Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thực hiện tăng trưởng xanh trong các doanh nghiệp du lịch

06/08/2022

    Các mô hình kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, phát triển bao trùm, tăng trưởng xanh (TTX) là những cấu phần quan trọng của quá trình phát triển của trụ cột kinh tế bền vững. TTX là hiện nay đã trở thành xu hướng toàn cầu. Nhiều quốc gia và các ngành kinh tế trong đó có Việt Nam đang thay đổi nhận thức về việc áp dụng các thực hành xanh trong các hoạt động, đặc biệt là ngành Du lịch, khách sạn bởi sự phát triển du lịch không thể nằm ngoài xu hướng phát triển bền vững.

    Xu hướng TTX trong ngành Du lịch thế giới

    Xu hướng chung là du khách ngày càng quan tâm hơn đến các điểm đến xanh, sản phẩm xanh,… và có thể sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh.

    Nghiên cứu của Tổ chức Trip Advisor cho thấy, gần 2/3 số khách du lịch được khảo sát đang ngày càng có xu hướng lựa chọn hợp lý hơn với môi trường và du lịch xanh; 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường; 50% số du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn; tỷ lệ du khách có ý định lưu trú ít nhất một lần tại cơ sở lưu trú thân thiện với môi trường tăng qua các năm (62% năm 2016, 65% năm 2017, 68% năm 2018, 73% năm 2019); 70% du khách cho biết khả năng cao họ sẽ đặt phòng tại cơ sở lưu trú xanh (2019); 60% du khách muốn du lịch bền vững vì họ ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên trong các chuyến đi trước trước đây (2018); 52% du khách chuyển sang phương thức đi lại thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, đạp xe hoặc đi bộ đường dài khi có thể; 68% mong muốn chi tiêu du lịch của họ giúp ích cho cộng đồng địa phương (2019); 67% du khách sẵn sàng chi trả thêm ít nhất 5% cho chuyến du lịch của mình để hạn chế tác động môi trường khi có thể.

    Amadeus - nhà cung cấp công nghệ lớn cho ngành Du lịch và lữ hành toàn cầu mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát để tìm hiểu xu hướng của thị trường du lịch. Kết quả khảo sát đã chỉ ra một số xu hướng du lịch nổi bật có khả năng được du khách tập trung vào năm tới như sau:

    Chất lượng hơn số lượng: Trong số những người được khảo sát, 55% cho biết họ sẽ đi du lịch tối thiểu 14 ngày và 60% cho biết họ sẽ đi du lịch ít hơn trong năm tới. Mọi người có nhiều khả năng tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo ở những nơi kỳ lạ mà họ chưa từng trải qua trước đây. Vì vậy, một khi đã quyết định đi du lịch, họ sẽ ở lại điểm đến lâu hơn để đầu tư nhiều hơn cho chất lượng chuyến đi.

    Công nghệ xúc tiến du lịch quốc tế: 80% khách du lịch nói rằng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ giúp cải thiện giao tiếp và minh bạch, đồng thời hỗ trợ thanh toán, nhận phòng hoặc lên máy bay liền mạch sẽ làm tăng niềm tin của họ khi đi du lịch trong vòng 12 tháng tới. Hiện tại, nhiều hãng hàng không và sân bay đã áp dụng công nghệ làm thủ tục không chạm, cho phép hành khách làm thủ tục, gửi hành lý, làm thủ tục kiểm tra an ninh và lên máy bay mà không tiếp xúc với quá nhiều người. Hơn nữa, với công nghệ liên lạc từ xa ngày càng lý tưởng, du lịch bụi và du mục cũng sẽ trở nên phổ biến hơn. Các điểm đến cũng nhìn thấy tiềm năng của xu hướng này để thực hiện một chính sách thị thực đặc biệt được gọi là thị thực “du mục kỹ thuật số” cho những người muốn đến đất nước nào đó, lưu trú và làm việc ở đó trong một khoảng thời gian nhất định.

    Du lịch một cách bền vững và có trách nhiệm: Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, từ năm 2021, du khách quan tâm hơn đến cách họ đi du lịch, tìm cách giảm thiểu tác động tới điểm đến của họ và chuyển hướng sang tạo ra những giá trị tích cực trong chuyến đi. 68% số người tham gia khảo sát cho biết, họ muốn số tiền đã chi cho chuyến đi được đầu tư hoặc trả lại cho cộng đồng tại điểm đến. Do đó, các tour  thực sự tạo ra doanh thu và thúc đẩy sự phát triển của địa phương có xu hướng tăng mạnh hơn trong năm tới.

    Trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, UNWTO đã đưa ra một số nhận định và khuyến nghị về phát triển du lịch thế giới trong thời gian tới. UNWTO đánh giá rằng, trước khi bắt đầu đại dịch COVID-19, ngành Du lịch đã ghi nhận sự tăng trưởng liên tục trong nhiều thập kỷ, tạo ra những lợi ích đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội và việc làm. Đồng thời, sự tăng trưởng này đặt ra những thách thức quan trọng liên quan đến việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và tác động của biến đổi khí hậu. Kể từ khi đại dịch xảy ra đến nay, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

    Theo Hướng dẫn của G20 Rome cho tương lai du lịch, UNWTO đưa ra “Tầm nhìn một hành tinh về phục hồi có trách nhiệm ngành Du lịch” và “Khuyến nghị về chuyển đổi sang nền kinh tế du lịch và lữ hành xanh” khuyến khích các thành viên của G20 áp dụng nhằm tạo nền tảng cho các mô hình phát triển du lịch cân bằng, bền vững và có khả năng phục hồi cao hơn.

    Có 6 nhóm hoạt động được UNWTO khuyến nghị đại diện cho một số yếu tố chính có khả năng hướng dẫn phục hồi du lịch có trách nhiệm cho “con người, hành tinh và sự thịnh vượng”, bao gồm: sức khỏe cộng đồng, hòa nhập xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học, hành động khí hậu, kinh tế tuần hoàn, quản trị và tài chính.

    Khuyến nghị về chuyển đổi xanh của ngành Du lịch vì hành tinh của chúng ta chỉ ra hai nhóm hoạt động cần được quan tâm bao gồm: 1) Bảo tồn đa dạng với ba hoạt động chính: nắm bắt giá trị của việc bảo tồn thông qua du lịch; hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn thông qua du lịch; đầu tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên để du lịch bền vững hơn; 2) Hành động khí hậu với ba hoạt động chính: giám sát và báo cáo lượng phát thải CO2 từ hoạt động du lịch; khử cacbon trong hoạt động du lịch; sự tham gia của ngành Du lịch trong loại bỏ các-bon. 

    Khuyến nghị về chuyển đổi xanh của ngành Du lịch vì con người xác định hai nhóm hoạt động chính sau: 1) Chăm lo sức khỏe cộng đồng với các hoạt động cụ thể:  tích hợp các chỉ số dịch tễ trong giám sát du lịch; kết nối vệ sinh, an toàn với tính bền vững trong các hoạt động du lịch; khôi phục niềm tin thông qua truyền thông; 2) Thúc đẩy hòa nhập xã hội thông qua các hoạt động: hỗ trợ và quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương (thanh niên, phụ nữ, dân cư nông thôn, bản địa và các nhóm dễ bị tổn thương khác) trên nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau”; hỗ trợ tập trung vào nhu cầu của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (bao gồm cả cứu trợ ban đầu và hỗ trợ phục hồi hoạt động); tiếp tục sử dụng du lịch như một kênh hỗ trợ cộng đồng. 

    Định hướng TTX của Việt Nam

    Tại Việt Nam, TTX là một xu thế tất yếu tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, và được đề cập cụ thể hơn trong các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam và Chiến lược quốc gia TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

    Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020, trong đó chỉ rõ  quan điểm: 1) Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại; 2) Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; 3) Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc… Các quan điểm đó tiếp tục khẳng định định hướng phát triển du lịch Việt Nam theo hướng bền vững, TTX, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

    Có 5 nhiệm vụ đột phá đã được xác định cho giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có hai nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến các mục tiêu phát triển bền vững, TTX trong ngành Du lịch, cụ thể là:

    Phát triển du lịch thông minh: Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để kết nối hạ tầng dịch vụ du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.

    Phát triển du lịch cộng đồng: Có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng; gắn phát triển du lịch văn hóa với trải nghiệm đời sống cộng đồng để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

    Các khuyến nghị để thực hiện TTX trong các doanh nghiệp du lịch Việt Nam

    Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho quản lý và nhân viên cơ sở kinh doanh du lịch về TTX trong du lịch về những nội dung sau:

    Sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng bộ chỉ số TTX trong giám sát hoạt động của khách sạn, công ty du lịch, điểm đến; thông tin về các tiêu chuẩn của một số nhãn xanh được áp dụng khá phổ biến tại các doanh nghiệp du lịch, khách sạn trên thế giới;

    Xu hướng, nhu cầu về du lịch xanh của du khách quốc tế và trong nước; lợi ích của thực hành xanh đối với khách sạn/doanh nghiệp du lịch, cộng đồng, địa phương, quốc gia; các mô hình TTX có thể áp dụng trong các khách sạn/doanh nghiệp du lịch;

    Nội dung cơ bản của Chiến lược TTX quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, khuyến nghị của UNWTO về phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, tầm quan trọng của việc áp dụng thực hành xanh để bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh, con người và sự thịnh vượng của quốc gia;

    Những bài học kinh nghiệm của các cơ sở lưu trú Việt Nam và thế giới đã áp dụng thành công thực hành xanh; xây dựng “văn hóa xanh” trong khách sạn để nâng cao nhận thức… giúp nhân viên tạo thói quen áp dụng các thực hành xanh trong mọi hoạt động hàng ngày…

    Thứ hai, nhận diện đúng các rào cản đối với thực hành TTX trong du lịch nói chung, khách sạn nói riêng và có giải pháp tháo gỡ

    Các rào cản chủ yếu đối với việc triển khai thực hành xanh: về tài chính (chi phí đầu tư và hệ số thu hồi vốn, ngồn vốn đầu tư, chi phí vận hành…); công nghệ (trang thiết bị cũ); nguồn nhân lực (thiếu kiến thức và kỹ năng vận hành, hoặc thiếu trách nhiệm…); thiếu cơ sở dữ liệu… Để tháo gỡ những rào cản này, cần xem xét các khuyến nghị sau:

    Nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí TTX của ngành Du lịch và các lĩnh vực liên quan đến bộ tiêu chí TTX của khách sạn (tài nguyên, môi trường, văn hóa, lao động…) và ban hành các tiêu chuẩn tối thiểu để làm căn cứ cho việc theo dõi, đánh giá việc thực hiện TTX của ngành Du lịch, điểm đến và từng cơ sở kinh doanh, trong đó có khách sạn.

    Xây dựng khung pháp lý về TTX, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hành TTX như: thuế, thuê đất, hỗ trợ tài chính đầu tư công nghệ mới; cơ chế phát triển sạch (CDM).

    Xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi và đánh giá định kỳ theo mục tiêu TTX và hình thành các kênh chia sẻ thông tin phù hợp với mục đích sử dụng của từng đối tượng.

    Có cơ chế khuyến khích các hành động và sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy TTX, nâng cao hiệu quả của các hoạt động theo các mục tiêu TTX.

    Tổ chức các kênh chia sẻ thông tin về những kinh nghiệm thực hành xanh. Thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, khách sạn tham gia đăng ký Chứng nhận nhãn xanh của các tổ chức: Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC), Khách sạn Xanh ASEAN, Nhãn Du lịch bền vững Bông Sen xanh của Tổng cục Du lịch.

    Thứ ba, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực về thực hành áp dụng TTX của các khách sạn, doanh nghiệp du lịch

    Thành lập các nhóm, tổ chuyên trách về thực hành TTX của mỗi doanh nghiệp/khách sạn và xây dựng quy chế hoạt động của các nhóm, tổ đó; bố trí nhân viên chuyên theo dõi về các chỉ số TTX của doanh nghiệp/khách sạn;

    Xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu, theo dõi, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện TTX theo các tiêu chí đánh giá cho quản lý và các đối tượng liên quan.

    Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí đánh giá TTX

    Công nghệ được xem như một giải pháp hữu ích cho các khách sạn. Ứng dụng công nghệ số hóa các quy trình hoạt động sẽ giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực và công việc. Các công nghệ tự phục vụ và không chạm như vậy cũng đáp ứng các yêu cầu an toàn trong đại dịch và nâng cao trải nghiệm của khách.

    Ngoài ra, ứng dụng kỹ thuật số trong việc thu thập, phân tích, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các tiêu chí TTX trong từng khách sạn/doanh nghiệp, kết nối với cơ sở dữ liệu của địa phương, quốc gia cũng rất cần thiết để thúc đẩy nhanh quá trình xanh hóa các hoạt động du lịch.

    Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế về thực hiện bộ tiêu chí TTX

    Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng thực hành TTX trong ngành Du lịch; Tham gia vào các chương trình hợp tác quốc của ASEAN, ESCAPE, OECD, EU,… về phát triển du lịch nói chung, phát triển bền vững và TTX nói riêng;

    Tham vấn các chuyên gia quốc tế về xây dựng các mô hình TTX, xây dựng bộ tiêu chỉ TTX cho ngành Du lịch, điểm đến du lịch, doanh nghiệp du lịch, khách sạn… Tranh thủ sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ trong việc xây dựng các mô hình, áp dụng bộ tiêu chí thí điểm để rút kinh nghiệm.

    Thứ sáu, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và sớm ban hành bộ chỉ tiêu đo lường cấp quốc gia của Việt Nam về đánh giá TTX cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam

    Nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh. Cùng với đó, các ngành và địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động TTX và triển khai thực hiện.

    Thiết lập hệ thống giám sát và báo cáo đầy đủ về quá trình triển khai thực hiện đánh giá tăng trưởng TTX xanh bằng bộ tiêu chí tại các doanh nghiệp du lịch…

ThS. Vũ Hoài Phương

ThS. Nguyễn Thị Vinh Hương

Trường Cao đẳng nghề Huế

Nguyễn Xuân Thắng

Tổng cục Du lịch

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2022)

    ​Tài liệu tham khảo

    1 .Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2013), Nghị quyết về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013, Hà Nội.

    2.Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Hà Nội.

    3.Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Hội nghị tham vấn Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050, liên kết truy cập ngày 04/4/2021:  http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=49498&idcm=49...

 

 

 

 

Ý kiến của bạn