Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

04/05/2021

    Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, đang diễn ra nhanh hơn, gây nhiều hiện tượng biến đổi tự nhiên, khí hậu, thời tiết bất thường, cực đoan, thiên tai với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của BĐKH, gây thiệt hại lớn về người và tài nguyên, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh trong phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Với tinh thần chủ động ứng phó với BĐKH và BVMT, thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, trong thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), HTX là một thành phần kinh tế quan trọng, tích cực thực hiện công tác BVMT, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về thích ứng với biên đổi khí hậu và BVMT

    Kinh tế tập thể (KTTT) với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX (LHHTX), tổ hợp tác (THT)) là thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng và Nhà nước xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV: “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Ngày 12/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 340/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2030 đề ra quan điểm, mục tiêu, định hướng gắn với phát triển KTTT, HTX, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Về quan điểm, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao; đồng thời hoàn thiện mối quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển KTTT với nòng cốt là HTX.

    Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT nêu rõ quan điểm về ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội

    Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm, yêu cầu về ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai có vị trí quan trọng trong các quyết định phát triển; nội dung thích ứng với BĐKH phải được lồng ghép trong các chính sách, hệ thống chiến lược, quy hoạch có liên quan; thích ứng với BĐKH phải gắn với phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội và tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với BĐKH, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và BVMT…

    Thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, về thích ứng với BĐKH và BVMT, trong những năm qua, số lượng HTX đã phát triển mạnh, cả về quy mô và loại hình, nhiều hợp tác xã (HTX) dịch vụ BVMT đã được thành lập, không ít mô hình thí điểm về quản lý và xử lý môi trường đã thành công. Các HTX góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, huy động sức mạnh và ý thức của người dân trong BVMT.

    Thông qua mô hình HTX, phong trào quần chúng tham gia BVMT được đẩy mạnh, công tác xã hội hóa BVMT được hình thành ở nhiều tỉnh, thành phố với nhiều điển hình tiên tiến trong công tác BVMT, các mô hình HTX tự quản về môi trường ở cộng đồng. Các mô hình HTX  tham gia BVMT, bao gồm các lĩnh vực: phân loại rác tại nguồn, chế biến rác thải hữu cơ làm phân vi sinh, tái chế rác thải nilông làm hạt nhựa, xử lý nước thải, khí thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng chất thải xây dựng sản xuất gạch không nung, quản lý nghĩa trang nhân dân gắn với BVMT, xử lý chất thải hữu cơ nhằm tận thu năng lượng khí sinh học, tái sử dụng chất thải trong sản xuất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế hộ và BVMT... góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.

     Như vậy, xem xét ở góc độ trên, mô hình HTX thể hiện vai trò quan trọng trong công tác BVMT với những đặc điểm sau: Là tổ chức cộng đồng làm kinh tế có tính tự chủ cao nhất; huy động và phát huy được tối đa sức mạnh tập thể trong BVMT; gắn kết được số đông người dân từ những thôn, xóm, bản làng, khu vực nông thôn, miền núi.

    KTTT, HTX phát triển không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hoá, xã hội, các hoạt động cộng đồng thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai, BVMT; phát huy sức mạnh thành viên, hộ gia đình vững vàng hơn trước BĐKH, giảm nhẹ thiên tai, tạo tiền đề phát triển sản xuất lớn, tăng thu nhập, ổn định và phát triển bền vững.

Nhân viên HTX Dịch vụ môi trường Thị trấn Tam Sơn (Vĩnh Phúc) thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt

Tình hình phát triển các HTX môi trường

    Tính đến năm 2020, cả nước có 27.266 HTX, trong đó có 553 HTX môi trường, tăng 343 HTX so với năm 2011, trong đó vùng Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Hồng có số lượng HTX môi trường cao nhất cả nước (với 234 HTX và 116 HTX). Tốc độ tăng HTX môi trường bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2020 đạt 12%/năm.

    Tổng số thành viên tham gia HTX hoạt động trong lĩnh vực môi trường là 311.563 thành viên (tăng 218.545 thành viên so với năm 2011), bình quân 563 thành viên/HTX; tổng số vốn điều lệ đạt 861 tỷ đồng (tăng 656 tỷ đồng so với năm 2011), bình quân 1,02 tỷ đồng/HTX; tổng tài sản đạt 1,455 nghìn tỷ đồng (tăng 1,264 nghìn tỷ đồng so với năm 2011), bình quân 2,6 tỷ đồng/HTX; doanh thu bình quân đạt 3,421 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận bình quân đạt 199 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân lao động thường xuyên năm 2020 đạt 29,7 triệu đồng/lao động (năm 2011 là 14,4 triệu đồng/lao động).

    Hiện có 2 loại hình chuyên về HTX môi trường và tham gia BVMT. Ví dụ, tại Hà Tĩnh có 105 HTX chuyên về môi trường, 2 HTX tham gia BVMT; Vĩnh Phúc: 61 HTX môi trường, 10 HTX tham gia BVMT; Đồng Nai: 16 HTX môi trường; TP. Hồ Chí Minh: 14 HTX môi trường; Bắc Giang: 11 HTX môi trường; Cao Bằng: 10 HTX môi trường; Phú Thọ: 8 HTX môi trường, 6 HTX tham gia BVMT; Đắc Lắc: 10 HTX môi trường; Bạc Liêu: 4 HTX môi trường, 22 HTX tham gia BVMT, Đắc Nông: 4 HTX môi trường, 2 HTX tham gia BVMT...

    Các HTX dịch vụ môi trường tham gia nhiều công đoạn từ khâu thu gom, phân loại chất thải tại nguồn đến việc vận chuyển và xử lý, trong đó một số HTX chỉ thực hiện một công đoạn như thu gom rác thải tại nguồn hoặc chỉ vận chuyển rác thải. Đối tượng phục vụ chủ yếu của các HTX là các hộ gia đình, một số HTX chỉ cung cấp dịch vụ cho các cơ quan và doanh nghiệp đóng trên cùng địa bàn. Trong số các HTX thu gom rác thải có 53% số HTX chỉ cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình; 32% số HTX vừa cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình vừa cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp đóng trên cùng địa bàn.

    Ngoài công tác BVMT, các HTX dịch vụ môi trường còn tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho hàng chục nghìn lao động, góp phần vào chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Hiện nay, các mô hình thí điểm đang được nhân rộng trên nhiều địa bàn các tỉnh thành cả nước. Các mô hình được triển khai gắn với phát triển theo loại hình HTX, giúp HTX tiếp cận những chuyển giao công nghệ nhằm hướng tới 3 mục tiêu: phát triển kinh tế cho các HTX (gắn với cộng đồng là các xã viên), phát triển đời sống xã hội và đặc biệt đẩy mạnh công tác BVMT gắn với đời sống và sản xuất.

    Thời gian qua, các HTX môi trường và HTX tham gia BVMT đã được hình thành và phát triển theo mục tiêu chung vì một môi trường không ô nhiễm, vì sức khỏe cộng đồng và huy động sức mạnh tập thể theo mô hình HTX. Mô hình HTX trong BVMT đã được triển khai, gắn với yêu cầu cấp thiết của khu vực kinh tế hợp tác, HTX; phát huy tối đa năng lực cộng đồng trong quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện trên cả nước có nhiều HTX dịch vụ môi trường hoạt động hiệu quả tại tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, như: HTX dịch vụ môi trường thị trấn Tam Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc, hàng năm, thu gom được trên 400 tấn rác thải các loại; giải quyết cho 13 lao động thường xuyên có việc làm ổn định, mức lương 3-5 triệu đồng/tháng; HTX dịch vụ môi trường Tân Phát, tỉnh Hà Tĩnh, chuyên thu gom, xử lý rác thải, với 15 thành viên; thu nhập trung bình mỗi lao động là 6,5 triệu đồng/tháng…

    Mặc dù, đạt được những kết quả nêu trên, nhưng nhìn chung, hoạt động của mô hình HTX môi trường và HTX tham gia hoạt động BVMT còn hạn chế. Kết quả thực hiện các mô hình chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác BVMT. Các hoạt động tư vấn, dịch vụ BVMT tuy có thực hiện, nhưng số lượng chưa nhiều, hạn chế về cơ sở vật chất và năng lực cung cấp dịch vụ. Nhìn chung, các đơn vị triển khai mới chỉ làm được những gì mình đang có, hạn chế phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động (hướng tới các dịch vụ xử lý nước cấp, xử lý rác thải, khí thải...). Nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT của các mô hình HTX còn bất cập so với yêu cầu, đa số thiếu vốn hoạt động. Trong lúc nguồn lực còn hạn chế thì hầu hết các HTX thiếu thông tin về các chương trình, dự án hoặc có thông tin nhưng còn lúng túng, chưa chủ động xây dựng được kế hoạch, đề án, dự án cụ thể về BVMT để tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương giúp phát triển mô hình HTX môi trường và HTX tham gia BVMT. Nguyên nhân của những hạn chế và tồn tại trên, trước hết là do trình độ tổ chức quản lý hoạt động BVMT chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của các HTX trong bối cảnh hội nhập; chưa phối hợp tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và HTX; thiếu vốn; năng lực của cán bộ làm công tác BVMT chưa được chú trọng nâng cao; chậm đổi mới cả về tư duy và phương thức hoạt động. Nhận thức của LMHTX các cấp về công tác BVMT còn hạn chế. Đặc biệt, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX trong công tác BVMT còn thiếu. Trong khi phần lớn các HTX ở nước ta còn nghèo, công nghệ còn lạc hậu thiếu nguồn lực nên hầu hết các HTX ít quan tâm, hoặc có quan tâm cũng ít có điều kiện để đầu tư đúng mức vào BVMT.

