Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

163 loài mới được phát hiện tại tiểu vùng sông Mê Công mở rộng

03/01/2017

     Mới đây, Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) phát hành báo cáo "Các loài kỳ lạ" công bố 163 loài mới ở khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, nâng tổng số loài mới trong khu vực lên con số 2.409 loài, trong đó nhiều nhất là Việt Nam với 87 loài, Lào và Campuchia mỗi quốc gia 22 loài, Mianma 11 loài. Dơi Murina kontumensis được tìm thấy ở Tây Nguyên (Việt Nam) là một trong những loài đáng chú nhất, với đám lông dày giống cuộn len nằm trên đầu và cánh. 

     Giới khoa học còn mất 10 năm để khẳng định ếch Leptolalax isos của Việt Nam là loài mới. Loài lưỡng cư có chiều dài thân 3 cm này đang bị đe doạ bởi nạn khai thác gỗ, mở rộng đất nông nghiệp và các dự án thuỷ điện. 

Dơi Murina kontumensis (Ảnh: WWF)

     Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng có sức hút lớn với giới bảo tồn bởi độ đa dạng cao và đang chờ phát hiện thêm. Nhà khoa học cũng là những anh hùng thầm lặng đang chạy đua với thời gian để bảo vệ loài mới", ông Jimmy Borah, quản lý Chương trình bảo tồn động, thực vật hoang dã WWF-Greater Mê Công cho biết. Tuy nhiên, khu vực này đang phải chịu áp lực phát triển bởi các hoạt động khai khoáng, mở rộng đường xá, phát triển đập thủy điện… đe doạ sự tồn tại của các cảnh quan - điều tạo nên sự đặc biệt của khu vực. Bên cạnh đó, nạn săn bắt phục vụ nhu cầu của thị trường thịt thú rừng hoặc các đường dây buôn bán trái phép các loài hoang dã trị giá hàng tỷ USD đang tạo áp lực cho các loài động thực vật hoang dã trong khu vực. Nhiều loài có thể biến mất vĩnh viễn trước khi chúng được phát hiện.

     Tại Việt Nam, các loài động vật hoang dã, quý hiếm đang đối diện với nhu cầu tiêu thụ lớn và nạn buôn bán trái phép toàn cầu. Nhiều người sẵn sàng trả hàng nghìn USD để được sở hữu loài hiếm nhất, độc đáo và bị đe doạ tuyệt chủng ở mức độ cao nhất. Do vậy, theo TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam, để bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, Việt Nam cần chấm dứt tình trạng săn bắn trái phép, đóng cửa các thị trường buôn bán trái phép và các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm.

Một số loài nổi bật được miêu tả trong Báo cáo

     1. Rắn có đầu 7 sắc cầu vồng, tên khoa học Parafimbrios lao, được tìm thấy giữa các rặng núi đá vôi dựng đứng ở phía Bắc nước Lào. 

     2. Thằn lằn một sừng Phuket sống trên cây, tên khoa học là Acanthosaura phuketensis, có chiếc sừng mọc trên đầu và dọc sống lưng. Chúng được tìm thấy tại các mảnh rừng bị phân lẻ trên những hòn đảo du lịch nổi tiếng của Phuket, Thái Lan. Loài này đang bị đe doạ bởi môi trường sống bị thu hẹp và nạn buôn bán làm thú cưng.

     3. Loài chuối quý hiếm tên khoa học là Musa nanensis tuy mới được phát hiện tại miền bắc Thái Lan, nhưng đã bị liệt vào danh sách các loài cực kỳ nguy cấp do nạn phá rừng ngày càng gia tăng.

     4. Cá cóc được phát hiện tại tỉnh Chiang Rai, Thái Lan, tên khoa học Tylototriton anguliceps. Loài này có những mảng da màu đỏ và đen, đặc biệt nhạy cảm đối với thuốc trừ sâu do cấu trúc da mỏng.

     5. Thằn lằn được phát hiện tại các vùng núi đá vôi (Lào). Các nhà khoa học tin rằng việc phát hiện ra Gekko bonkowski i sẽ giúp họ hiểu được quá trình tiến hoá của loài thằn lằn tại dãy núi Trường Sơn.

     6. Một loài cây được phát hiện tại Chin Hills, phía Tây Bắc Mianma, có hai cánh hoa bao ngoài (lá đài) giống như đôi tai chuột. Được phát hiện tại đỉnh núi Victoria, Impatiens kingdon-wardii như một lời nhắc nhở rằng đa dạng sinh học của Mianma cần phải được bảo vệ khẩn cấp.

Sơn Tùng (Theo VnExpress)

Ý kiến của bạn