Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng cường công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng

28/12/2021

    Ngày 10/10/2017, Bộ TN&MT đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng (Chỉ thị số 03/CT-BTNMT). Đến nay, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTNMT đã được 3 năm và đạt được những kết quả nhất định, trở thành kênh thông tin hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nắm bắt, phát hiện kịp thời các vấn đề, điểm nóng về môi trường phát sinh trên địa bàn để có các biện pháp chỉ đạo xác minh, xử lý vụ việc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT.

1. Tình hình thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTNMT

    Ngay sau khi Chỉ thị số 03/CT-BTNMT được ban hành, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành Quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng tại Quyết định số 1730/QĐ-TCMT ngày 28/12/2017 để triển khai thực hiện Chỉ thị. Theo đó, Tổng cục Môi trường đã thiết lập, công khai đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến cấp tỉnh; quy định cụ thể nội dung 4 bước về tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân; xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trực thuộc Tổng cục Môi trường, của Sở TN&MT trong việc tổ chức tiếp nhận, xác minh, xử lý, phản hồi, báo cáo đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý. 

    Tính từ khi được đi vào vận hành chính thức (ngày 1/1/2018) đến thời điểm ngày 30/6/2021, hệ thống đường dây nóng của Tổng cục Môi trường và 63 Sở TN&MT đã tiếp nhận 4.149 thông tin phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường (thông tin). Trong đó, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường tiếp nhận 1.893 thông tin; đường dây nóng của 60 Sở TN&MT tiếp nhận 2.256 thông tin.

    Các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng chủ yếu tập trung vào các vụ việc xả chất thải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, phản ánh vụ việc xả khí thải (chủ yếu là mùi) chiếm tỷ lệ 41%; thải nước thải chiếm tỷ lệ 34%; chất thải rắn chiếm tỷ lệ 14%; tiếng ồn chiếm tỷ lệ 6%; các phản ánh, kiến nghị khác chiếm tỷ lệ 5% liên quan đến các điểm bị ô nhiễm chưa được xử lý dứt điểm như các bãi rác, khu vực tập kết rác gần khu dân cư, các vị trí tại các hệ thống sông, kênh, rạch có ô nhiễm môi trường hoặc các điểm gây ô nhiễm môi trường tại các địa phương. Nhìn chung, các vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng đã được tiến hành xác minh với tỷ lệ 98%; còn lại khoảng 2% thông tin đang được các địa phương tiếp tục xác minh.

    Đối với công tác xử lý các vụ việc được phản ánh, hầu hết các vụ việc đã được xử lý (93%), các vụ việc còn lại (7%) hiện đang được các địa phương đang tiếp tục xử lý theo thẩm quyền. Các vụ việc được phản ánh đều thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT địa phương, trong đó chủ yếu là UBND cấp huyện, cụ thể: Số vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của cấp Trung ương (Tổng cục Môi trường) chiếm tỷ lệ 1%; của UBND cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 23%; của UBND cấp huyện chiếm tỷ lệ 65%; của UBND cấp xã chiếm tỷ lệ 11%.

    Các vụ việc ô nhiễm môi trường được phản ánh thông qua đường dây nóng trong thời gian qua đa số (khoảng 78%) là các vụ việc liên quan đến các cơ sở có quy mô nhỏ, hộ gia đình (tái chế phế liệu, nuôi heo hộ gia đình,...) thuộc thẩm quyền xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của UBND cấp huyện hoặc các hành vi xả rác thải sinh hoạt, gây mùi khó chịu, tiếng ồn của các hộ gia đình, cá nhân thuộc thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND cấp xã.

    Đến nay, Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT các địa phương đã thực hiện phản hồi thông tin cho tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin đối với 85% tổng số vụ việc thông qua các hình thức phù hợp như điện thoại, email và văn bản,… một số vụ việc được Tổng cục Môi trường thực hiện công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường. Đối với các vụ việc về ô nhiễm môi trường theo phản ánh của các cơ quan báo chí, Tổng cục Môi trường đã nắm bắt thông qua công tác rà soát, điểm tin môi trường và kịp thời chỉ đạo các Cục Bảo vệ môi trường vùng phối hợp với Sở TN&MT nhanh chóng kiểm tra, xử lý và phản hồi thông tin cho cơ quan báo chí theo quy định.

2. Đánh giá kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế 

    Việc tổ chức thiết lập, vận hành đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương cơ bản đã đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị số 03/CT-BTNMT. Hệ thống đường dây nóng đã được thiết lập, vận hành từ Trung ương đến toàn bộ 63 Sở TN&MT ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, dần được mở rộng đến cấp huyện, cấp xã ở một số địa phương. Hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin được phản ánh qua đường dây nóng về ô nhiễm môi trường ngày càng được nâng cao, thể hiện ở tỷ lệ các vụ việc được xác minh, xử lý tăng dần theo thời gian, năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước.

    Qua một thời gian hoạt động, hệ thống đường dây nóng đã được sự quan tâm, vào cuộc của các tổ chức, cá nhân; tạo bước chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT các cấp, từ trung ương đến cấp huyện, xã; phát huy hơn nữa vai trò người dân đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là các vấn đề môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân như rác thải, nước thải, khí thải, tiếng ồn.

