Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

07/07/2021

    Ngày 1/7/2021,UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND về quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh.

    Theo đó, Quy định này quy định về nguyên tắc chung; hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân liên quan trong việc quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

    Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân; kể cả các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài; hộ gia đình, cá nhân nước ngoài đang cư trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh có hoạt động liên quan đến phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.

    CTRSH phát sinh từ các chủ nguồn thải được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý theo các nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và chất thải rắn còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ chủ nguồn thải) được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, đảm bảo theo yêu cầu.

    Các cơ sở thu gom CTRSH phải đáp ứng các điều kiện về nhân lực, phương tiện và thiết bị thu gom. Riêng đối với cơ sở thu gom CTRSH ký hợp đồng cung ứng dịch vụ phải có xe ô tô tải đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường hoặc phương tiện chuyên dụng để thu gom CTRSH.

    Quá trình thu gom phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật như phân loại, bố trí các thiết bị lưu chứa. Khi thu gom phải sử dụng loa, chuông, kẻng hoặc hình thức thông báo khác khi đến lấy CTRSH. Đặc biệt, không được phép thu gom CTRSH có lẫn chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ các doanh nghiệp đến điểm tập kết. Đồng thời, phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch có liên quan của địa phương. Tần suất thu gom tối thiểu 1 lần/ngày đối với khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tối thiểu 1 lần/2 ngày đối với khu vực thưa dân cư.

    Bên cạnh đó, vị trí tập kết phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, môi trường xung quanh. Đối với các dự án khu chung cư, khu đô thị, dân cư mới, trong quá trình xây dựng và vận hành phải bố trí các điểm tập kết CTRSH. Tùy đặc điểm tình hình từng địa phương, UBND cấp huyện xác định về sự cần thiết, vị trí, công suất, công nghệ trạm trung chuyển phục vụ cho nhu cầu trung chuyển CTRSH trên địa bàn quản lý để xây dựng và vận hành. Trạm trung chuyển phải có khu vực lưu chứa sau phân loại, chất thải rắn cồng kềnh và các trang thiết bị phục vụ hoạt động thu gom, vận chuyển.

    Việc vận chuyển phải đảm bảo tuân thủ lộ trình vận chuyển CTRSH do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo kết nối hiệu quả thời gian hoạt động của các điểm tập kết, trạm trung chuyển và thời gian hoạt động của các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH trên nguyên tắc hạn chế tối đa việc lưu thông vào giờ cao điểm. Trong quá trình hoạt động cần tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, bảo đảm vệ sinh.

    Ngoài ra, cơ sở xử lý CTRSH không được phép tiếp nhận xử lý CTRSH từ các tỉnh, thành phố khác khi chưa có sự cho phép của UBND tỉnh; thực hiện đầy đủ biện pháp bảo vệ môi trường, vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn tại cơ sở xử lý CTRSH đúng theo quy trình công nghệ đã được phê duyệt và tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch của địa phương. Trường hợp, ngừng dịch vụ xử lý để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp dịch vụ xử lý thì phải thông báo bằng văn bản đến UBND cấp huyện trước 30 ngày.

    Cũng theo Quyết định này, Sở TN&MT sẽ là cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CTRSH trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra và thực hiện Quy định. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành mới hoặc điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và các quy định hiện hành. Phối hợp với Sở Tài chính hằng năm rà soát nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ, hỗ trợ cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia đánh giá năng lực thực hiện các hợp đồng đấu thầu, đặt hàng của các đơn vị thực hiện. Chủ trì hướng dẫn việc cải tạo, phục hồi môi trường và quy trình đóng bãi chôn lấp CTRSH sau khi kết thúc hoạt động. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất quá trình thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đối với UBND cấp huyện, nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đảm bảo quá trình cung ứng dịch vụ được thực hiện theo các quy định hiện hành; Điều tra, khảo sát, đánh giá, đề xuất triển khai cải tạo, xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường tại các bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh, khu vực bị ô nhiễm do CTRSH;. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; định kỳ hằng năm (trước ngày 20/12) báo cáo UBND tỉnh, Bộ TN&MT về việc quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn