Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bảo tồn và sử dụng bền vững rừng cây pơ mu di sản tại Quảng Nam

20/07/2016

   Rừng cây pơ mu nguyên sinh nằm trên đỉnh núi Zi’liêng, có tổng diện tích khoảng 450 ha (thuộc địa bàn 2 xã A Xan và Tr’hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam), được người dân tộc Cơ Tu phát hiện, bảo vệ và gìn giữ từ nhiều đời nay. Khu rừng có 1.200 cây pơ mu, trong đó có 725 cây có tuổi thọ trên 1.000 năm tuổi được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây được xem là khu rừng nguyên sinh có quần thể cây pơ mu nhiều nhất tại Việt Nam.

Rừng cây pơ mu cổ thụ được chính quyền địa phương và đồng bào Cơ Tu quyết tâm gìn giữ, bảo vệ

   Pơ mu là một chi trong họ cây hoàng đàn, sinh sống chủ yếu ở độ cao gần 1.500 m so với mực nước biển. Trung bình, cây pơ mu cao từ 30 - 50 m, thân thẳng đứng, vỏ màu ánh nâu xám, lá hình vảy, có 2 dạng: Lá dinh dưỡng và lá sinh sản. Lá dinh dưỡng có hai bên xòe rộng hình mũi mác, lá sinh sản nhỏ dạng vảy gần như xếp lớp, mọc đối xứng từng đôi, lá vảy giữa có đầu mũi lồi, lá vảy hai bên đầu mũi tù hoặc nhọn. Mặt trên lá có màu xanh lục, mặt dưới có phấn trắng bạc. Pơ mu ra hoa vào tháng 3-4. Hoa có nón đực mọc ở nách lá, hình trứng hay hình bầu dục dài 1 cm, nón cái mọc ở đầu cành, ngắn. Quả chín vào giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 và tách ra làm nhiều vảy quả. Khi quả chín màu vỏ quả chuyển từ màu xanh vàng sang màu nâu sẫm, chứa các hạt dài khoảng 4 mm. Tại Việt Nam, pơ mu là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt phá hoại. Vì thế, gỗ pơ mu được dùng để làm các đồ mỹ thuật, gia dụng. Hiện nay, pơ mu được xếp vào loài nguy cấp và nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 1996.

   Với phương trâm “gắn việc bảo vệ rừng với văn hóa làng, văn hóa giữ rừng”, chính quyền huyện Tây Giang, lực lượng kiểm lâm, biên phòng đã phối hợp với nhân dân để gìn giữ rừng pơ mu nguyên sinh. Ngoài các chốt trực của lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, huyện Tây Giang còn huy động lực lượng dân quân, người có uy tín của đồng bào bản địa cùng tham gia bảo vệ, tránh để rừng cây pơ mu bị xâm hại.

   Đặc biệt, trước tình trạng lâm tặc liên tục chặt rừng trái phép, chính quyền huyện phải lập thêm tổ bảo vệ rừng gồm 30 người là những thanh niên, già làng đồng bào dân tộc Cơ Tu có uy tín thay phiên nhau tuần tra, canh giữ rừng. Mỗi cây pơ mu được đánh số, gắn chíp định vị để theo dõi, bảo vệ nghiêm ngặt.

   Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng vận động Hội Nông dân, Phụ nữ địa phương tham gia bảo vệ rừng, đưa tiêu chí bảo vệ rừng pơ mu như một trong những chương trình hành động, bình xét danh hiệu thi đua trong năm. Mặt khác, các hộ dân được giao khoán quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng, với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

   Để bảo tồn và phát huy giá trị du lịch sinh thái khu rừng nguyên sinh pơ mu, năm 2016, huyện Tây Giang đã tổ chức chương trình khởi động năm du lịch Tây Giang, với chủ đề “Tiếng gọi đại ngàn”. Tại đây, du khách được trải nghiệm thực tế tại rừng cây pơ mu, tham gia lễ hội với các nghi thức truyền thống của người Cơ Tu như lễ hiến trâu, múa tâng tung - da dá, nói lý - hát lý... Đây là lần đầu tiên huyện tổ chức phát động năm du lịch nhằm quảng bá, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch sinh thái tại địa phương, vinh danh những giá trị độc đáo về cảnh quan môi trường sinh thái, góp phần nâng cao trách nhiệm BVMT, thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái rừng pơ mu.

   Cùng với đó, các hoạt động tại lễ hội cũng góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ, cộng đồng về truyền thống giữ rừng của đồng bào Cơ Tu. Theo truyền thống của người Cơ Tu, những cây to trong rừng, là chỗ trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Việc chặt cây làm nhà phải có sự đồng ý của bản làng và phải làm lễ cúng để xin chặt cây. Người làng khác cũng không được xâm phạm phần đất, phần rừng của nhau theo ranh giới đã quy ước. Nhờ đó, qua hàng trăm năm, khu rừng pơ mu vẫn xanh tươi bóng mát, minh chứng cho công sức gìn giữ của chính quyền và đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Tây Giang.Trong tương lai không xa, khu rừng pơ mu sẽ là điểm đến của những người yêu rừng, quý rừng, xem rừng là sự sống.

   Để bảo vệ rừng cây pơ mu quý hiếm, trong thời gian tới, UBND huyện Tây Giang đã đề ra các giải pháp như: Nghiêm cấm các hành vi chặt phá cây rừng và săn bắn trái phép các động vật hoang dã, gây tổn hại đến hệ sinh thái rừng; Tổ chức lồng ghép công tác bảo vệ rừng vào kế hoạch, chương trình và dự án phát triển có liên quan; Bảo vệ và duy trì, phát triển nguồn gen loài cây pơ mu, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái hài hòa với BVMT; Lựa chọn các loại hình, quy mô du lịch hợp lý, có quy hoạch cụ thể trong xây dựng chiến lược khai thác du lịch; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về BVMT rừng đối với thế hệ trẻ.

Minh Nguyệt

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn