Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Ðề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu tại Gia Lai

06/02/2017

   Gia Lai là một tỉnh thuộc Tây Nguyên, với diện tích đất tự nhiên lớn thứ 2 cả nước (1,5 triệu ha) có thế mạnh về phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, hồ tiêu, cao su và nhiều loại cây trồng khác. Trong những năm ngần đây, do sự tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) làm thời tiết trở nên khắc nghiệt, thiên tai xảy ra thường xuyên, giảm năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

   Tác động của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp

   Do đặc điểm mùa khô kéo dài và lượng mưa ít (dưới 1.500 mm/năm) nên tại các khu vực thuộc phía tây tỉnh Gia Lai như Chư Prông, Krông Pa, Đắc Đoa, Chư Păh, Chư Sê luôn trong tình trạng thiếu nước thường xuyên, làm ảnh hưởng đến năng xuất các loại cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp dài ngày khác như lúa, cà phê, hồ tiêu… Riêng cà phê là một trong những cây công nghiệp trọng điểm của tỉnh, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, năm 2014, đã có hơn 5.000 ha cây cà phê thiếu nước tưới do cạn kiệt nguồn nước. Trong đó, khoảng 3.000 ha cây cà phê đang thời kỳ ra hoa rộ bị hạn nặng. Còn tại phía đông của tỉnh, tình trạng nắng nóng cũng làm cho mực nước các công trình thủy lợi, ao, hồ, đập đều ở mức rất thấp, làm tổng diện tích bị thiệt hại của nông dân càng thêm nặng nề, với gần 4.800 ha cây trồng các loại bị chết. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hai huyện Kông Chro, Đắc Pơ, với ước tính thiệt hại do hạn hán ở Gia Lai đã lên tới 15 tỷ đồng.

   Ngoài ra, do tác động của BĐKH cũng làm thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đối với nhóm cây ngắn ngày như: Tăng diện tích trồng sắn, mía (các cây có khả năng chịu hạn) và giảm diện tích lạc, thuốc lá (các cây có nhu cầu nước tưới cao).... Mặt khác, BĐKH cũng làm gia tăng khả năng phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản.

Mô hình canh tác cà phê bền vững tại huyện Chư Pah (Gia Lai) 

   Khí hậu khô nóng làm gia tăng diện tích rừng bị cháy, với diện tích trên 600.000 ha, Gia Lai là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Cháy rừng gây những tác động không nhỏ đến môi trường đất, nước và không khí. Đất không có sự che phủ của tán rừng và lớp thực bì sẽ làm mất đi lớp bảo vệ bề mặt, nguồn cung cấp dinh dưỡng và khi đó đất sẽ bị rửa trôi, xói mòn, sạt lở..., nhanh chóng bị thoái hóa bạc màu. Diện tích rừng bị mất đi dẫn tới khả năng điều tiết nguồn nước bị giảm. Như vậy, khi xảy ra mưa lớn rất dễ xảy ra tình trạng lũ quét khi ở điều kiện địa hình thích hợp, dẫn tới không có khả năng giữ nước và ảnh hưởng tới lượng nước bề mặt và nước ngầm, làm thay đổi đặc điểm thủy văn, gây ô nhiễm nguồn nước ở vùng thấp hơn.

   Đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

   Trên cơ sở đánh giá năng lực thích ứng với BĐKH, tỉnh Gia Lai đã đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững như: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng như vùng nguyên liệu trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

   Bên cạnh đó, nghiên cứu về các giải pháp canh tác tổng hợp cho từng loại cây trồng, trên từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với BĐKH, trước mắt ưu tiên tập trung nghiên cứu canh tác cà phê, hồ tiêu thích ứng với BĐKH. Sử dụng các giống kháng, chịu hạn (cà phê, lúa, ngô...), giống ra hoa nhiều lần (đối với cây điều), bộ giống cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày; bố trí thời vụ thích hợp để tránh hạn, lũ.

   Cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao và giảm diện tích đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả. Đồng thời, chuyển dịch các diện tích cây ngắn ngày theo hướng tăng cường thâm canh cây lúa, nhất là lúa nước, mở rộng diện tích đối với các cây ngắn ngày chịu hạn, hình thành các vùng chuyên canh, chăn nuôi tập trung có sử dụng công nghệ cao để ứng phó với tác động của BĐKH đến sản xuất.

   Đồng thời, tăng cường xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu; trong quá trình canh tác cần thực hiện các biện pháp chống xói mòn, rửa trôi đất và thất thoát phân bón do sử dụng, bón phân không đúng cách, thiếu cân đối, làm giảm độ phì nhiêu của đất.

   Áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm và bón phân qua hệ thống tưới để giảm chi phí đầu tư, góp phần sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, BVMT sinh thái. Bón phân cân đối, hợp lý; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng cũng góp phần thiết thực trong việc giảm thiểu phát thải nhà kính, từ đó làm hạn chế sự tăng nhanh nhiệt độ Trái đất.

   Tăng cường các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực trồng, chế biến nông sản sạch và bền vững; tăng cường công tác xúc tiến thương mại giúp cho nông dân và doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.

   Xây dựng các trạm thời tiết thông minh nhằm cung cấp thông tin về thời tiết nông nghiệp, cảnh báo các bệnh cây trồng, thiên tai... thông qua dịch vụ thông tin nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH.

Nguyễn Thị Minh Hạnh

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn