Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tạo bước đột phá trong tư duy, định hình Chiến lược phát triển vì sự bền vững đồng bằng sông Cửu Long

06/04/2021

     Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra vào ngày 13/3/2021 tại TP. Cần Thơ, Bộ TN&MT đã có báo cáo tham luận Đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Nghị quyết số 120/NQ-CP), trong đó có nêu một số kết quả nổi bật; đánh giá những hạn chế, nguyên nhân và thách thức; đồng thời đưa ra một số kiến nghị định hướng trọng tâm thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL trong gia đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Tạp chí Môi trường xin được lược trích Báo cáo để bạn đọc có một cái nhìn toàn diện về việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.

     Năm 2017, Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Nghị quyết số 120/NQ-CP), thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do BĐKH và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển ĐBSCL. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, chủ trương thuận thiên từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng.

     1. Một số kết quả nổi bật

     Kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL

     Trong thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách được nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực như: năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; hạ tầng và kỹ thuật môi trường; nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải  liên quan… Qua đó góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông) để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới; gỡ các nút thắt về chính sách đất đai tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư. Đồng thời ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng ĐBSCL làm căn cứ để thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.

     Bên cạnh đó, các Bộ đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng, như chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trở thành hạt nhân cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, thích ứng với BĐKH, cải cách hành chính nhằm thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư triển khai các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo… đã làm thay đổi bộ mặt của vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.

     Chủ động thích ứng với BĐKH thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai

     Các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường điều tra, khảo sát, cảnh báo, dự báo trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương thuận thiên của Nghị quyết, thể hiện ở các mặt như: Tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, biến động bùn cát, đo mưa tự động; Chủ động điều tra, khảo sát thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước để cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ĐBSCL trong mùa khô và các đợt xâm nhập mặn; Sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; Tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Nhiều mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH được các địa phương triển khai, phát triển, điển hình như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; Các lợi thế về sinh thái, di sản văn hóa, lịch sử cách mạng được bảo tồn và phát huy qua đó thúc đẩy kinh tế du lịch, dịch vụ vùng ĐBSCL.

     Định hình không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối vùng và với thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ

     Trên cơ sở phát huy lợi thế, sức lan toả phát triển vùng thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với ĐBSCL đã xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các khu công nghiệp, đô thị lớn quy mô vùng để giải quyết bài toán tổng thể về kết nối. Hoạt động khai thác cát từ lòng sông để san nền từng bước được hạn chế thông qua việc ban hành 20 tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng.

     Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là các hoạt động xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt khu dân cư và cải tạo cảnh quan, hỗ trợ nguồn lực, thiết bị bảo vệ môi trường. Quản lý chất thải rắn được tăng cường cùng với việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL được quan tâm xây dựng, đảm bảo đủ công suất, chất lượng phục vụ mục tiêu an ninh về cấp nước, an sinh xã hội.

     Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL đã được thành lập kèm theo quy chế hoạt động được ban hành nhằm tham mưu, đề xuất và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH. Cùng với đó là việc hình thành các Tổ điều phối cấp Bộ, cấp tỉnh; Tổ chuyên gia tư vấn để giúp Hội đồng hoạt động hiệu quả, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách đặc thù, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án quy mô vùng, liên vùng để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Đây là nền móng ban đầu cho việc hình thành và thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp hơn với đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của ĐBSCL, tháo gỡ được những rào cản và giải phóng hiệu quả nguồn lực trong thời gian tới.

     Khơi thông, thúc đẩy nguồn lực đầu tư công làm hạt giống, dẫn dắt đầu tư của khối doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cho phát triển bền vững ĐBSCL

     Trong thời gian qua với vai trò kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công có tính dẫn dắt, thúc đẩy, kết nối, giải quyết các vấn đề cấp bách về dân sinh. Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, phí, tín dụng nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển lĩnh vực nông nghiệp như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản của hợp tác xã; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối...; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; miễn lệ phí trước bạ đối với đất Nhà nước giao sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; miễn thu thủy lợi phí; chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu, cấp bù lãi suất; tín dụng cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương từ Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

     Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế, truyền thông nâng cao nhận thức