    Bên cạnh đó, hoạt động của đường dây nóng cũng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các cơ sở, hộ gia đình sản xuất được phản ánh qua đường dây nóng (tỷ lệ các vụ việc được phản ánh và phản ánh nhiều lần qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường giảm dần theo các năm). Thông qua công tác theo dõi đường dây nóng cho thấy: các vấn đề nóng về ô nhiễm môi trường có chiều hướng giảm dần; ý thức, trách nhiệm và xử lý vấn đề môi trường từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân được tăng lên đáng kể; đặc biệt lòng tin của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong việc giải quyết các bức xúc, ô nhiễm môi trường sống được tăng lên đáng kể trong những năm qua.

    Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đường dây nóng vẫn còn một số hạn chế như: hệ thống đường dây nóng được thiết lập tại các địa phương chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đầu mối. Nhiều Sở TN&MT thiết lập nhiều số điện thoại, email khác nhau, gồm cả điện thoại, email của cá nhân và cơ quan để tiếp nhận, xử lý thông tin mà chưa có đường dây nóng ổn định, thống nhất để tiếp nhận thông tin phản ánh riêng cho lĩnh vực môi trường; sự phân công đầu mối chịu trách nhiệm vận hành đường dây nóng còn khác nhau giữa các Sở TN&MT (Văn phòng Sở hoặc Thanh tra Sở hoặc Chi cục Bảo vệ môi trường). Đa số các vụ việc sau khi tiếp nhận được thông tin, Sở TN&MT thực hiện chuyển thông tin đến các đơn vị chuyên môn xác minh hoặc chuyển thông tin bằng văn bản đến UBND cấp huyện xác minh; một số trường hợp UBND cấp huyện tiếp tục giao UBND cấp xã xác minh bằng văn bản (do chưa có hệ thống đường dây nóng cấp huyện và cấp xã) dẫn đến việc xác minh, xử lý thông tin, vụ việc còn mất nhiều thời gian hoặc khi đến hiện trường để xác minh, xử lý vụ việc thì không còn dấu vết, chứng cứ hoặc hành vi gây ô nhiễm môi trường đã gây ra hậu quả tiêu cực đối với môi trường.

3. Giải pháp

Tiếp tục kiện toàn, mở rộng phạm vi hoạt động của đường dây nóng

    Để đảm bảo hoạt động hiệu quả của đường dây nóng về ô nhiễm môi trường, cần thiết phải kiện toàn đường dây nóng (điện thoại và emai đường dây nóng) của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua việc thống nhất thiết lập một đầu số điện thoại di động và emai dùng riêng cho đường dây nóng (không sử dụng số điện thoại cố định của cơ quan, điện thoại di động của cá nhân), đồng thời thực hiện việc công khai đường dây nóng của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử của cơ quan để đảm bảo việc tiếp nhận thông tin ổn định, thông suốt 24/7, tạo điều kiện thuận lợi cho người cung cấp thông tin cũng như việc chuyển thông tin từ Trung ương đến địa phương (sử dụng tổng đài ảo hoặc dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi) được thông suốt, nhanh chóng, thuận lợi.  

    Mở rộng đường dây nóng (điện thoại và emai đường dây nóng) tối thiểu đến cấp huyện, giao Phòng TN&MT quản lý, vận hành (căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, có thể thiết lập đường dây nóng đến cấp xã) để đảm bảo công tác tiếp nhận, xác minh thông tin được kịp thời, hiệu quả, tránh việc chuyển thông tin đề nghị xác minh qua nhiều cấp và thực hiện bằng hình thức văn bản, gây mất thời gian; đồng thời, mở rộng phương thức cung cấp và tiếp nhận thông tin, ngoài cung cấp và tiếp nhận thông tin qua điện thoại và email, sử dụng các phương thức khác để cung cấp và tiếp nhận thông tin như: qua phần mềm được cài đặt trên các thiết bị di động, qua trang thông tin điện tử,… giúp người cung cấp thông tin có thể cung cấp thông tin, chứng cứ vi phạm bằng hình ảnh trực tiếp một cách thuận tiện, dễ dàng; đồng thời cán bộ trực đường dây nóng có thể tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường, giúp nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng.

    Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường thông qua việc xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường (Hệ thống thông tin) để hỗ trợ việc tiếp nhận, xử lý và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật tài nguyên và môi trường (trong đó bao gồm các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường) theo hướng thống nhất từ trung ương đến địa phương (cấp huyện) nhằm quản lý thống nhất thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. Hệ thống thông tin được cài đặt, ứng dụng trên máy tính, trang thông tin điện tử (website) và thiết bị di động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện cung cấp thông tin và giúp cơ quan quản lý nhà nước về môi trường thực hiện việc tiếp nhận, chuyển thông tin, xác minh thông tin và xử lý, báo cáo kết quả xử lý vụ việc được nhanh chóng, thống nhất và hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động, vận hành đường dây nóng 

    Thống nhất thời gian hoạt động của đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương là 24/7 (24h/24h, 07 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ) và quy định rõ quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường tại Trung ương và các địa phương;

    Phân công, bố trí cụ thể đơn vị, cán bộ chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin, vận hành hệ thống đường dây nóng cấp trung ương và cấp địa phương;

    Bố trí phương tiện, thiết bị, nguồn lực cần thiết để phục vụ hoạt động của đường dây nóng, đảm bảo tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng thông suốt, thống nhất và hiệu quả.

Hồ Kiên Trung - Chánh văn phòng

Đặng Quốc Thắng - Phó Chánh văn phòng

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

Ý kiến của bạn