Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tỉnh Điện Biên: Chung tay hành động “Chống rác thải nhựa”

07/06/2021

     Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào “Chống rác thải nhựa” ngày 9/6/2019, tỉnh Điện Biên đã triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực, thu hút sự chung tay hành động của nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

     Nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 3816/KH-UBND ngày 27/12/2018, văn bản số 1270/UBND-KTN ngày 7/5/2019, số 2566/UBND-KTN ngày 31/8/2020… Trong đó nhấn mạnh, các sản phẩm từ nhựa, ni lông rất tiện ích, nhưng với đặc tính bền, khó phân hủy, chúng đang để lại hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Đáng chú ý, lượng túi ni lông tiếp tục gia tăng theo từng năm, là “gánh nặng” cho môi trường, dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng”. Do đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hãy hành động và vận động người thân cùng thực hiện việc giảm thiểu; tiến tới chấm dứt sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; Tập trung vận động các hệ thống siêu thị áp dụng thực hành thay thế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần tại mọi sự kiện, mọi hoạt động, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần. Đối với các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm phát sinh rác thải túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần... tổ chức thu hồi vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Ngoài ra, để phong trào “Chống rác thải nhựa” đi vào thực tế, mang lại hiệu quả, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai, thực hiện.

Học sinh Trường Tiểu học Thanh Luông (xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên) tham gia “Ðổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”

     Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, đến nay, sau hơn 1 năm hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, nhận thức của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp đã được nâng cao, bước đầu đã có giải pháp, sản phẩm thay thế cho túi ni lông khó phân hủy và nhựa sử dụng một lần. Tỉnh đã tổ chức treo 350 băng rôn, pano, áp phích được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp. Cùng với đó, nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trang truyền hình cơ sở, báo Điện Biên Phủ, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Điện Biên… đã chủ động đăng nhiều tin, bài với nội dung: Nâng cao ý thức của người dân trong công tác thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông góp phần bảo vệ môi trường; Thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; Nan giải bài toán chống rác thải nhựa và túi ni lông; Phụ nữ Tủa Chùa ra mắt mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông... Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 và 2020, trên địa bàn tỉnh đã huy động được 15.420 lượt cán bộ, chiến sỹ, hội viên, đoàn thanh niên và người dân tham gia dọn dẹp phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh tại các điểm di tích, đường đi trong thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư, trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm diễn ra trên địa bàn tỉnh 100% không sử dụng nước tinh khiết bằng chai nhưa mà thay thế bằng cốc, lọ thủy tinh tái sử dụng được nhiều lần. Không chỉ được thực hiện ở cấp thành phố, các phường, xã đều áp dụng thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” để bảo vệ môi trường.

     Đối với vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hiện tỉnh Điện Biên đã xây dựng được 323 bể thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và tiến hành thu gom, vận chuyển, xử lý 2.187 kg bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định. Tại huyện Mường Chà, một trong những vùng có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Điện Biên, trước đây, tình trạng bạ đâu vứt đấy, dùng xong vứt ngay bờ ruộng hay kênh mương vỏ bao bì phân đạm, thuốc BVTV gây nguy hại cho môi trường. Tuy nhiên, thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường tới người dân, bằng việc mở các lớp hướng dẫn việc sử dụng hóa chất, thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, hiện 100% lượng bao bì sau sử dụng trên địa bàn huyện đã được thu gom, xử lý theo đúng quy định.

     Cũng từ phong trào, nhiều mô hình hay về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa lần lượt ra đời đã đưa Điện Biên trở thành điểm sáng về công tác BVMT. Đề tài “Tái chế túi ni lông làm gạch lát đường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường” do giáo viên và học sinh Trường THCS Him Lam, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) triển khai đã đem lại hiệu quả tích cực. Từ nguồn quỹ của nhà trường, giáo viên và phụ huynh cùng đóng góp, cô, trò đã thiết kế một hệ thống máy gồm: Nồi nấu, nắp chụm hút khí thoát ra để tái chế, ống dẫn kim loại, bình lọc khí, khuôn tạo gạch để tái chế túi ni lông. Sau khi đưa vào hoạt động, máy đã phát huy tác dụng tốt trong việc nấu, tái chế túi ni lông thành gạch lát đường… Ra đời vào cuối năm 2019, mô hình “Làn nhựa đi chợ, tủ lạnh không túi ni lông” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Noong Bua (TP. Điện Biên), “Thùng rác không túi ni lông, tủ đông không rác thải nhựa” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Thanh… đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia. Sử dụng làn nhựa khi đi chợ đã được các chị, các mẹ, các bà duy trì như một thói quen, trở thành vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình. 

     Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, các sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường chưa nhiều, gây ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, vận động cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và nhân dân dân thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. Cùng với đó, do chưa có sự hỗ trợ về giá cho các sản phẩm thân thiện với môi trường vì giá thành các sản phẩm này thường cao hơn so với túi ni lông khó phân hủy, hộp xốp, ống hút… nên các sản phẩm này rất khó tiếp cận đến người tiêu dùng và phát triển rộng rãi ngoài thị trường. Để phong trào “Chống rác thải nhựa” thực sự đi vào cuộc sống, thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố bám sát các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và Kế hoạch số 3816/KH-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh; Xây dựng, ban hành Kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa; Vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường…

Đỗ Hương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2021)

     Tài liệu tham khảo:

     1. Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của UBND tỉnh Điện Biên về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

     2. Kế hoạch số 3816/KH-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên về triển khai thực hiện phong trào chống chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

     3. Báo cáo số 383-BC/UBND của UBND tỉnh Điện Biên ngày 3/12/2020 về kết quả hoạt động, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh.

 

Ý kiến của bạn