Một số giải pháp tổ chức thực hiện, phát huy vai trò của mô hình HTX trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH

Thứ nhất, tổ chức học tập, tuyên truyền, tập huấn trong hệ thống HTX nhằm thống nhất nhận thức, hành động về thích ứng với BĐKH và BVMT

    Giáo dục và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực quản lý thích ứng với BĐKH trong toàn xã hội, các hợp tác xã, thành viên HTX, cơ quan quản lý, các đơn vị. Thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về dự báo thời tiết, cảnh báo mưa bão, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, hạn hán… cung cấp đầy đủ thông tin về BĐKH.

    Xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng, từng loại hình HTX để việc tuyên truyền thiết thực và hiệu quả, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức thi, mở các chuyên san, chuyên mục về phát triển KTTT, HTX gắn với thích ứng biến đổi khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của HTX, xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về HTX, phát động phong trào thi đua trong các HTX…

Thứ hai, khuyến khích các  HTX thực hiện về giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên

    Có chính sách hỗ trợ các HTX sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm nhẹ BĐKH thông qua việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng hiện có, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao diện tích, chất lượng rừng làm tăng khả năng hấp thụ các khí nhà kính; quản lý chất thải chất thải, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải trong chăn nuôi, đốt rơm dạ sau thu hoạch lúa…

   Tăng cường khả năng thích ứng cho những đối tượng trong hệ thống HTX dễ bị tổn thương cao như các chế độ bảo hiểm an sinh xã hội cho người nghèo, các chương trình việc làm, bảo hiểm, trợ cấp…

   Thực thi các chính sách thích ứng  BĐKH theo các loại hình HTX hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành: nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường… Nâng cao năng lực quản trị HTX về quản lý các loại tài nguyên: nước, khoáng sản, đất ngập nước, bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái rừng… giảm thiểu thiệt hại bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…xen ghép vào hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác. 

Thứ ba, thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, BĐKH

    Điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch, chiến lược phát triển của các hợp tác xã, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng ven biển, khu vực đông dân cư và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

    Tham gia khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định cuộc sống của người dân và khôi phục sản suất ngay sau thiên tai. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác xây dựng công trình phòng chống thiên tai, nhất là đối với những vùng thường xuyên xảy ra lụt bão cần có các điểm tránh trú an toàn do người dân và cộng đồng đầu tư.

    Phát triển mô hình HTX kiểu mới thích ứng với BĐKH cả về số lượng thành viên và quy mô hoạt động, phát huy các giá trị lợi ích chia sẻ, đổi mới sáng tạo, tổ chức quản trị theo hướng phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển mô hình HTX bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống thành viên. Thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia KTTT, HTX, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện công bằng xã hội. Nâng cao hình ảnh và vị thế của khu vực KTTT trong xã hội.

 Thứ tư, tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ HTX

    Tư vấn, hỗ trợ HTX về xây dựng kế hoạch, quản trị sản xuất theo hướng sản xuất xanh, ứng phó với BĐKH. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế học tập kinh nghiệm về thích ứng với BĐKH; tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường, các tổ chức quốc tế hỗ trợ các HTX và thực hiện các dự án hỗ trợ HTX.

TS. Phạm Thị Tố Oanh

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng

Vụ NN&PTNT - Ban Kinh tế Trung ương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2021)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp Hành Trung ương Đảng. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 “về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

2. Bộ Chính trị, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI, về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2018: Thông báo quốc gia lần thứ 3 của Việt Nam cho công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2018: Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.

6. Thủ tướng Chinh phủ, Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 về Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

7. Liên minh HTX Việt Nam: Báo cáo đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của khu vực kinh tế hợp tác giai đoạn 2011 - 2020 và quan điểm, mục tiêu, giải pháp của giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045

8. Quyết định 340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2030

Ý kiến của bạn