Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Bảo tồn các loài động, thực vật quý, hiếm và thủy hải sản tự nhiên ở Đồng Tháp

07/10/2019

     Đồng Tháp là một trong những tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long phong phú về đa dạng sinh học (ĐDSH) các vùng đất ngập nước (ĐNN), chủ yếu tập trung ở Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim, Khu du lịch (KDL) sinh thái Gáo Giồng, KDL Xẻo Quýt. Những năm gần đây, phần lớn diện tích ĐNN trong khu vực Đồng Tháp Mười được sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, do đó các khu ĐNN tự nhiên ngày càng thu hẹp, là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nghiêm trọng các quần xã động, thực, vật tiêu biểu và nhiều loài thủy hải sản có giá trị về nguồn gen quý, hiếm của vùng. Để bảo tồn và phát triển ĐDSH, sử dụng bền vững tài nguyên, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh công tác bảo vệ các loài động, thực vật và nhiều loài thủy hải sản tự nhiên trong vùng.

       Trong năm qua, Đồng Tháp đã tăng cường công tác tuyên truyền bảo tồn ĐDSH, được nhân dân trong tỉnh ủng hộ cao. Nhờ thông báo kịp thời của người dân từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó thả về môi trường tự nhiên 296 cá thể chim cò, 25,7 kg rắn các loại. Đồng thời, tỉnh vừa tiếp nhận 4 trường hợp người dân tự nguyện giao nộp ĐVHD, trong đó 1 cá thể cú lợn lưng xám, 1 cá thể giang sen và 1 cá thể rùa răng được giao cho VQG Tràm Chim chăm sóc, thả về môi trường tự nhiên. Tại TP. Sa Đéc, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ cá giống gồm các loài cá bản địa, có giá trị kinh tế như: mè vinh, he vàng, tra, hô, chài, ét mọi, tra bần, bông lau, với số lượng hơn 1 triệu con thả về với thiên nhiên.

     Công tác bảo tồn các loài chim quý hiếm (như sếu đầu đỏ, ngan cánh trắng, già đẫy nhỏ, diệc Sumatra, bồ nông chân xám, giang sen, nhạn ốc và công đất…) đã được triển khai thực hiện tại các khu rừng đặc dụng trong vùng. Trong đó, việc phục hồi quần thể lúa ma, lúa hoang và cỏ bắc làm thức ăn cho các loài chim ở vùng Đồng Tháp Mười được xem là một trong những hoạt động ưu tiên bảo tồn. Đặc biệt, từ khi quần thể thực vật được phục hồi đã thu hút ngày càng nhiều đàn cò ốc bay về KDL sinh thái Gáo Giồng, từ 1-2 nghìn con năm 2014, đến nay đã có gần 100 nghìn cá thể. Hiện KDL Gáo Giồng có 15 loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm, nhiều nhất vẫn là loài cò trắng, cồng cộc và cò ốc,  khiến rừng tràm nơi đây được xem là vườn chim lớn nhất vùng Đồng Tháp Mười. KDL sinh thái Gáo Giồng có tổng diện tích rừng là 1.600 ha, trong đó có 1.200 ha rừng tràm, trong đó rừng tràm sản xuất phối hợp với du lịch sinh thái. Nơi đây có môi trường tốt, trong lành và được Ban quản lý rừng tràm bảo vệ nghiêm ngặt nên cò ốc về vườn rất nhiều vào những tháng mùa nước. Trước đây, các loài cò ốc chỉ bay về để tìm kiếm thức ăn rồi bay đi nhưng hiện nay chúng về đây làm tổ và sinh sống lâu dài. Cò ốc thích nghi tốt với môi trường của KDL do có nhiều cây cỏ, thức ăn, chủ yếu là các loại ốc, cua, ếch, nhái và nhiều loại côn trùng khác. Cò ốc còn giúp tiêu diệt số lượng lớn ốc bươu vàng nguy hại cho rừng tràm Gáo Giồng. Ngoài cò ốc và nhiều loại chim khác về đây trú ngụ, sinh sống với số lượng lên đến hàng triệu con. Do trữ lượng nước các khu vực trong rừng được đảm bảo quanh năm nên các loài thủy hải sản phát triển nhanh.

 

Đôi cò ốc làm tổ tại KDL sinh thái Gáo Giồng

 

     Song song với bảo tồn các loài chim, việc bảo vệ các nguồn lợi thủy sản được tỉnh Đồng Tháp chú trọng. Theo Đề án bảo tồn VQG Tràm Chim giai đoạn 2014 - 2020 đã được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt, trong giai đoạn này, tỉnh đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng để giám sát, nghiên cứu, bảo tồn thành phần các loài thủy sản, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm như cá hô, cá còm, cá cóc, cá sặt rằn, cá dày. Thực hiện Đề án, VQG Tràm Chim đã phối hợp với Trạm thủy sản huyện Tam Nông tiến hành thả hơn 4.800 con cá thát lát còm và 4.400 con cá sặc rằn về với thiên nhiên, nhằm tái tạo nguồn cá quý bản địa trong kế hoạch tổng thể của Vườn về bảo tồn ĐDSH. Đồng thời, Vườn cũng tập trung xây dựng hệ thống vận hành và cơ chế quản lý chế độ ngập nước trong mùa khô để làm cơ sở cho việc quản lý thủy văn vừa đáp ứng đặc điểm ngập nước của từng loại sinh cảnh, vừa phòng cháy rừng tràm và đồng cỏ. Bên cạnh đó, tăng cường bảo tồn và phát triển bền vững các sinh cảnh rừng tràm, đồng cỏ ngập nước theo mùa và sinh cảnh đất ngập nước khác; bảo tồn các loài chim nước quý, hiếm, đặc biệt là loại chim sếu đầu đỏ; giám sát diễn biến các sinh cảnh đất ngập nước và ĐDSH; hệ thống quản lý cơ cở dữ liệu; bảo tồn các giá trị của khu Ramsar đã được công nhận...

     Ngoài ra, trong năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức 14 lớp tập huấn cho 372 người dân và cán bộ xã, phường về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là năm thứ 2 tỉnh Đồng Tháp áp dụng các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, theo đó, các ngành chuyên môn tổ chức nhiều đợt ra quân tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Năm 2018 xử lý 10 trường hợp vi phạm, chủ yếu là sử dụng ngư cụ cấm khai thác, tiến hành tịch thu tang vật và bàn giao chính quyền địa phương xử phạt với số tiền hàng chục triệu đồng. Bên cạnh đó, còn phát hiện 30 trường hợp vi phạm khác nhưng do vi phạm lần đầu nên được đoàn kiểm tra nhắc nhở, cho ký cam kết, không tái phạm. Bên cạnh việc tuần tra, kiểm tra, xử lý, chính quyền địa phương và các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc đánh bắt thủy sản kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

     Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo tồn các loài động, thực, vật và thủy hải sản quý, hiếm, tỉnh Đồng Tháp tăng cường công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo tồn, phát triển ĐDSH và quản lý an toàn sinh học. Đồng thời, ban hành quy định cấm khai thác trái phép trong các giai đoạn cá tự nhiên sinh sản, cấm khai thác tận diệt nguồn thủy sản đầu mùa lũ nhằm bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Cùng với đó, công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát  ĐVHD đã được tỉnh đẩy mạnh, tiến hành thường xuyên theo định kỳ và đột xuất khi cần thiết; phối hợp với cơ quan chức năng quản lý tình hình gây nuôi trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn tình trạng lợi dụng chủ trương khuyến khích gây nuôi để hợp thức hóa ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp, mua bán trái pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức điều tra, thống kê nguồn gen các loài động, thực vật trên địa bàn, đánh giá mức độ đẹ dọa để lập kế hoạch ưu tiên bảo tồn; Phát huy nguồn tri thức tại địa phương, xây dựng mô hình quản lý rừng cộng động, bảo vệ và chia sẻ lợi ích từ rừng; Tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rõ về kế hoạch bảo vệ ĐDSH; Tổ chức thường xuyên các chương trình truyền thông, tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về bảo tồn ĐDSH…

 

Nguyễn Minh Hạnh - Trần Loan

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn