Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

04/04/2022

    Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cùng với những cố gắng, nỗ lực trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, tình trạng gia tăng dân số đã làm phát sinh khối lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT.

Thực hiện hiệu quả về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn

    Với mục tiêu chung là đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện với môi trường; phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực do chất thải rắn gây ra tới môi trường và sức khỏe con người, tỉnh Hà Tĩnh đã đặt mục tiêu quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, cụ thể:

    Đối với chất thải nguy hại: 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT; 75% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT.

    Đối với chất thải rắn sinh hoạt: 100% các xã, phường, thị trấn, thị tứ trên địa bàn tỉnh có hợp tác xã môi trường, tổ đội vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển rác thải. 100% rác thải sinh hoạt đô thị và 90% rác thải sinh hoạt nông thôn được phân loại tại nguồn và thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT trên cơ sở tối đa hóa khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng. 100% trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi ni lông khó phân hủy. 90% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa được cải tạo, xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT. Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.

    Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường: 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu BVMT. 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,... đáp ứng yêu cầu BVMT.

    Các loại chất thải rắn đặc thù khác: có 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT, trong đó 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp. 100% bùn bể tự hoại phát sinh từ khu vực đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo yêu cầu về BVMT. 80% chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân compost, biogas và xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT. 80% phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. 100% bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp phải được thu gom, lưu giữ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 100% lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT.

Phối cảnh nhà máy xử lý rác thải huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bằng công nghệ lò đốt

Một số nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch

    Về chất thải nguy hại: Kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (thống kê nguồn thải, khối lượng phát sinh, hình thức thu gom, vận chuyển, xử lý); tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại và chuyển các sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi, hoặc chuyển cho các tổ chức đủ điều kiện hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải theo đúng quy định của pháp luật để chuyển đến các điểm thu hồi theo quy định.

    Xây dựng các điểm, khu lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên các cánh đồng tại các địa phương nhằm tăng cường việc thu gom, xử lý đối với chất thải nguy hại phát sinh từ các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh nhỏ (dưới 600 kg/năm) hoặc chủ nguồn thải chất thải nguy hại ở vùng sâu, vùng xa và đối với bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phù hợp với các quy dịnh của Luật BVMT năm 2020.

    Đồng thời, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, ít phát sinh chất thải nguy hại; tăng cường việc tái chế, tái sử dụng chất thải.

    Triển khai Quyết định số 1780/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh về việc Ban hành kế hoạch thu gom vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025; hạn chế việc xử lý chất thải y tế phân tán tại các bệnh viện và đầu tư lò đốt mới chất thải y tế nguy hại tại các bệnh viện tuyến huyện. Triển khai thực hiện đề án kiểm soát vận chuyển chất thải nguy hại qua hệ thống phần mềm, thiết bị định vị GPS.

    Đối với CTRSH: Xây dựng và triển khai phương án quản lý tổng thể CTRSH trên địa bàn tỉnh, trước mắt ưu tiên tập trung tại các huyện Đức Thọ, Hương Khê và Nghi Xuân. Triển khai có hiệu quả đề án thu gom, vận chuyển rác thải gắn với giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. Rà soát quy hoạch các khu xử lý CTRSH để có phương án điều chỉnh, bổ sung theo hướng xử lý chất thải cho cả vùng đô thị và nông thôn, ưu tiên quy hoạch các khu xử lý ở các khu vực miền núi.

    Triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, trước mắt tập trung triển khai tại thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh, triển khai trong năm 2018; phấn đấu đến năm 2020 triển khai việc phân loại chất thải rắn tại nguồn trên khắp địa bàn toàn tỉnh. Chú trọng thu gom, phân loại CTRSH tại các khu vực công cộng, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, khu du lịch, chợ, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí.

    Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; trước mắt khuyến khích hạn chế tiến tới đến năm 2025 loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

    Thông qua chính sách hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo Nghị quyết 79/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh về một số chính sách BVMT giai đoạn 2018 - 2020 và Nghị quyết số 190/2019/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 của HĐND tỉnh Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của NQ số 79/2017/NĐ-HĐND để khuyến khích việc nhân rộng mạng lưới các hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường, từ đó nâng dần tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

    Khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; ưu tiên xây dựng các cơ sở tái chế, xử lý chất thải có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

    Đóng cửa các bãi chôn lấp đã hết công suất; đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc đóng cửa đối với các bãi chôn lấp đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn kịp thời việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát. Tập trung xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp chất thải rắn thị xã Kỳ Anh, bãi rác thị xã Hồng Lĩnh, bãi rác thị trấn Thiên Cầm và các bãi rác tự phát trong thời gian qua tại các địa phương.

    Về chất thải rắn công nghiệp thông thường: Thống kê nguồn thải, khối lượng phát sinh, hình thức phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoàn thành trong năm 2020. Rà soát điều chỉnh quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 4/2/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn đô thị đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xem xét quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn công phục vụ khu vực phía Bắc và phía Tây của tỉnh để phù hợp với tình hình thức tế giai đoạn hiện nay, đồng thời triển khai hiệu quả các quy hoạch được phê duyệt.

    Xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư các dự án có sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, tiêu tốn ít nguyên nhiên liệu, phát sinh ít chất thải. Đồng thời, khuyến khích việc phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn công nghiệp thông thường. Hướng dẫn chủ các cơ sở phát thải tại các nhà máy lập Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG phát sinh trong quá trình sản xuất.

    Về chất thải rắn đặc thù khác: Xây dựng quy hoạch điểm tập kết, xử lý chất thải rắn xây dựng; khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng. Phổ biến rộng rãi hướng dẫn về thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp và hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, ưu tiên cao cho việc sản xuất phân compost và biogas.

Giải pháp trong thời gian tới

    Thứ nhất: Tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành về BVMT đảm bảo đáp ứng yêu cầu về BVMT nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng.

    Thứ hai: Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các hoạt động tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn và đối với sản phẩm tái chế từ chất thải.

    Thứ ba: Tăng mức đầu tư kinh phí để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ kế hoạch đề ra.

    Thứ tư: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về chất thải rắn, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường; đưa nội dung tuyên truyền về thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng CTRSH vào các trường học và trong các buổi tổ chức sinh hoạt cộng đồng; tập huấn, tuyên truyền việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

    Thứ năm: Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm kịp thời phát hiện vi phạm trong thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn; giám sát hoạt động vận chuyển, xử lý chất thải, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm đổ thải trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

 

Nguyễn Thế Vinh

 Học viện Cảnh sát nhân dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022)

 

Ý kiến của bạn