Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với phương châm dân chủ của Đảng

29/12/2021

    Luật BVMT năm 2020 (Luật BVMT 2020) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Luật BVMT 2020 có nội dung toàn diện, rộng lớn, phong phú bao trùm mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống nhân dân, cộng đồng dân cư, liên quan đến tất cả các tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước trên đất nước Việt Nam. Luật BVMT 2020 có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung, trong đó lần đầu tiên đề cập quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động BVMT. Điều này gắn bó, liên quan mật thiết đến phương châm dân chủ của Đảng mà cốt lõi là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Do vậy, để Luật BVMT 2020 đi vào cuộc sống đồng thời thể chế hóa phương châm dân chủ của Đảng, trong đó có các hoạt động liên quan đến môi trường, cần có sự lồng ghép trong các quy chế, quy định, nghị định, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Bài viết chỉ ra những sự đan sen, gắn bó mật thiết giữa Luật BVMT 2020 với phương châm dân chủ của Đảng và nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu để thể chế hóa, cụ thể hóa Luật BVMT 2020 với phương châm dân chủ của Đảng và một số đề xuất, kiến nghị cho công tác này.

1. Luật BVMT 2020 hàm chứa nhiều nội dung liên quan đến phương châm dân chủ và Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS)

    Có thể khẳng định rằng, sự nghiệp BVMT là trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và của toàn dân, của mỗi cộng đồng dân cư, gia đình và người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tất cả các Chương, Điều, Khoản trong Luật BVMT 2020 đều ít nhiều, gián tiếp, trực tiếp, gắn bó với quyền, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư và đối với mỗi tầng lớp nhân dân. Cuối năm 2013, Bộ Chính trị BCH Trung ương (khóa XI) Ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Trong Quy chế này mới chỉ đề cập đến những vấn đề chung: “MTTQ Việt Nam: Chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình”; “Các đoàn thể chính trị - xã hội: Chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể mình; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với những nội dung có liên quan”(1). Đến nay, Quy định này của Bộ Chính trị chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực môi trường và BVMT. Trong khi đó, Luật BVMT 2020 đã thể hiện rất rõ vấn đề này. Chương III và từ Điều 157 đến Điều 163 là những nội dung nòng cốt bao hàm, liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, công tác công tác giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức làm chủ của các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam, các đoàn viên, hội viên, của các cộng đồng dân cư (xã, phường, thị trấn, thôn, làng, ấp, bản...) và các gia đình cũng như mỗi thành viên gia đình trong công tác BVMT. Điều 157, Điều 158 của Luật BVMT 2020 quy định “Trách nhiệm và quyền hạn của MTTQ Việt Nam” trong tuyên truyền, vận động tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và Nhân dân tham gia hoạt động BVMT”. “...thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT theo quy định của pháp luật”. Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về BVMT theo quy định của pháp luật. Luật BVMT 2020 đã quy định rất rõ ràng, cụ thể vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong lĩnh vực BVMT. Đó là: “Tham vấn đối với dự án đầu tư có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình” “Tư vấn, phản biện về BVMT với cơ quan quản lý nhà nước và chủ dự án đầu tư, cơ sở có liên quan theo quy định của pháp luật”; “Tham gia hoạt động kiểm tra về BVMT tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình”; “Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BVMT”. “Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện các quyền quy định tại khoản 2 Điều này” (2).

    Phương châm dân chủ của Đảng với những khâu nòng cốt là “Dân biết, dân bàn, dân bàn, dân kiểm tra” được đề ra trong Đại hội VIII của Đảng (1996). Trước đó là khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Ban Bí thư Trung ương đề ra năm 1984. Đến ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị BCH Trung ương (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” (3). Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 29-1998/NĐ-CP ngày 11-5-1998 “Về việc ban hành Quy chế thực dân chủ ở xã” (4). Ngày 20-4-2007, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”(5). Ngày 8/9/1998 Chính phủ ban hành Nghị định số 71-1998/NĐ-CP “Về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan”. Đồng thời, trong thời gian này còn có nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến xây dựng và thực hiện QCDCCS. Trong các văn bản nói trên, rất ít có những quy định về dân biết, dân bàn, dân kiểm tra về công tác BVMT. Có chăng chỉ là dân biết “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai”; dân tham gia ý kiến trước khi HĐND, UBND xã quyết định về “Dự thảo quy hoạch, kế hoạch  sử dụng đất đai ở địa phương và việc quản lý sử dụng có hiệu quả quỹ đất công ích ở địa phương” và “Dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình quốc gia về y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường”; dân kiểm tra “Quản lý và sử dụng đất đai”...Trong khi đó, Luật BVMT 2020 quy định đầy đủ, chi tiết, cụ thể về vai trò, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư cũng như của mỗi gia đình, mỗi người dân trong công tác BVMT. Lần đầu tiên Luật BVMT 2020 khẳng định vị, trí, vai trò mà điểm nhấn là các quyền của cộng đồng dân cư của mà còn là điểm nhấn, mở ra nhiều quyền khác của cộng đồng khi họ khi bị tác động xấu về môi trường bởi  các tổ chức, doanh nghiệp, dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cụm công nghiệp. Luật BVMT 2020 mở rộng quyền cùa người dân như được cung cấp thông tin, tìm hiểu thực tế, đối thoại, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cụm công nghiệp... xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường (Điều 159, Điều 160). Những quy định này gắn liền với những khâu trong Quy chế dân chủ ở cơ sở, mở ra cho cộng đồng dân cư có nhiều quyền, nhiều trách nhiệm hơn trong các vấn đề về môi trường, đồng thời quy rõ trách nhiệm, giải pháp của mỗi chủ thể trong các tình huống, tranh chấp, xung đột môi trường xảy ra ở cộng đồng dân cư.

