Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch sinh thái Bạc Liêu

04/07/2019

    Bạc Liêu là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với các hệ sinh thái điển hình. Trong thời gian qua, Bạc Liêu tập trung phát triển nhiều mô hình du lịch sinh thái nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

 Vườn chim Bạc Liêu là nơi thu hút khách du lịch tham quan

 

Phát triển nhiều mô hình du lịch sinh thái

    Bạc Liêu có tiềm năng, lợi thế dễ đầu tư, khai thác và phát triển loại hình du lịch sinh thái với bờ biển dài 56 km cùng với 50 di tích lịch sử, văn hóa như Khu du lịch sinh thái (KDLST) Hồ Nam; KDLST Vườn nhãn cổ Bạc Liêu; Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Vườn chim Bạc Liêu… Một số KDLST và KBTTN đều nằm gần trung tâm TP đồng thời cũng gần các khu du lịch tâm linh, thuận tiện cho việc đi lại tham quan và lưu trú như Vườn chim Bạc Liêu (thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, TP. Bạc Liêu), nằm cách trung tâm TP khoảng 4 km, nằm sát khu du lịch Nhà Mát và Quán Âm Phật Đài. Vườn chim này có lịch sử cách đây hơn 100 năm, được hình thành bởi sự bồi tụ tự nhiên từ thảm thực vật ven biển Đông, với tổng diện tích 125 ha. Vườn chim là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn, hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng ĐBSCL, có nhiều động vật hoang dã quý, hiếm. Đến nơi đây tham quan, khám phá, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hơn 100 loài chim, trong đó có 9 lòa được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như bồ nông chân xám, giang sen, điêng điểng, cò quăm đầu đen, cốc đế… Ngoài ra, Vườn còn có 150 loài động vật, 109 loài thực vật tạo nên một quần thể đa dạng sinh học rất độc đáo, nhiều loài cây chà là, cóc, tra, giá, mắm… thích nghi cho các loài chim thuộc nhóm cò, vạc chọn làm nơi xây tổ sinh sản. Bởi thế, Vườn chim Bạc Liêu đã được công nhận là “Khu bảo tồn loài  - Sinh cảnh” vào tháng 10/2014.

    KDLST Hồ Nam được xây dựng vào tháng 11/2011 trên khu đất rộng 15ha. Điểm nhấn của KDLST là những ngôi nhà bằng gỗ thông với bầu không khí trong lành. Ngoài ra, là những điểm tham quan mang phong cách Bạc Liêu như: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cụm nhà Công tử Bạc Liêu, khu Quán âm Phật đài.... Đến đây, du khách sẽ tận hưởng những giây phút thư giãn thoải mái khi tản bộ dưới những tán cây rợp bóng.

    Nằm cách trung tâm TP. Bạc Liêu khoảng 6 km về hướng Nam, KDLST Vườn nhãn cổ Bạc Liêu ngút ngàn xanh tươi có diện tích 230 ha. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, tập hợp một quần thể những cây nhãn cổ có tuổi thọ trên trăm năm tuổi. Khi đến đây, du khách sẽ được thư giãn dưới bóng cây râm mát với những tiếng ca, câu hò đờn ca tài tử, được thưởng thức loại trái cây cũng như món bánh xèo nổi tiếng của vùng đất này.

Xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái đặc thù

    Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Bạc Liêu (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm tỉnh thu hút khoảng hai triệu lượt khách du lịch trở lên; doanh thu từ du lịch - dịch vụ đạt hơn 2.000 tỷ đồng; góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo ra ngày càng nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhân dân. Để thực hiện mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ quy hoạch hai khu bảo tồn quốc gia gồm Khu bảo tồn loài và chim cảnh Vườn chim Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu), Khu bảo tồn loài và chim cảnh ấp Canh Điền (huyện Đông Hải); quy hoạch cấp tỉnh gồm rừng ngập mặn ven biển với diện tích gần 4.500 ha, vườn chim ấp Lập Điền (huyện Đông Hải) với diện tích 21 ha, cụm nhãn cổ Bạc Liêu với diện tích hơn 29.000m2, trong đó có 400 cây nhãn cổ gắn với phát triển mô hình du lịch trải nghiệm …

    Việc khai thác hoạt động du lịch sẽ thực hiện theo nguyên tắc không làm tác động tiêu cực đến tài nguyên ĐDSH. Một số dự án du lịch sinh thái đang được Bạc Liêu mời gọi đầu tư xây dựng như: Khu du lịch sinh thái Cái Cùng (huyện Hòa Bình), ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải); Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim (thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, TP Bạc Liêu), Khu du lịch Giồng Nhãn (thành phố Bạc Liêu)...

    Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khảo sát các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh, nhằm thẩm định lại để đánh giá chất lượng hoạt động theo các tiêu chí: quy mô, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ kèm theo, lượng khách đến, nguồn nhân lực…

    Để du lịch phát triển xứng tầm, UBND tỉnh Bạc Liêu đề ra một số giải pháp: Tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng đa chiều, vừa đa dạng, phong phú về loại hình, sản phẩm, tuyến điểm du lịch, vừa xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn của vùng đất, con người Bạc Liêu. Đồng thời, quan tâm xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch cụ thể, nhằm quảng bá hình ảnh Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài nước; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch, từ trình độ chuyên môn, kỹ năng đến văn hóa ứng xử… góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Bạc Liêu trong giai đoạn mới.

 

Thanh Hương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)

Ý kiến của bạn