Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Việt Nam tăng cường thực hiện giảm nhẹ phát thải nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn

02/11/2021

    Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan xuất hiện với tần suất cao thời gian gần đây cho thấy, BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, Việt Nam đang tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, xây dựng cơ chế, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK), bảo vệ tầng ô - dôn, ứng phó với BĐKH.

Các đại biểu tham gia Hội thảo trực tuyến góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn

Đảm bảo các mục tiêu giảm phát thải KNK

    Theo Báo cáo tổng hợp đánh giá về thực trạng BĐKH toàn cầu trong 7 năm qua do Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) công bố, lượng khí CO2 trên thế  giới hiện đang ở mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm qua. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi BĐKH và là quốc gia có tổng lượng phát thải khí nhà kính (CO2) đứng thứ 31 trên thế giới. Nhằm ứng phó với BĐKH, các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khí hậu (COP 21) tại Paris năm 2015 và có hiệu lực năm 2016. Đây là văn bản pháp lý toàn cầu quy định ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, chủ yếu thông qua việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

    Với những nỗ lực thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã hoàn thành NDC và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24/7/2020. Theo NDC cập nhật của Việt Nam, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải KNK so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) quốc gia, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ; mức đóng góp 9% này có thể được tăng lên thành 27% so với BAU quốc gia (tương đương 250,8 triệu tấn CO2tđ) khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và các cơ chế trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về BĐKH. NDC cập nhật của Việt Nam xác định các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2021 - 2030 và các nhiệm vụ chiến lược, giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động của BĐKH gây ra trong tương lai. Việc hoàn thành cập nhật NDC của Việt Nam đã góp phần nâng mức đóng góp của nước ta cho ứng phó với BĐKH toàn cầu.

    Theo Thỏa thuận Paris, Nghị định thư Kyoto mà Việt Nam là thành viên, từ năm 2021, Việt Nam có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm KNK. Việc kiểm kê KNK được tiến hành 2 năm 1 lần  nhằm xác định rõ các nguồn phát thải, mức phát thải hàng năm của mỗi nguồn để có biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định của điều ước quốc tế có liên quan  đến mục tiêu phát triển kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững của quốc gia.

    Giai đoạn trước năm 2021, Việt Nam chưa phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải KNK bắt buộc nhưng đã triển khai các chính sách, hành động giảm nhẹ phát thải KNK và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thực tế cho thấy, các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK của nước ta cũng đã và đang được thực hiện ở các quy mô khác nhau từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở thông qua thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, hoạt động cụ thể. Nhờ đó, công tác quản lý phát thải KNK thông qua kiểm kê KNK đã từng bước được thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Công ước, phát huy hiệu quả các nguồn hỗ trợ của quốc tế. Công tác tổ chức, bộ máy và nhân lực quản lý nhà nước về BĐKH nói chung, về giảm nhẹ phát thải KNK nói riêng cũng đã được tăng cường từ Trung ương đến địa phương.

     Đến nay, thực hiện quy định của COP21 và nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cập nhật NDC trên cơ sở điều kiện phát triển của đất nước. Các Bộ, ngành đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực trong quá trình rà soát và cập nhật NDC, cung cấp các thông tin chính thức nhằm đảm bảo các mục tiêu của NDC cập nhật có tính khả thi, thể hiện nỗ lực cao nhất của Bộ/ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện hiện tại và dự báo đến 2030.

 Tích cực tham gia bảo vệ tầng ô-dôn

    Nhận thức về tầm quan trọng của tầng ô-dôn tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái, từ năm 1994, Chính phủ Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về kiểm soát, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Cùng với nỗ lực chung của các nước, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal, bao gồm: CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl Bromid. Các chất này được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu. Việt Nam đã phê chuẩn các Bản sửa đổi, bổ sung thuộc Nghị định thư Montreal như Bản sửa đổi, bổ sung London, Copenhagen vào năm 1994, Bản sửa đổi, bổ sung Montreal và Bắc Kinh vào năm 2004 và mới đây nhất là Bản sửa đổi, bổ sung Kigali vào năm 2019.

    Kể từ khi tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal đến nay, Việt Nam luôn tích cực, chủ động thực hiện nghĩa vụ của một nước thành viên trong việc góp phần bảo vệ và phục hồi tầng ô-dôn và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cụ thể, Việt Nam đã loại bỏ hoàn toàn các khí gây suy giảm mạnh tầng ô-dôn như: CFC, halon và CTC vào năm 2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 1/10/2015. Theo đó, trong giai đoạn I, từ năm 2012 đến năm 2017, Việt Nam đã thực hiện thành công Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp hoàn thành chuyển đổi công nghệ trong sản xuất xốp cách nhiệt, góp phần loại trừ 1.300 tấn HCFC-141b nguyên chất và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol. Qua đó đã loại trừ được 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC đáp ứng được lộ trình cam kết.

