Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thái Nguyên: Chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải trên địa bàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

30/11/2021

    Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng được được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về BVMT đã được ban hành, triển khai và đi vào cuộc sống. Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, Thái Nguyên cũng luôn phải đối mặt với nhiều thách thức về công tác BVMT. Nhận thức được tầm quan trọng về BVMT trong phát triển bền vững của địa phương, những năm qua cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BVMT và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT) tại thị xã Phổ Yên

    Nhằm khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, phát huy lợi thế về tài nguyên khoáng sản của tỉnh; đảm bảo yêu cầu BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Thái Nguyên đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về BVMT phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”. Mục tiêu tổng quát đến năm 2025: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT, trọng tâm là xử lý chất thải; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị, khu cụm công nghiệp; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải; giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước mặt; khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác BVMT… Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, có 90% rác thải sinh hoạt (RTSH) đô thị; 80% RTSH nông thôn; 100% rác thải y tế; 100% chất thải nguy hại được xử lý theo quy định; 100% khu công nghiệp đang hoạt động, 100% cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới,... Trong giai đoạn 2021 - 2025, có 39 nhiệm vụ, dự án BVMT được ưu tiên triển khai về lĩnh vực: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về BVMT; thu gom xử lý rác thải sinh hoạt (đô thị, nông thôn); xây dựng công trình xử lý nước thải đô thi; xây dựng các quy định về môi trường của địa phương, xây dựng công trình xử lý chất thải, lắp đặt thiết bị quan trắc tự động liên tục tại các khu cụm công nghiệp và các dự án đầu tư trong ngoài các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

    Bên cạnh đó, để tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác BVMT; nâng cao chỉ số đánh giá kết quả BVMT của địa phương (chỉ số PEPI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh về môi trường (chỉ số PAPI); triển khai có hiệu quả Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị môi trường như: (1) Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 28/10/2020 về việc tăng cường quản lý, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; (2) Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 5/4/2021 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; (3) Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 5/4/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; (4) Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 21/5/2021 về việc tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về BVMT, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách, chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

    Thông qua các chính sách quản lý đồng bộ trong thời gian qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đã thu hút được sự quan tâm tham gia của cả hệ thống chính trị và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật BVMT từng bước được hoàn thiện; hiệu lực quản lý nhà nước về BVMT phát huy được hiệu quả, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm; tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực được giảm thiểu, chất lượng môi trường dần được cải thiện.

    Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thái Nguyên quan tâm triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

    Một là,  tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác BVMT; công tác quản lý nhà nước về BVMT;

    Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về BVMT; chú trọng quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường; 

    Ba là, ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác quan trắc, giám sát các nguồn thải và chất lượng môi trường xung quanh kịp thời phát hiện các nguy cơ ô nhiễm để cảnh báo cho người dân và tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục.

    Bốn là, thường xuyên kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật BVMT đối với các cơ sở sản xuất. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, công bố công khai các hành vi vi phạm và biện pháp xử phạt hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định pháp luật...

Nam Hưng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)

Ý kiến của bạn