Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng trưởng xanh hướng tới trung hòa các-bon và phục hồi kinh tế sau COVID-19

30/11/2021

    Đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi căn bản thế giới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những thay đổi mạnh mẽ trong chuyển dịch kinh tế số, thúc đẩy các quốc gia đánh giá lại mô hình phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng của các vấn đề môi trường và sức khỏe. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng đem đến những nhìn nhận mới, rõ nét hơn về cơ hội phát triển, thúc đẩy quá trình chuyển đổi chiến lược, hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Tăng trưởng xanh một lựa chọn tất yếu

    Trên thế giới, nhu cầu thúc đẩy thịnh vượng kinh tế một cách bền vững, lâu dài, trước mối quan tâm ngày càng tăng về duy trì và bảo vệ nguồn vốn tự nhiên cũng như thúc đẩy phát triển xã hội mạnh mẽ, bao trùm đang được các quốc gia cân nhắc lựa chọn. Theo đó, tăng trưởng xanh (TTX) đã dần trở thành xu hướng chủ đạo, thể hiện rõ nhất trong thay đổi cơ cấu năng lượng, trong đó năng lượng tái tạo đang dần chiếm tỷ trọng đáng kể so với các nguồn năng lượng khác, động cơ điện đã từng bước thay thế động cơ xăng trong các phương tiện giao thông phổ biến. Nhiều quốc gia cũng đã cam kết thực hiện các nội dung của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH): từ cam kết “Hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu” đến “mục tiêu trung hòa các-bon”. Các mục tiêu phát triển bền vững dần từng bước được quốc gia hóa theo những mục tiêu cụ thể phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng sự gia tăng kết nối giữa các quốc gia toàn cầu đang có những tiến bộ vượt bậc. Xu hướng đầu tư cho các hoạt động sản xuất thông minh nhờ cuộc cách mạng 4.0, Chính phủ điện tử, Đô thị thông minh, thông minh hóa công nghiệp và nông nghiệp… đang trở nên phổ biến.

    Mô hình tăng trưởng kinh tế thông thường đang được nhận định có thể làm suy yếu nền tảng nguồn lực và tiến bộ xã hội và do đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo mô hình TTX như là một lựa chọn tất yếu để đảm bảo thịnh vượng kinh tế, gia tăng phúc lợi xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong dài hạn.

Tăng trưởng xanh ở Việt Nam, chặng đường đã qua

    Được triển khai từ năm 2012, TTX được xem như một công cụ hữu hiệu để thực hiện phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, trong đó giảm phát thải khí nhà kính (KNK), xanh hóa sản xuất và lối sống, thúc đẩy tiêu dùng bền vững chính là mục tiêu Chiến lược góp phần quan trọng đẩy lùi những tác động tiêu cực của BĐKH.

    Sau 8 năm triển khai, Chiến lược đã đi đúng hướng, triển khai khá toàn diện. Việc thực hiện Chiến lược đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật thể hiện ở các nội dung xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức. Một số mục tiêu Chiến lược đã đạt được, mảng đầu tư xanh đã dần chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu đầu tư phát triển cả công và tư.

    Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam ngày càng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng nền kinh tế TTX.

TTX  hướng tới mục tiêu trung hòa các bon và phục hồi kinh tế sau khủng hoảng COVID 19

Từ hiện hữu của BĐKH

    Không chỉ là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi các vấn đề BĐKH, Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng phải đối diện sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tác động nghiêm trọng tới con người và nền kinh tế. Năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai rất bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước mà đỉnh điểm là đợt mưa lũ lớn lịch sử, gây thiệt hại lớn tại khu vực Trung bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và đợt hạn hán tồi tệ nhất tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tới các cú sốc bên ngoài

    Trong giai đoạn 2016-2020, quá trình tái cấu trúc nên kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ, có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới tính theo giá trị xuất nhập khẩu trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế càng lớn thì càng dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động không thuận từ bên ngoài. Điều này có thể cảm nhận rõ qua đại dịch COVID 19 khi xuất hiện sự đứt gãy cả từ phía “cung” lẫn “cầu” của nền kinh tế thế giới. Triển vọng kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khả năng chống dịch của thế giới và tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước cũng khả năng khắc phục những điểm yếu và rủi ro nội tại của nền kinh tế tại thời điểm hiện tại.

Đến việc thực hiện các cam kết quốc tế mới

    Chiến lược TTX được phê duyệt tháng 9 năm 2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững, đồng thời góp phần hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về phát triển bền vững tháng 6 năm 2012 tại Rio de Janeiro, Braxin (Rio +20).

    Tháng 9/2015, Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 với 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững chính thức được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc tại New York, thay thế các mục tiêu thiên nhiên kỷ (MDGs) đã không thành công trong việc xem xét bản chất toàn diện của sự phát triển và được kỳ vọng sẽ thay đổi bản chất từ việc đặt mục tiêu để các nước nghèo đạt được với tài chính hỗ trợ từ các quốc gia giàu có sang việc mọi quốc gia sẽ cùng chung tay để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

    Việt Nam đã hiện thực cam kết của mình thông qua việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vào tháng 5 năm 2017 với phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc 2015. Kế hoạch hành động thể hiện nỗ lực và cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện các Mục tiêu SDGs của Việt Nam.

    Cũng trong năm 2015, Hội nghị về BĐKH của Liên hợp quốc thông qua Thỏa thuận Paris - một kế hoạch “đầy tham vọng và cân bằng” nhằm đạt mức giảm phát thải lớn nhất càng sớm càng tốt và hạ thấp mức thải vào nửa sau của thế kỷ này, cũng như giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C với nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C. Đây được coi là một “bước ngoặt lịch sử” trong mục tiêu giảm sự nóng lên toàn cầu.

    Đóng góp quốc gia tự quyết (NDC) của Việt Nam hướng tới việc thực hiện thoả thuận Paris ứng phó với BĐKH với lộ trình giảm phát thải KNK trong giai đoạn 2021-2030, trong đó đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) và có thể tăng đóng góp lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Con đường phía trước

    Thỏa thuận Paris và các mục tiêu phát triển bền vững đặt ra những kỳ vọng chung về tính bền vững toàn cầu trong tương lai với những thay đổi mang tính hiệu quả trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống năng lượng, sản xuất và chế biến… Trong bối cảnh đó, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã chuyển từ hình thức “tự nguyện” sang hình thức “bắt buộc” thực hiện cam kết quốc tế.

    TTX trong giai đoạn mới do đó phải trở thành động lực chính để phát triển bền vững và là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ cân đối các nguồn lực trong nước và huy động nguồn lực quốc tế hiệu quả, cung cấp một giải pháp hỗ trợ liên ngành trong triển khai thực hiện các mục tiêu giảm phát thải KNK ở các cấp có sự gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025.

    Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đóng vai trò hết sức quan quan trọng.

Chiến lược TTX từ quan điểm, phương pháp tiếp cận xây dựng đến triển khai hành động

    Chiến lược quốc gia về TTX được tiến hành xây dựng trên cơ sở tham vấn sâu rộng các bên liên quan trong bối cảnh đại dịch COVID 19 diễn ra phức tạp trong thời gian qua. Quá trình xây dựng Chiến lược đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực và nhiều ý kiến đóng góp của các Bộ/ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề có liên quan, các đại sứ quán và tổ chức quốc tế, đối tác phát triển. Trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021.

    Chiến lược TTX đặt ra 4 mục tiêu quan trọng gồm: Giảm phát thải KNK, Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và Xanh hóa quá trình chuyển đổi. Đặc biệt, mục tiêu đầu tiên của Chiến lược TTX là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP tiếp tục kế thừa Chiến lược giai đoạn trước nhằm đánh giá khả năng giảm nhẹ phát thải KNK so sánh trên một đơn vị sản lượng kinh tế, giúp xác định được mức độ thân thiện của nền kinh tế với môi trường khi quy mô của nền kinh tế ngày càng tăng, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ môi trường, vừa gắn kết chặt chẽ với phát triển “nhanh, bền vững”. Theo đó, Chiến lược TTX đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải KNK trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Xa hơn, năm 2050, cường độ phát thải KNK trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

    Việc ban hành Chiến lược TTX cũng đã được các Bộ/ngành, địa phương, các đại sứ quan, tổ chức quốc tế, cơ quan hợp tác phát triển, doanh nghiệp và giới học thuật đánh giá cao về cách thức tiếp cận mới trong xác định và tính khả thi của các mục tiêu, đồng thời bày tỏ sự thống nhất cao đối với kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai Chiến lược TTX và tin tưởng Chiến lược TTX sẽ hiện thực hóa các mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra cho các mốc thời gian vào năm 2030, năm 2045 và 2050. Các Bộ/ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan nhất trí bắt tay ngay vào việc phối hợp xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về TTX và Kế hoạch của ngành, địa phương. Các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai Chiến lược TTX trong thời gian tới.

Con đường đi đến sự thịnh vượng, phục hồi kinh tế hậu COVID 19 chính là lựa chọn TTX

    Trong bối cảnh quốc tế với nhiều biến động như hiện nay, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID 19, mang theo khát vọng thịnh vượng của dân tộc, năm 2021 chính là năm Việt Nam chạm ngưỡng cửa của giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những nỗ lực về mặt con số nhằm đánh giá mức độ tăng trưởng thì đã đến lúc các vấn đề năng suất và hiệu quả cần được tập trung chuyên sâu hơn, chú trọng đến chất lượng và giá trị, bởi đằng sau những con số là nhiều vấn đề cần được quan tâm.

    Năm 2021 cũng là năm khởi đầu của Chiến lược 10 năm 2021-2030 với quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH…

    Do đó, việc triển khai Chiến lược TTX bám sát các quan điểm, định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, đặc biệt là công tác phối hợp tổ chức thực hiện có tầm quan trọng đặc biệt với sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ/ngành, cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia. Trong thời gian tới, để thực thi có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chiến lược, sự thống nhất cao về các hành động cần triển khai, đặc biệt là việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về TTX, tổ chức xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về TTX.

    Tại Hội nghị triển khai Chiến lược TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ngày 29/10/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh “Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu COVID 19, hướng tới phát triển kinh tế xanh, đồng thời là tiền đề để cụ thể hóa các mục tiêu phát thải các-bon thấp, trung hòa các-bon trong dài hạn và đóng góp vào sự hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược TTX trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26) tại Glasgow, Anh quốc đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải KNK thông qua các hành động thiết thực, cụ thể.

TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng

ThS. Trần Minh Huế, Chuyên viên chính

Vụ KHGDTN&MT, Bộ KH&ĐT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2021)

Ý kiến của bạn