Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Bảo tồn và phát triển bền vững rừng tràm Trà Sư

06/02/2017

   Với diện tích 845 ha, rừng tràm Trà Sư thuộc 3 xã Văn Giáo, Ô Long Vỹ, Thới Sơn (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), nằm cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 10 km, cách sông Mê Công khoảng 15 km. Đây là hệ sinh thái rừng ngập nước được hình thành do xây dựng hệ thống đê bao phòng hộ đặc dụng của tỉnh An Giang, do chịu ảnh hưởng trực tiếp nước lũ sông Mê Công đổ về hàng năm. Do đó, rừng Trà Sư còn rất trẻ, đa số cây rừng có khoảng 10-15 năm tuổi, là nơi trú ngụ của các loài chim quý hiếm.

Hệ sinh thái ngập nước tại rừng tràm Trà Sư

   Đa dạng sinh học rừng tràm Trà Sư

   Rừng tràm Trà Sư nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan năm 2005. Rừng có 4 kiểu quần thể xã thực vật: Thân gỗ ngập nước chua phèn (cây tràm) chiếm 85% diện tích và phân bố đều khắp khu vực; thân gỗ trên bờ kênh, rạch; thủy sinh trên kênh, rạch; cây thân thảo ngập nước trên đất chua. Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư cũng khá đa dạng với 140 loài, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh. Nổi bật nhất là cây tràm và thảm bèo giăng kín mặt nước. Hệ động vật ở rừng tràm Trà Sư khá phong phú, với 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, có 2 loài chim được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, đó là cò lạo Ấn Độ và cổ rắn (điên điển). Trà Sư còn có 11 loài thú thuộc 4 bộ, 6 họ. Các bộ có số loài nhiều nhất là dơi (15 loài), gặm nhấm (4 loài), trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam. Riêng bò sát, ếch nhái có tới 25 loài, thuộc 2 bộ, 10 họ. Ngoài ra, rừng còn có 140 loài cá, trong đó 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ; 2 loài cá có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, đó là cá còm và cá trê trắng.

   Tiềm năng du lịch sinh thái

   Sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu, những người đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã. Mùa nước nổi là quãng thời gian thích hợp nhất để đến với rừng tràm. Du khách đi thuyền xuyên rừng sẽ được ngắm cánh rừng xanh biếc, với những bông hoa tràm nở trắng tinh khiết trong nắng sớm, hương tràm thoảng đưa nhẹ nhàng. Ẩn trong làn nước trong xanh chứa nhiều loài thủy sinh, những chiếc lá lấm tấm màu tím lạ lẫm; những thân tràm lắt lay bông trắng trong màn nước dập dờn; rừng sen lá xanh thắm, bông đỏ tươi khoe nở; khóm bông điên điển vàng rập rờn như đàn bướm… Vừa ngắm cảnh đẹp, du khách có thể hái các loại rau muống, rau dừa, điên điển…

   Ở rừng tràm Trà Sư, khoảng thời gian ấn tượng nhất là khi ánh nắng bắt đầu nhạt dần, thì cũng là lúc đàn chim bay về tổ. Từng bầy, từng bầy xuất hiện dày đặc khu rừng với sinh hoạt tự nhiên như không hề biết đến sự có mặt của con người. Cò trắng lấp ló sau những cành cong; diệc, cồng cộc mổ nhau chí chóe sau gốc cây tràm; chích, le le chao liệng khắp cánh rừng rồi đáp nhẹ xuống những thân tràm; những chú dơi quạ - có con nặng 3 kg sải cánh dài tới 1 m - móc chân vào cành cây từ trên cao xuống. Mỗi loài một hình dạng và màu sắc khác nhau: trắng, đen, xanh ve chai, lốm đốm, khoang… tạo nên một bức tranh sống động.

   Ngoài những giá trị phong phú về tài nguyên thiên nhiên, rừng tràm Trà Sư còn chứa đựng những yếu tố văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư sống ven rừng, với nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, chưng cất tinh dầu tràm, nuôi ong lấy mật… Đặc biệt, những chiếc lán bên bìa rừng, du khách có thể vừa thưởng thức những món ăn đặc sản tươi ngon của vùng sông nước Nam bộ như cá linh nướng, cá lóc hấp bầu, gà nướng muối ớt, cá lóc rừng cuốn lá sen nướng trui, cua đồng chấm mắm me, bông điên điển bóp giấm… trong không gian gió quê. Tất cả không gian ở đây, từ âm thanh, ánh nắng đến món ăn miệt vườn dân dã đều có những hương vị rất riêng mà không phải nơi nào cũng có được.

   Bảo tồn và phát triển bền vững rừng tràm Trà Sư

   Nhằm bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng, vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Do vậy, bên cạnh việc rà soát quy mô ranh giới, chức năng, nhiệm vụ, ngành chức năng; quy hoạch tổng thể không gian các phân khu chức năng; các nội dung về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư cũng được quy định trong Quy hoạch.

   Theo Quy hoạch, rừng tràm Trà Sư có các phân khu chức năng,gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 441 ha (chiếm 42,0%); Phân khu phục hồi sinh thái 432,3 ha (chiếm 41,2%) và Phân khu dịch vụ hành chính 176,7 ha (chiếm 16,8%). Ngoài ra, tổng diện tích vùng đệm là 1.155,5 ha, bao gồm một phần diện tích của xã Văn Giáo (507,1 ha), xã Vĩnh Trung (293,7 ha) huyện Tịnh Biên và một phần diện tích xã Ô Long Vỹ (354,7 ha) huyện Châu Phú.

   Bên cạnh đó, Quy hoạch đề ra các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế các ấp giáp ranh, đặc biệt, tạo cơ chế để người dân tộc được tham gia vào các chương trình bảo tồn và phát triển khu bảo vệ cảnh quan như: Bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng, sử dụng rừng… Trong đó, có các dự án trồng rừng ở phân khu phục hồi sinh thái và dịch vụ hành chính; đề tài nghiên cứu khoa học về điều tra danh mục thực vật rừng; thành lập trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và du lịch sinh thái.

                Lê Thương

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn