Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng cường công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Long An

07/06/2021

     Long An là một tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, có vai trò quan trọng là cầu nối giữa kinh tế TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng cao đã phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng lớn, dẫn đến áp lực lên môi trường ngày càng cao, ảnh hưởng và tác động xấu đến chất lượng môi trường, làm suy giảm đa dạng sinh học.

     Tình hình phát sinh chất thải trên địa bàn tỉnh

     Đối với chất thải sinh hoạt

      Tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 715 tấn/ngày, khối lượng thu gom được khoảng 460 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn (CTR) thu gom tập trung chủ yếu tại các khu vực đô thị, thị trấn, thị tứ với tỷ lệ thu gom đạt khoảng 90%, khu vực nông thôn đạt khoảng 50%. CTR sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, CTR phát sinh trên địa bàn huyện nào thì do UBND huyện đó chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý bao gồm CTR sinh hoạt của các đơn vị hoạt động trong, ngoài khu/cum công nghiệp và rác thải sinh hoạt của người dân. Đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt là đơn vị công trình đô thị tuyến huyện, các tổ chức thu gom tư nhân trên địa bàn do huyện quản lý. Rác thải sinh hoạt phát sinh trong khu/cụm công nghiệp (CCN) do các đơn vị thứ cấp tự phân loại riêng biệt với CTR công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại và hợp đồng với các đơn vị thu gom trên địa bàn huyện thu gom hằng ngày. Rác thải sinh hoạt phát sinh nhiều từ các huyện có mức độ thị hóa cao và công nghiệp phát triển như Tân An, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc, ước tính mỗi huyện phát sinh trung bình khoảng 80 - 150 tấn/ngày, được thu gom và chuyển đi xử lý tại Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước, huyện Bình Chánh và Công ty CP Vietstar, Khu Liên hợp Phước Hiệp - huyện Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh.

     CTR công nghiệp thông thường

     Trong quá trình hoạt động sản xuất, CTR công nghiệp phát sinh được các doanh nghiệp tự phân loại và quản lý, hầu hết được tái chế, tái sử dụng, phần không tái chế thì hợp đồng với các đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển, ước tính khối lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.300 - 1.400 tấn/ngày. Các loại chất thải này được doanh nghiệp phân loại, bố trí kho chứa riêng biệt với chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại. CTR công nghiệp thông thường bao gồm nhiều loại chủ yếu là phế liệu từ công đoạn sản xuất chính của doanh nghiệp ngoài ra còn có sắt thép phế liệu, thùng carton, ballet gỗ, vải vụn, bavia…

     CTR nguy hại

     Trên cơ sở báo cáo hàng năm công tác quản lý của chủ nguồn thải tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, khối lượng chất thải nguy hại phát sinh hàng ngày từ 260 - 265 tấn được chủ đầu tư tự quản lý và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý. Việc quản lý chất thải nguy hại tuân thủ theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT như kho chứa phải kín đáo, nền bê tông, có dán bảng biểu cảnh báo, phân loại riêng biệt từng loại chất thải với mã chất thải nguy hại xác định... Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An ký hợp đồng với các đơn vị bên ngoài tỉnh Long An để xử lý chất thải nguy hại (TP. Hồ Chính Minh, Bình Dương, Đồng Nai…). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng ký kết hợp đồng với các đơn vị xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh như Công ty CP Công nghệ môi trường Trái Đất Xanh; Công ty TNHH Môi trường Chân Lý (CCN Hoàng Gia, huyện Đức Hòa); Công ty TNHH TM và SX Ngọc Tân Kiên (khu công nghiệp (KCN) Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa); Công ty TNHH MTV SX TM DV xử lý CTNH Tùng Nguyên HS (KCN Hải Sơn, huyện Đức Hòa).

      Về xử lý nước thải sinh hoạt

      Hiện nay, toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ các khu đô thị, cụm/tuyến dân cư vượt lũ của tỉnh đều chưa được thu gom và xử lý tập trung mà được thải trực tiếp vào các nguồn nước mặt gần nhất (sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ, đồng ruộng) hoặc để chảy tràn theo địa hình tự nhiên xuống các khu vực trũng thấp xung quanh (đối với các khu vực chưa có hệ thống thoát nước). Nhìn chung, nước thải sinh hoạt chủ yếu ô nhiễm hữu cơ và amoni gây tác động đến chất lượng nước của nguồn tiếp nhận. Đa số các khu, CCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chất lượng nước thải sau xử lý của đa số các đơn vị này đạt quy chuẩn thải cho phép trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn một số khu, CCN và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chất lượng nước thải chưa đạt yêu cầu xử lý. Nông nghiệp với ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, vì thế, nước thải và chất thải chăn nuôi cũng là nguồn gây ô nhiễm đáng kể đối với môi trường nước. Trong thời gian qua, phương án xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, hay đệm lót sinh học đã được ứng dụng rộng rãi và góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu mùi hôi thối, hạn chế tác động gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) xung quanh, tuy nhiên, còn chưa triệt để, nước thải vẫn chưa đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường.

      Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, nước thải chủ yếu là nước trong các ao, đìa nuôi thải ra các kênh, rạch trong khu vực. Đặc biệt, chất lượng nước ao, vuông nuôi đã được người dân quan tâm vì ảnh hưởng lớn đến năng suất nuôi trồng thủy sản, nguồn thu nhập của người dân. Do vậy, chất lượng nước tại đây tương đối tốt, đảm bảo đời sống thủy sinh.

     Tăng cường công tác quản lý chất thải

     Trước tình hình trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tham mưu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT nói chung và quản lý chất thải nói riêng như Quyết định số 100 /QĐ-UBND ngày 10/1/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Bảng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR, rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An năm 2020; Quyết định số 751/QĐ-UBND ngày 6/3/2020 của UBND tỉnh về việc phân bổ danh mục sự nghiệp BVMT và sự nghiệp đo đạc năm 2020 của Sở TN&MT; Kế hoạch số 93/KH- UBND ngày 23/4/2020 của UBND tỉnh Long An về thực hiện phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý CTR sinh hoạt, thí điểm trên địa bàn phường 3, thành phố Tân An; Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 27/8/2020 của UBND tỉnh (Kế hoạch BVMT tỉnh Long An - năm 2021)…

     Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và xây dựng ý thức BVMT trong cộng đồng, người dân và doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng đã trao tặng UBND huyện Mộc Hóa 200 thùng rác sinh hoạt; triển khai và theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 104/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 16/5/2019 về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến năm 2025; thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu/CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phát sinh mới cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, thực hiện công khai thông tin về cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng và tiến độ xử lý. Ngoài ra, để tăng cường công tác BVMT nông thôn, các địa phương đã chủ động lồng ghép công tác BVMT vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và một số Chương trình BVMT trong chăn nuôi đã được chú trọng thực hiện, góp phần khắc phục tình trạng ÔNMT do chất thải hoạt động chăn nuôi ở nông thôn.

     Nhìn chung, việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả với xu hướng giảm dần tỷ lệ chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Chất thải nguy hại được quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát nguồn phát thải, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Một số khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng đã từng bước được cải tạo, phục hồi.

     Tuy nhiên, ý thức về BVMT vẫn chưa thành thói quen, nếp sống của nhân dân; các thói quen như: Vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước... chưa được loại bỏ, thậm chí một số nơi còn phổ biến; ý thức trách nhiệm về BVMT của một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ BVMT, phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ BVMT. CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được xử lý triệt để do Nhà máy xử lý CTR Tâm Sinh Nghĩa - huyện Thạnh Hóa chưa đáp ứng được. Ngoài ra, Dự án xử lý rác (khu công nghệ môi trường Xanh, huyện Thủ Thừa) chưa triển khai hoạt động nên chưa tiếp nhận được CTR phát sinh trên địa bàn. CTR sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, một số huyện đổ tại bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm mùi, nước rỉ rác cho khu vực như bãi rác huyện Bến Lức, bãi rác huyện Đức Huệ. Đây cũng là thách thức lớn đối với vần đề ÔNMT rác thải trên địa bàn tỉnh.

     Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại trong thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác quản lý BVMT, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ xử lý, tái chế chất thải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; xây dựng đề án khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, xử lý rác thải nghiên cứu đề xuất danh mục các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên thực hiện xã hội hóa và các quy định, cơ chế khuyến khích thực hiện; ban hành cơ chế ưu đãi các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và các-bon thấp; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT.

Quang Minh - Lê Văn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2021)

 

Ý kiến của bạn