    Tiếp nối giai đoạn II của Dự án (2018- 2025), Việt Nam đã loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC từ năm 2020 và sẽ giảm 67,5 % vào năm 2025 và chấm dứt nhập khẩu HCFC vào 2040. Song song với việc loại trừ sử dụng các chất gây suy giảm tầng ô-dôn, Chính phủ Việt Nam cùng với các đối tác quốc tế luôn cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mới sử dụng các hóa chất thân thiện hơn với môi trường và khí hậu.

    Nhằm thực hiện hiệu quả các yêu cầu của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp Việt Nam về lộ trình loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính bị kiểm soát trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal; hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh, sản xuất xốp chuyển đổi công nghệ không sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; đánh giá hiện trạng rò rỉ chất làm lạnh giúp doanh nghiệp có kế hoạch quản lý không để phát thải các chất làm suy giảm tầng ô-dôn ra môi trường; triển khai hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề của đội ngũ giảng viên tại các trường nghề, kỹ thuật viên tại các cơ sở lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh trong cả nước; tăng cường quản lý xuất nhập khẩu, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính; báo cáo và giám sát lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính ở Việt Nam hàng năm.

Tăng cường xây dựng cơ chế, hoàn thiện hành lang pháp lý

    Để đạt được những kết quả trên, Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều quy định, chính sách quan trọng nhằm ứng phó với BĐKH như: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP ngày 3/12/2007 của Chính phủ); Chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới…; Quyết định số 1633/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT ngày 20/8/2021 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH , tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT…

    Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020, Bộ TN&MT đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định về giảm phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn. Đây là văn bản pháp luật quan trọng để Việt Nam  thực hiện thành công cam kết với cộng đồng quốc tế về việc cắt giảm  lượng phát thải KNK. Đồng thời là cơ sở để triển khai hiệu quả các quy định về ứng phó BĐKH của Luật BVMT năm 2020.

    Dự thảo Nghị định bao gồm 5 Chương, 38 Điều và các phụ lục, quy định chi tiết các Điều 91, Điều 92 và Điều 139 của Luật BVMT năm 2020. Đối tượng áp dụng của Nghị định là cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến hoạt động phát thải KNK, giảm nhẹ phát thải và hấp thụ KNK trong nước; tham gia phát triển thị trường các-bon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Các nội dung chính trong Dự thảo Nghị định, bao gồm: Đối tượng và lộ trình loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam; xây dựng và cập nhật danh mục các cơ sở phải kiểm kê KNK; mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải KNK tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước bảo vệ tầng ô-dôn; các biện pháp thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn… Dự thảo Nghị định sẽ được Chính phủ ban hành trong năm nay để có hiệu lực thi hành cùng với Luật  BVMT từ ngày 1/1/2022.

    Cùng với đó, theo quy định tại Khoản 4, Điều 91 Luật BVMT năm 2020, Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK. Để thực hiện quy định này, hiện Bộ TN&MT đang lấy ý kiến của nhân dân với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK năm 2022. Theo đó, 5 lĩnh vực phải kiểm kê KNK là các ngành: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và Xây dựng.

    Dự thảo cũng quy định, Danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính dự kiến là các cơ sở có mức phát thải KNK hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên. Bên cạnh đó, một số trường hợp khác dự kiến cũng phải thực hiện kiểm kê KNK gồm: Các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu trở lên; các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 trở lên; các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 trở lên...

    Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, đề xuất chưa quy định bắt buộc phải thực hiện kiểm kê KNK đối với các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) do thực tế các cơ sở chăn nuôi chỉ chiếm 5,85% tổng phát thải KNK quốc gia và chủ yếu là hộ gia đình. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn phải có trách nhiệm tham gia kiểm kê KNK quốc gia, lĩnh vực.

    Đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn, ngưỡng xác định các cơ sở phát thải phải kiểm kê KNK sử dụng quy mô xử lý chất thải theo các nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ quản lý lĩnh vực và Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc, có mức phát thải khí nhà kính hằng năm trong khoảng 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, phù hợp và thống nhất với tiêu chí đối với các lĩnh vực khác.

    Việc ban hành Quyết định Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải kiểm kê KNK là hết sức cần thiết và có vai trò quan trọng, nhằm sớm đưa các quy định của Luật BVMT năm 2020 đi vào cuộc sống, bảo đảm các điều kiện tổ chức thi hành Luật có hiệu quả, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong công tác ứng phó với BĐKH.

Vũ Văn Doanh

Trường Đại học TN&MT Hà Nội

Trần Thị Thu Trang

Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)

Ý kiến của bạn