Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030

19/04/2021

     Ngày 2/4/2021, UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 1099/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030.

     Đề án tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các mục tiêu xây dựng thành phố môi trường đã thực hiện trong hơn 10 năm qua; phấn đấu đến năm 2025, thành phố đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với TP. Đà Nẵng... Đồng thời, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường tại các khu dân cư, khu công nghiệp, vùng ven biển và các khu vực cảnh quan tự nhiên; đảm bảo chất lượng môi trường nước, đất, không khí theo quy chuẩn; đặc biệt chú trọng đến các vấn đề khắc phục ô nhiễm không khí do giao thông vận tải, quản lý môi trường công nghiệp, quản lý chất thải nguy hại.

     Đề án cũng đặt mục tiêu khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nguồn nước, rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các quy trình, hệ thống thông minh cho việc quản lý các nguồn tài nguyên và thiên nhiên. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành thói quen, đi sâu vào nếp sống của mọi tổ chức, người dân.

     Theo đó, Đề án gồm 31 tiêu chí chia thành 4 nhóm, tăng 21 tiêu chí so với nội dung đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” được phê duyệt vào năm 2008 và thực hiện hơn 10 năm qua. Cụ thể, nhóm tiêu chí phòng ngừa và kiểm soát có 7 tiêu chí (đến năm 2030 có ít nhất 3 khu công nghiệp sinh thái, 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện trên tổng số xe buýt đang hoạt động trên địa bàn thành phố; tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo đến năm 2030 giảm 5 - 7%...).

    Nhóm tiêu chí cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm có 13 tiêu chí (100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% dân số nông thôn được cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn đến năm 2030 đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn theo quy định đến năm 2030 đạt hơn 97%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%; các điểm nóng ô nhiễm môi trường được cải tạo, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để...).

     Đối với nhóm tiêu chí bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có 4 chỉ tiêu (không chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; giữ vững và khuyến khích việc gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo đảm duy trì diện tích đất được bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học; bảo đảm bố trí diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị đạt 9 m2/người vào năm 2025...).

     Về nhóm tiêu chí tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường có 7 tiêu chí (bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường hơn 3%; tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đạt 100% vào năm 2030, tỷ lệ trường học triển khai phân loại rác tại nguồn đạt 100% vào năm 2025; 100% các phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường của người dân được giải quyết kịp thời...).

     Để thực hiện 31 tiêu chí nói trên, Đề án đề ra 51 nhiệm vụ, dự án, công trình, phi công trình với tổng kinh phí khái toán thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 là 15.546 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 5.436 tỷ đồng, nguồn vốn ODA 3.200 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa 6.910 tỷ đồng.

Phương Linh

Ý kiến của bạn