biển cũng như trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển rừng; Tổ chức quản lý, bảo vệ rừng ven biển theo các quy định hiện hànhn

                Phạm Hà

Ý kiến của bạn