2. Thể chế hóa phương châm dân chủ của Đảng để đồng bộ với chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác BVMT

    Một trong những khó khăn, bất cập nổi cộm trong quá trình thực hiện phương châm dân chủ của Đảng, trong đó có xây dựng và thực hiện QCDCCS, là việc quy rõ trách nhiệm, xử lý những chủ thể, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở cộng đồng dân cư cũng như việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai vẫn kéo dài, phức tạp. Ở nhiều địa phương, các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề... được xây đựng trên đất thuộc quyền quản lý của xã, phường, thị trấn. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bức tử nhiều sông, hồ, ô nhiễm không khí, tiếng ồn; việc quản lý, sử dụng đất đai lỏng lẻo, lãng phí, gây ra tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng. Tuy nhiên chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư không có thẩm quyền xử lý, cộng đồng dân cư phải chịu đựng hết năm này sang năm khác. Người dân ở cơ sở hoàn toàn không được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường cũng như việc cấp đất cho các khu công nghiệp, khu chế xuất.

    Phương châm dân chủ của Đảng đề ra năm 1996 “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Đại hội XIII của Đảng bổ sung thành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời Đại hội cũng đề ra quyết tâm: “...mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (6). Luật BVMT 2020 đã hàm chứa đầy đủ, toàn diện những nội dung liên quan đến công tác BVMT ở cộng đồng dân cư, trong khi đó, phương châm dân chủ của Đảng lại chưa được thể chế hóa, có nhều bất cập. Do đó, để có sự đồng bộ giữa chính sách, Luật BVMT với chủ trương, nghị quyết của Đảng, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp:

    Thứ nhất, xác định nội hàm các khâu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong đó có những khâu liên quan đến công tác BVMT;

    Thứ hai, vận dụng, tiếp thu những quy định trong các Điều liên quan đến công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và các cộng đồng dân cư trong của Luật BVMT 2020 làm nòng cốt để thể chế hóa một cách đồng bộ, tạo ra sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của Đảng với chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực BVMT;

    Thứ ba, hiện nay, phương châm dân chủ của Đảng và Quy định về giám sát, phản biện xã hội... mới dừng lại ở mức định tính hơn là định lượng. Do đó cần thể chế hóa thành các văn bản mang tính pháp quy, tốt nhất là nâng lên thành Luật hoặc pháp lệnh. Việc thể chế hóa phương châm dân chủ liên quan đến lĩnh vực BVMT rất cần có sự tham gia của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, thành viên Ban chỉ đạo QCDCCS của Bộ TN&MT để chuyển tải tinh thần, nội dung Luật BVMT 2020 vào các văn bản liên quan đến thể chế hóa phương châm dân chủ của Đảng.

3. Đề xuất, kiến nghị

    Trên cơ sở quán triệt, thực hiện, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, căn cứ vào thực tiễn quá trình thể chế hóa phương châm dân chủ của Đảng, nhất là xây dựng và thực hiện QCDCCS đã có nhiều vấn đề khiếm khuyết, lạc hậu, xin kiến nghị, đề xuất:

- Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm dân chủ của Đảng, nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có vấn đề BVMT.

- Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát, xem xét đánh giá quá trình thực hiện Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề đất đai, môi trường và công tác BVMT ở cơ sở, cộng đồng dân cư. Nên chăng có thể thì xây dựng Luật Dân chủ cơ sở? Nếu không, cần nâng cấp các Nghị định của Chính phủ thành pháp lệnh thực hiện dân chủ ở một số loại hình cơ sở.

- Chính phủ rà soát, xem xét, đánh giá việc thực hiện các Nghị định về thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Một số nghị định đã xây dựng và thực hiện hơn 20 năm nay, cho nên có nhiều điểm lạc hậu, nhất là các khâu dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng các vấn đề môi trường và thành quản công tác BVMT. Nếu Quốc hội chưa xây dựng, ban hành Luật Dân chủ cơ sở thì Chính phủ cần đề xuất xây dựng, ban hành Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở hoặc nhanh chóng thể chế hóa phương châm dân chủ bằng các nghị định, trong đó vận dụng, tiếp thu những nội dung liên quan đến dân chủ trong Luật BVMT 2020.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Trung ương, số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013, Quy định “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội”, Công ty Thư viện pháp luật (https://thuvienphapluat.vn);

2. Luật BVMT, 72/2020/QH14 BVMT 2020, Công ty Thư viện pháp luậtt (https://thuvienphapluat.vn);

3. Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Pháp lệnh cán bộ, công chức; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Quy chế thực hiện dân chủ ở xã và các văn bản hướng dẫn thực hiện, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1999, tr 195;

4. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Sđd, tr 304;

5. Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t1, tr 27-28.

                                                       Nhà báo Vũ Lân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

Ý kiến của bạn