     Các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được quan tâm đầu tư nhằm cung cấp những căn cứ khoa học, thực tiễn để phát triển bền vững vùng ĐBSCL một cách căn cơ, bài bản với tầm nhìn dài hạn như nghiên cứu tạo các giống cây trồng, cải tạo đất; phòng chống thiên tai, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển; nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất; giám sát tài nguyên nước mặt và cảnh báo hạn hán; đánh giá nguyên nhân gây ra xói lở bờ sông tại một số vùng trọng điểm và đề xuất một số định hướng về giải pháp công trình và phi công trình; thử nghiệm và đề xuất các giải pháp, công nghệ ngăn ngừa, phòng, chống, giảm nhẹ tác động khắc phục hậu quả của thiên tai; phát triển hệ thống giám sát BĐKH ở ĐBSCL.

     Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức được tăng cường thông qua Đề án tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, các hoạt động tuyên truyền về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Từ năm 2017 đến nay, chủ đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã được các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức như xây dựng phim và bài báo tuyên truyền; xây dựng, phổ biến tài liệu nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ bãi tại một số tỉnh ĐBSCL.

     Hợp tác quốc tế được thúc đẩy góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho ĐBSCL. Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương về phát triển tiểu vùng sông Mê Công bao gồm các cơ chế hợp tác Mê Công-Nhật Bản, Mê Công - Hàn Quốc, GMS (tiểu vùng Mê Công mở rộng), Mê Công - Lan Thương, Mê Công-Sông Hằng, CLMV, ACMECS, Quan hệ đối tác Mê Công - Hoa Kỳ. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam đã phát huy vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2020 để chủ động gắn kết Mê Công trong ASEAN nhằm tìm được tiếng nói chung về tầm quan trọng của phát triển tiểu vùng.

     Đánh giá tổng thể, hạn chế, nguyên nhân và thách thức

     Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng với việc định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL; Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, trong hai năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%; Đời sống văn hóa, tinh thần từng bước được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống của vùng từng bước được bảo tồn, phát huy khai thác hiệu quả phục vụ người dân ĐBSCL và cả nước cũng như các du khách quốc tế;  Dịch bệnh được giám sát, khống chế và có xu hướng giảm; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn vùng ĐBSCL có nhà tiêu hợp vệ sinh năm 2019 đạt 62% (tăng 6,7% so với năm 2017).

     Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn một số hạn chế. Trong hơn 3 năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành mới, bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách cho riêng vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả; các công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn vẫn còn chậm triển khai thực hiện; cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được đột phá, đặc biệt do tác động của đại dịch Covid19; các dự án hạ tầng còn thiếu kết nối đồng bộ, đa mục tiêu để tạo ra động lực phát triển thị trường cho các hàng hóa nông sản là thế mạnh của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, số liệu, dữ liệu mới được quan tâm thúc đẩy trong thời gian gần đây nên chưa cung cấp đủ cơ sở, luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch; chưa làm rõ được thế mạnh của vùng về nông nghiệp, du lịch, biển đảo để đề xuất các giải pháp hiệu quả.

     Nhìn nhận về những thách thức ở khu vực ĐBSCL có thể thấy BĐKH, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Trong bối cảnh các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với BĐKH, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính vẫn chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng theo Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH cũng như Thỏa thuận Paris, do đó ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi trong tương lai gần. Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công ngày càng phức tạp hơn trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả, tình trạng thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước được dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển ĐBSCL. Nghị quyết số 120/NQ-CP mới được triển khai thực hiện hơn 03 năm và mới chỉ ở bước đầu, trong khi các mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ trong Nghị quyết mang tính chiến lược, dài hạn. Do đó cần phải có thời gian và nguồn lực để đảm bảo triển khai khối lượng công việc lớn đã được đề ra.

     Kiến nghị định hướng trọng tâm thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030

     Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách

     Rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách được cụ thể trong Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể, đặc biệt là cơ chế về huy động nguồn lực thông qua hình thức đối tác công - tư, tập trung đất đai phục vụ chuyển đổi quy mô lớn, quy hoạch các khu vực trồng lúa chuyển đổi mục đích linh hoạt để chủ động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên từng năm.

     Sớm hoàn thành Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 làm căn cứ để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng ĐBSCL; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các tỉnh, thành phố ĐBSCL theo các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

     Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển phục vụ sản xuất

    Khẩn trương bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án hỗ trợ chính sách phát triển vùng ĐBSCL (DPO) thuộc khoản phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án cụ thể, bao gồm dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án mang ý nghĩa động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bổ sung nguồn vốn đầu tư cho phát triển bền vững ĐBSCL thông qua định chế tài chính, tổ chức tín dụng bao gồm Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Đầu tư triển khai thực hiện các dự án hạ tầng đa mục tiêu, kết nối vùng, liên vùng về thủy lợi, giao thông, kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại, tạo chuỗi giá trị cho các sản phẩm vùng ĐBSCL.

     Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án hiện đại hóa thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái, vùng ĐBSCL, Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, Đề án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025...

     Tăng cường điều tra cơ bản, năng lực quan trắc, dự báo, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu

     Tăng cường điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra, đánh giá, xây dựng các giải pháp trữ nước dựa vào xu thế tự nhiên của từng tiểu vùng. Triển khai đánh giá tổng thể tác động của việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Hoàn thành Trung tâm Tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL; xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu ĐBSCL, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các nước trong lưu vực sông Mê Công.

     Đầu tư bổ sung tăng dày các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, môi trường, tài nguyên nước, sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn cung cấp thông tin, dữ liệu, phân tích dự báo cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển và các hoạt động kinh tế - xã hội khác của vùng. Tăng cường năng lực dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai, thời tiết cực đoan. Xây dựng hệ thống giám sát, dự báo cảnh báo sớm diễn biến tài nguyên nước, bao gồm cả phần thượng nguồn, toàn lưu vực và sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển.

    Tiếp tục điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn; xây dựng các công trình khai thác nước ngầm để kết hợp dự phòng sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết. Chủ động theo dõi chặt chẽ các hoạt động khai thác và sử dụng nước trong lưu vực, thu thập thông tin số liệu về tình hình lưu vực từ nhiều nguồn khác (từ các dự án, sử dụng công nghệ viễn thám...).

     Thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu hợp lý

     Về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo 3 tiểu vùng có xem xét đến các hệ sinh thái nông nghiệp trong từng tiểu vùng (vùng thượng đồng bằng, vùng giữa, vùng ven biển). Xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo; tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản và trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo.

     Về công nghiệp và thương mại: Tận dụng ưu thế, sức lan tỏa, sự chuyển dịch phát triển của vùng Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển mạnh công nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng; hình thành các khu, cụm công nghiệp chuyên môn hóa theo các khu vực trọng điểm và lợi thế của các địa bàn trong vùng; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, tái tạo. Tận dụng ưu thế kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia để đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ.

     Về du lịch: Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp làm nền tảng cho phát triển du lịch, gắn với bảo vệ và phát triển rùng ngập mặn ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển du lịch miệt vườn... Thu hút đầu tư để phát triển các dịch vụ hỗ trợ. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.

     Thúc đẩy khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế

     Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hướng đến phát triển kinh tế số, chuyển đổi số dựa vào tiềm năng, thế mạnh của vùng. Sớm phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn 2021-2025.

     Chủ động đề xuất, thiết lập, dẫn dắt các khuôn khổ hợp tác mới trong huy động hiệu quả sự hỗ trợ về đầu tư, công nghệ và tri thức của các đối tác phát triển; khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước, đặc biệt trong tiểu vùng sông Mê Công đảm bảo lợi ích của Việt Nam. Ưu tiên thúc đẩy các hoạt động hợp tác về nguồn nước trong khuôn khổ hợp tác Mê Công - Lan Thương về chia sẻ thông tin số liệu, đặc biệt là thông tin về quy trình vận hành các đập thủy điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông ở mức phù hợp.

     Tăng cường chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

     Tăng cường triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đón đầu các xu thế chuyển dịch đầu tư khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, giúp nông dân thực sự trở thành công nhân nông nghiệp, rút dần lao động nông nghiệp, chuyển sang công nghiệp dịch vụ để người dân tham gia tích cực, chủ động, với vai trò là trung tâm của quá trình chuyển đổi sản xuất và sinh kế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng.

Nguyễn Hằng (Tổng hợp)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2021)

Ý kiến của bạn