Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Bảo tồn quần thể hệ sinh thái trên núi Nghĩa Lĩnh

10/04/2019

     Cây vạn tuế trước cửa chùa thuộc khu Đền Hạ trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng đã gần 1 nghìn tuổi và là cây cổ thụ “độc nhất vô nhị” được khách tham quan tìm tới chiêm ngưỡng nhiều nhất trong mùa lễ hội Đền Hùng. Đây là một trong số những cá thể thực vật sống được bảo tồn nghiêm ngặt.

     Cây vạn tuế có 3 ngọn già nua, cổ quái. Tính theo dấu của vòng lá (cứ 2 năm, một lớp lá già rụng đi), trên thân thì cây này đã gần 800 năm. Điều thú vị là hiện thân cây còn nhú thêm nhiều chồi non đầy sức sống. Ban Quản lý Di tích Đền Hùng dựng đỡ một trụ bê tông cho thân cây và khuyến cáo khách chiêm bái không làm hại cây để giữ mãi bảo vật hiện diện cùng di tích cổ Đền Hùng. 

     Đây là một trong những thành quả của hàng thập kỷ tỉnh Phú Thọ nỗ lực bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái xanh đặc dụng bao bọc Đền Hùng. Ngoài ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và những giá trị tâm linh của dân tộc Việt, Đền Hùng còn đặc biệt thu hút du khách bởi khu rừng nhiệt đới phong phú, có giá trị đa dạng sinh học. Khu rừng này được xếp loại rừng lịch sử - văn hóa - môi trường trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. 

     Nếu vài năm không quay trở lại Đền Hùng, khách du lịch sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi bước tới ngọn núi linh thiêng này. Toàn bộ khu vực rộng lớn được che phủ bởi thảm cây rừng xanh ngắt. Màu xanh của rừng già bổ trợ cho di tích làm cho di tích Đền Hùng thêm phần trang nghiêm, cổ kính. Kiến trúc cổ, rừng xanh, ít công trình bê tông cộng với mặt bằng các khu tham quan chiêm bái sạch sẽ thoáng mát, khiến Đền Hùng đúng nghĩa là một điểm đến tâm linh thư giãn, thích thú. 

 

Hệ thống cây xanh xung quanh di tích Đền Hùng

 

     Theo quy hoạch, rừng quốc gia Đền Hùng có diện tích 538ha, trong đó có 18,7ha rừng tự nhiên. Rừng có 636 loài thực vật thuộc 429 chi của 144 họ, trong đó, nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ cần được bảo vệ như: Cẩu tích, tuế lược, trầm hương, kim giao, gõ đỏ, sến mật, lát hoa, giáng hương, sưa, chò, trúc, thổ phục linh... và nhiều loại cây lấy gỗ, cây dược liệu, cây cảnh, cây thực phẩm, cây cho tinh dầu... Các loại cây này đều có giá trị kinh tế cao, quý, hiếm và nhiều tuổi, đặc biệt là có giá trị tâm linh gắn với di tích Đền Hùng. 

     Trước đây, điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thay đổi cộng với sự xâm hại của con người đã làm cho khu rừng này thưa hao dần. Tuy nhiên, nỗ lực bảo vệ và giữ gìn đã khiến rừng Đền Hùng tái sinh, ken dày như hiện nay. Bước vào mùa lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều loại thực vật cổ thụ ở đây cũng bước vào mùa nở hoa duy nhất trong năm. Điều này là thuận tự nhiên của khí hậu, thổ nhưỡng, nhưng cũng càng làm cho di tích thêm phần bí ẩn, thú vị và hấp dẫn. Trong hồ sơ bảo vệ di tích, những cây cổ thụ ở Đền Hùng là biểu tượng của văn hóa ngàn năm, sức sống thuận tự nhiên khí hậu của cỏ cây hoa lá, con người đất Việt, biểu tượng của sức sống trường tồn của dân tộc. 

     Ngoài cây vạn tuế, sân chùa còn có cây đại toàn thân rêu mốc nổi u cục ở Đền Hạ trên 500 tuổi, cây thông 400 năm tuổi, cây trám ngã ba Đền Giếng, cây sui Đền Thượng đều mấy trăm năm sống cùng di tích. Các diện tích rừng bổ sung trong vòng 2 thập kỷ qua cũng có nhiều loại cây quý như lim, lát, đa, kim giao... Điều đáng nói là tất cả các cây bị chết già, bị sét đánh hoặc bão gió gãy đổ đều được trồng lại thay thế bằng cây cùng loại. Diện tích rừng tăng dần theo từng năm. 

     Ban Quản lý di tích Đền Hùng đã tạo ra mặt bằng vườn cây lưu niệm Đền Hùng và không ngừng tôn tạo mở rộng để đồng bào các dân tộc tham gia đóng góp trồng các cây quý trong khuôn viên di tích. Hiện, vườn cây đã hình thành xanh tốt với hơn 500 cây mới bổ sung, trong đó, nhiều cây mang nét đặc trưng của các vùng miền do lãnh đạo địa phương các tỉnh, thành mang tới trồng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Với ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, nhớ gốc gác tiên tổ, các tỉnh, thành mang cây đặc trưng của các vùng đến trồng nhằm tạo ra vườn cây cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

     Mang nét văn hóa yêu thiên nhiên, nhớ nguồn cội của người Việt, quần thể hệ sinh thái xanh trên núi Nghĩa Lĩnh xứng đáng là cảnh quan có giá trị chiêm ngưỡng, bảo tồn, gửi gắm và trú ngụ tâm hồn người Việt. 

 

Nguyệt Minh (Nguồn: Báo Biên phòng)

 

Ý kiến của bạn