Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Bảo tồn loài lưỡng cư quý, hiếm trong Vườn quốc gia Hoàng Liên

07/06/2019

     Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên (Sa Pa) có tổng diện tích vùng lõi 29.845 ha, bao gồm một hệ thống núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn (trong đó đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m) và diện tích vùng đệm là 38.724 ha. Do tính chất đa dạng của địa hình và khí hậu, nơi đây có hệ động, thực vật phong phú, mang nhiều nét riêng biệt, đặc biệt là các loài lưỡng cư. Vườn đã được Quỹ Môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam và Hiệp hội các nước Đông Nam Á  công nhận là Vườn Di sản ASEAN năm 2006.

     VQG Hoàng Liên có hệ lưỡng cư đa dạng, phong phú, chiếm khoảng 50% trong tổng số loài lưỡng cư tại Việt Nam. Theo báo cáo của Ban quản lý (BQL) VQG, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 96 loài lưỡng cư thì trong đó tại VQG Hoàng Liên có khoảng 38 loài. Chúng thường sống tập trung tại các khu vực như bản San Sả Hồ, thác Tình Yêu, thung lũng Bãi Sỏi, sân Chim, suối Vàng và phân bố chủ yếu ở độ cao 2.600 - 2.800 m. Tuy nhiên, những năm gần đây, số loài lưỡng cư tại  VQG đang có chiều hướng suy giảm mạnh.

 

Loài cóc mày ở VQG Hoàng Liên đang bị suy giảm do tác động của biến đổi khí hậu

 

     Để có đánh giá về số lượng loài lưỡng cư trong thời điểm hiện tại, năm 2017,  BQL VQG phối hợp với Hội động vật London, Vườn thú Paigton (Anh), Bảo tàng Ôxtrâylia, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á thực hiện hai đợt khảo sát thực địa các loài lưỡng cư sinh sống tại VQG và khu vực núi Kỳ Quan San thuộc khu vực xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), nằm ở phần đầu của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Kết quả khảo sát bước đầu đã xác định, có 20 loài lưỡng cư thuộc 6 họ, phân bố ở độ cao từ 2.100 - 2.700 m, trong đó họ cóc (1 loài); cóc tía (1 loài); cóc mày (11 loài); nhái bén (1 loài); ếch nhái (1 loài); ếch cây (4 loài). Trong số 20 loài có 4 loài ghi nhận ở độ cao 2.700 m, 1 loài ghi nhận ở độ cao 2.400 m và 15 loài ghi nhận ở độ cao 2.100 m. Có 9 loài chưa được xác định tên khoa học cần những phân tích tiếp theo trong thời gian tới và nhiều loài trong số đó chưa được định danh, có khả năng là loài mới cho khoa học và chưa được ghi nhận ở các khu vực khác.

     Trong đợt khảo sát này, nhóm nghiên cứu đã mở rộng khu vực và tập trung vào những yếu tố tác động đến môi trường sống của 2 loài cóc mày, cóc núi. Đây là 2 loài lưỡng cư mới được tìm thấy vào năm 2013, có quần thể thấp, phạm vi phân bố nhỏ, nhưng hiện nay chịu sự tác động của khí hậu cũng như con người đang có dấu hiệu suy giảm. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cũng đã xếp loại 2 loài này ở mức cực kỳ nguy cấp duy nhất sống trên đất liền ở Đông Nam Á, hiện nay đang bị suy giảm số lượng. Năm 2016, số lượng cá thể cóc mày được tìm thấy tại VQG Hoàng Liên mới chỉ có 3 cá thể và cóc núi là 20 cá thể. Năm 2017, tại tuyến đường núi Cát Cát trên đỉnh Phan Xi Păng, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy loài cóc núi ở độ cao 2.600 m. Cũng ở độ cao này, có một loài mới được tìm thấy là ếch bám đá nhỏ, được mô tả bởi mẫu vật thu thập tại xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã thu thập 210 mẫu bệnh phẩm lưỡng cư tại tuyến đường leo núi Trạm Tôn - Phan Xi Păng. Kết quả kiểm tra nhanh các mẫu bệnh phẩm ngoài thực địa cho thấy, một số loài lưỡng cư có dấu hiệu bị bệnh nấm da. Những phân tích tiếp theo trong phòng thí nghiệm sẽ được thực hiện để có kết quả chính xác hơn.

 

Loài Ếch cây sần hiếm gặp ghi nhận tại độ cao 2.200 m đỉnh núi Phan Xi Păng

 

     Các chuyên gia cũng đánh giá, nhiều loài lưỡng cư hiện có tại VQG đang có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do con người tác động tiêu cực vào môi trường sống của hệ lưỡng cư như khai thác cát sỏi phục vụ xây dựng trên độ cao 2.800 m; chặt cây rừng ven suối làm chất đốt; nước thải vệ sinh và rác thải của khách du lịch khi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng; người dân phá rừng trồng hơn 2.000 ha thảo quả trong vùng lõi của VQG; tác động của thủy điện đến hệ sinh thái…

     Trong thời gian tới, BQL VQG Hoàng Liên cần tiếp tục xây dựng chương trình giám sát các loài lưỡng cư quý, hiếm; khoanh vùng, BVMT sinh thái đầu nguồn của hệ lưỡng cư có nguy cơ tuyệt chủng; điều tra hiện trạng, thành phần, đặc điểm phân bố các loài lưỡng cư trên các tuyến của khu vực; nghiên cứu, tổng hợp các đặc điểm sinh học, sinh thái, tập tính của nhiều loài; số lượng phân bố, hiện trạng của các loài lưỡng cư quý hiếm, nguy cấp. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, giám sát, bảo vệ sinh cảnh sống của các loài  lưỡng cư trong khu vực. Thông qua các đợt tuần tra theo tuyến, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã, trái với quy định của pháp luật; kiểm tra, tịch thu, phá dỡ, tiêu hủy bẫy lưới giăng và dụng cụ săn, bẫy, bắt các loài lưỡng cư; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động, thực vật trong VQG; kêu gọi các hộ dân và cộng đồng trong vùng đệm, vùng lõi ký cam kết không đánh bắt, tiêu thụ các loài lưỡng cư.

 

Trần Cừ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn