Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Ðẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững đất nước

13/09/2016

   Trong 5 năm qua, Bộ TN&MT cùng với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện 2 Chương trình Khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia, trong đó có 48 đề tài cấp quốc gia thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” (KHCN-BĐKH/11-15). Nhân dịp Hội nghị tổng kết Chương trình, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với PGS.TS.Trần Hồng Thái - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia; Chánh Văn phòng Chương trình KHCN-BĐKH/11-15 về việc nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN trong thời gian tới.

Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách tài chính nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính trong ứng phó với tác động của BĐKH tại Việt Nam” tổ chức năm 2014 tại Học viện Chính trị Khu vực I

   Xin ông cho biết mục tiêu của“Chương trình KHCN-BĐKH/11-15” đối với sự phát triển bền vững của đất nước?

   PGS.TS.Trần Hồng Thái: Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chỉ tính trong 10 năm (2001-2010), thiên tai đã làm 9.500 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế là 1,5% GDP/năm. Năm 2015, do tác động của hiện tượng El-Nino, nền nhiệt độ tăng khoảng 0,5-10oC so với trung bình nhiều năm và có số ngày nắng nóng kéo dài hơn; Lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam. Trên khu vực biển Đông, bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng lùi dần về phía Nam lãnh thổ nước ta. Đặc biệt, tần suất hoạt động của bão mạnh, siêu bão ngày càng gia tăng với mức độ ảnh hưởng lớn; mùa mưa bão sẽ kết thúc muộn hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, hạn hán, nắng nóng có xu thế tăng lên và không đồng đều giữa các khu vực, nhất là ở Trung bộ và Nam bộ.

   Nhận rõ nguy cơ đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ đã có kế hoạch tổng thể, hành động kịp thời trong ứng phó với BĐKH. Ngày 2/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Theo đó, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ TN&MT chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai “Chương trình KHCN-BĐKH/11-15”. Mục tiêu chính của Chương trình là nghiên cứu cơ sở khoa học nhằm đánh giá xu thế, diễn biến và tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực; tính dễ bị tổn thương do BĐKH; đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước.

   Sau 5 năm triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TN&MT và các bên liên quan, Chương trình KHCN-BĐKH/11-15 đã thu thập được hệ thống các số liệu, cơ sở khoa học, hệ phương pháp nghiên cứu, góp phần đánh giá, dự báo các tác động của BĐKH, nước biển dâng; đưa ra những giải pháp giảm thiểu, thích ứng, ứng phó với BĐKH mang tính liên ngành, liên vùng, đa lĩnh vực (tài nguyên nước, đất đai, khí tượng thủy văn, môi trường, địa chất, y tế, thủy lợi, dân sinh, cơ chế chính sách, các lĩnh vực kinh tế, quy hoạch đô thị, hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH...).

   Trong quá trình thực hiện, 48 đề tài đã hỗ trợ đào tạo 46 tiến sỹ, 98 thạc sỹ, nhiều kỹ sư/cử nhân trong các chuyên ngành liên quan đến BĐKH. Đồng thời, huy động trên 1.000 lượt cán bộ khoa học từ gần 100 tổ chức khoa học công nghệ trong cả nước tham gia nghiên cứu; đã công bố trên các tạp chí và hội nghị 177 bài báo trong nước, 28 bài báo quốc tế. Ngoài ra, có 13 phát hiện mới và 1 sản phẩm được đăng ký bản quyền sở hữu. Nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng được áp dụng thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nghiên cứu nhân rộng trong thời gian tới.

   Kết quả Chương trình đã có ý nghĩa thực tiễn như thế nào nhằm góp phần thực hiện chiến lược chủ động ứng phó với BĐKH, thưa ông?

   PGS.TS.Trần Hồng Thái: Một trong những thành quả quan trọng của Chương trình là đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm và kiến thức cùng các nhà khoa học, các chuyên gia Bộ TN&MT xây dựng và trình Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI phê duyệt Nghị Quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT ngày 3/6/2013. Tiếp theo đó, ngày 23/1/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 8/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Đây chính là những đường lối, định hướng quan trọng nhất đối với các mục tiêu, hoạt động của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH thời gian tới. Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT là nội dung quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành và sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Trên cơ sở những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 24-NQ/TW mà Trung ương đã xác định, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã tổ chức quán triệt và vận dụng một cách có hiệu quả, giảm thiểu đến mức tối đa những tác hại do BĐKH, ô nhiễm môi trường gây nên, tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

   Bên cạnh đó, Chương trình cũng đã xây dựng thành công khung đàm phán của Việt Nam về BĐKH giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050, góp phần thu hút vốn ODA cho hoạt động ứng phó với BĐKH thời gian tới; đồng thời các nghiên cứu thuộc Chương trình đã đề xuất những cơ chế, chính sách cho Bộ Tài chính và Quốc hội trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính đối với BĐKH, góp phần đánh giá, dự báo các tác động của BĐKH, nước biển dâng. Đồng thời, đưa ra những giải pháp giảm thiểu, thích ứng, ứng phó với BĐKH mang tính liên ngành, liên vùng, đa lĩnh vực góp phần quan trọng vào việc xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH.

   Xin ông cho biết, một số giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH được áp dụng trong thực tế?

   PGS. TS. Trần Hồng Thái: Trong quá trình thực hiện, Chương trình KHCN-BĐKH/11-15 đã tuyển chọn và triển khai 48 đề tài. Nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng được áp dụng trong thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nghiên cứu nhân rộng trong thời gian tới.

Mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với BĐKH lần đầu tiên được nghiên cứu ở Việt Nam và có khả năng ứng dụng cao 

   Chương trình đã nghiên cứu và đề xuất trong mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với BĐKH. Đây là mô hình lần đầu tiên ở Việt Nam đã có được cơ sở lý luận, phương pháp và quy trình xây dựng mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với BĐKH phù hợp cho các tỉnh ven biển, các đô thị được thiết kế hướng biển nhưng không bám sát vào biển, khắc phục tình trạng nước biển dâng, sóng thần… Khả năng nhân rộng mô hình này có tính thực tế cao do nước ta có nhiều tỉnh ven biển.

   Một số mô hình được nhân rộng tại các địa phương như mô hình làng sinh thái thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng cho khu vực ĐBSCL với việc lắp ráp, xây dựng thử nghiệm thành công hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho các hộ gia đình ở tỉnh Cà Mau; Mô hình nuôi cá lồng thích ứng với lũ lụt và nước biển dâng ở miền Trung; Mô hình hệ thống tưới tiết kiệm nước để trồng cỏ nuôi bò trong điều kiện khô hạn; Mô hình trồng rau thích ứng với hạn hán tại vùng cát hoang mạc; Mô hình giồng cát tại các tỉnh ven biển thích ứng với BĐKH trong điều kiện gió, bão; Tập bản đồ Atlas khí hậu và BĐKH (95 bản đồ) cung cấp những thông tin cơ bản nhất về khí hậu và BĐKH phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Các nghiên cứu của Chương trình cũng đã chọn tạo được giống lúa thích ứng với BĐKH trong điều kiện chịu hạn (giống LC 93-4 đã được Bộ NN&PTNT công nhận tại Quyết định số 35/QĐ-BNNPTNT); xây dựng bộ quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất cho cây trồng chủ lực tại các vùng đồng bằng dưới ảnh hưởng của BĐKH; mô hình tính toán dự báo thay đổi năng suất cây trồng chủ lực tại đồng ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Các kết quả trên là những nghiên cứu mang tính thực tiễn cao, dễ áp dụng và nhân rộng cần được tiếp tục triển khai trong thực tế.

   Trong thời gian tới, Chương trình KH&CN cấp quốc gia “KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 - 2020” cần tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

   PGS.TS.Trần Hồng Thái: Chương trình KH&CN cấp quốc gia “KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 - 2020”, mã số BĐKH/16-20 là Chương trình do Bộ TN&MT chủ trì thực hiện với mục tiêu: Ứng dụng có hiệu quả công cụ, mô hình tiên tiến trong giám sát BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; Đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của BĐKH và nước biển dâng gây ra tại các vùng trọng điểm (ĐBSCL, ven biển miền Trung và ĐBSH); Cung cấp luận chứng khoa học cho việc đánh giá tiềm năng, giá trị của một số tài nguyên quan trọng trên đất liền và biển, hải đảo; đồng thời đề xuất các định hướng quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia; Làm rõ quan hệ và lượng giá BĐKH - tài nguyên - môi trường - hệ sinh thái, theo đó, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững, quản lý tổng hợp tại một số vùng trọng điểm.

Mô hình trồng rau thích ứng với hạn hán tại vùng cát hoang mạc

   Với mục tiêu như trên, các nhiệm vụ của Chương trình trong thời gian tới cần thúc đẩy và khuyến khích các đề tài mở, mới, có những kết quả, sản phẩm nghiên cứu gắn kết với các chỉ tiêu của Chương trình, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn quản lý nhà nước và hoạt động điều tra cơ bản về TN&MT của các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương; đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tiễn hoạt động của ngành TN&MT; Nâng cao công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và chỉ đạo việc thực hiện các đề tài, đáp ứng được các mục tiêu, nội dung và sản phẩm đầu ra của Chương trình; điều chỉnh, bổ sung nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình nói chung và các đề tài thuộc Chương trình nói riêng nhằm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch, chỉ tiêu đề ra; Tăng cường việc hướng dẫn đánh giá cụ thể và phù hợp đối với kết quả thực hiện của từng đề tài, dự án thuộc Chương trình và tổ chức thực hiện hàng năm để tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình, đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng các chỉ tiêu Chương trình đề ra; phân bổ các đề tài, dự án KH&CN một cách hợp lý và đồng đều giữa mục tiêu và nội dung của Chương trình.

   Nội dung nghiên cứu, phạm vi áp dụng các đề tài, dự án KH&CN, cần cụ thể hóa được các tiêu chí, chỉ tiêu và chất lượng cần phải đạt được của mỗi kết quả, sản phẩm dự kiến; hình thành các dự án, đề tài có tính liên ngành, lĩnh vực để giải quyết các vấn đề lớn trong lĩnh vực TN&MT phục vụ mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ giữa Viện, Trường đại học với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp cũng như các địa phương nhằm huy động tối đa tiềm lực trong nghiên cứu, đào tạo và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu; tạo cầu nối, gắn kết và thúc đẩy cơ chế hợp tác, đặt hàng giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; phát triển hệ thống thông tin, dịch vụ KH&CN; chủ động, tăng cường hội nhập quốc tế về KH&CN trong lĩnh vực TN&MT; Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nghiên cứu, tham gia thực hiện các nội dung của đề tài, dự án; có chính sách động viên, khuyến khích cán bộ có trình độ cao tham gia chủ trì nghiên cứu, thực hiện đề tài kết hợp bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ cán bộ khoa học trẻ.

   Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Tuyên (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)

Ý kiến của bạn