Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Bình Thuận: Nhiều dự án năng lượng sạch

21/04/2017

     Bình Thuận đang trở thành địa chỉ hàng đầu để đầu tư các dự án năng lượng sạch với kinh phí lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

     Ngày 19/4/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận.

     Tại Hội nghị, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc đầu tư với Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG:HOSE) trong việc đầu tư 3 dự án năng lượng sạch ở địa phương này.

 

Thủ tướng dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận

 

     Cụ thể, DLG và các công ty thành viên đăng ký đầu tư 3 dự án năng lượng với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng.

     Trong đó, DLG đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 200 MW tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, diện tích 309,26 ha, tổng vốn đầu tư dự án 6.000 tỷ đồng.

     Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Đức Phú Gia đăng ký đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp Điện Năng Lượng Tái Tạo Đức Phú Gia tại xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, diện tích 131,21 ha, tổng vốn đầu tư dự án 2.800 tỷ VNĐ. Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai đăng ký đầu tư Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 150 MW tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình và xã Thiện Nghiệp, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, diện tích 211,6 ha, tổng vốn đầu tư dự án 5.000 tỷ VNĐ.

     Đó chỉ là 3 trong số hàng loạt dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch ở Bình Thuận trong hội nghị xúc tiến đầu tư lần này.

     Cũng tại Hội nghị, trong số 126.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Bình Thuận, số lượng dự án sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo chiếm áp đảo và có vốn đầu tư dự kiến khoảng 94.150 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại huyện Tuy Phong và Hàm Tân.

     Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ cấu thu hút đầu tư của tỉnh đang chuyển đổi rõ nét theo hướng khuyến khích phát triển năng lượng sạch song hành với các ngành kinh tế mũi nhọn, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước vào năm 2020 với tổng công suất đạt trên 12.000 MW.

     Theo quy hoạch phát triển đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện gió sẽ đạt 2.500 MW. Đối với nhiệt điện và điện mặt trời, công suất ước tính trong thời gian tới lần lượt đạt 10.000 MW và 3.819 MW. Hiện Bình Thuận cũng tích cực đa dạng hóa hình thức sản xuất năng lượng, tính đến nay địa phương này đã có các nhà máy nhiệt điện vận hành bằng than và khí hóa lỏng, thủy điện, phong điện và điện mặt trời.

     Ông Hai nhận định, điều kiện thiên nhiên thuận lợi là yếu tố quan trọng nhất giúp Bình Thuận dẫn đầu trong nhóm các địa phương phát triển toàn diện ngành công nghiệp điện. Cụ thể, nhờ ít mưa, số giờ nắng trong năm luôn ở mức lý tưởng và phần lớn diện tích có cường độ bức xạ nhiệt trung bình khoảng 5 kWh trên mỗi mét vuông mà địa phương có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng mặt trời. Tài nguyên thủy điện dồi dào nhờ sở hữu tổng lượng nước bình quân hàng năm khoảng 5,4 tỷ m3 được tạo bởi 7 lưu vực sông chính và còn thêm 30 hồ lớn.

     Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ cân nhắc việc tăng giá điện gió trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư rót vốn phát triển năng lượng sạch tại Bình Thuận theo chủ trương của Trung ương.

     Thủ tướng Chính phủ chia sẻ: Từ khi quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được ký, giá mua điện tại điểm giao nhận tăng lên 9,35 cent một kWh. Hàng chục nhà đầu tư sau đó đã đến Bình Thuận tìm hiểu cơ hội phát triển điện mặt trời. Đây được xem là tín hiệu lạc quan cho ngành điện nhưng đề nghị doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh lâu dài và bền vững, nói đi đối với làm để tránh tình trạng ký kết rầm rộ nhưng không triển khai.

 

Đinh Hương

Ý kiến của bạn